Chăm chỉ ăn hành củ như món hành muối chua sẽ giúp bạn khỏi lo đầy hơi, chướng bụng và nhiều bệnh vặt rất thường xuyên mắc vào dịp Tết.
Hành củ được coi là vị thuốc quý trong dân gian
Bên cạnh những món ăn đậm hương vị truyền thống như bánh chưng xanh, canh măng khô, thịt gà, giò chả…, vào dịp Tết dường như nhà nào cũng có thêm hũ hành muối chua dịu giản dị. Chúng ta thường coi hành là một gia vị giúp món ăn thêm thơm ngon, hấp dẫn nhưng ít ai biết hành củ cũng là một trong những thực phẩm chữa bệnh.
Đặc biệt, với những chứng bệnh phổ biến vào dịp Tết như cảm lạnh, cảm cúm, đầy hơi, chướng bụng…, ăn hành có thể giúp bạn giải quyết tất tần tật những vấn đề khó chịu này. Theo lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), hành củ hay còn gọi là hành ta, hành lá có củ nhỏ, lá dài. Trong Đông y, hành ta có tên gọi là đại thông, thông bạch, hành hoa, tử quý thông, dân tộc Thái gọi là bom búa… Hành ta có các thành phần hóa học như axit malic, chất dầu…
"Trong Đông y, hành ta có vị cay, tính ấm, đi vào hai kinh phế và vị, hành khí, hoạt huyết, phát tán phong hàn. Hành ta chữa cảm mạo, cho ra mồ hôi, thông dương, lợi tiểu, sát trùng, chữa đau răng, sắc nước uống chữa sốt, cảm sốt, nhức đầu, sốt rét, đau mình mẩy, chữa liệt dương ở nam giới. Ngoài ra, ăn hành củ sẽ giúp lợi tiểu, làm sáng mắt, lợi ngũ tạng", lương y Bùi Hồng Minh cho biết.
Một trong những kiểu ăn hành sống mà chúng ta có thể dễ dàng ăn, đồng thời hấp thu đầy đủ giá trị dinh dưỡng của nó chính là hành củ muối. Hành muối là món ăn được lên men nên chứa nhiều men vi sinh có lợi cho hệ tiêu hóa. Trong dịp Tết, nếu bạn ăn quá nhiều món ăn chứa chất béo như thịt đông, bánh chưng... thì hãy nhớ ăn hành muối để giảm hiện tượng chướng bụng, khó tiêu... Hành muối vị hăng nên giúp lưu thông máu, tăng cường tiết mồ hôi. Trong thời tiết lạnh, hành có tác dụng tránh nhiễm trùng, giảm sốt, chống cảm lạnh và cảm cúm rất tốt.
Mặc dù ăn hành muối rất tốt nhưng cũng có một số đối tượng không nên ăn hành muối nhiều. Người bị viêm loét dạ dày không nên ăn nhiều hành muối vì loại hành này lên men nên chứa nhiều axit, do đó ăn nhiều sẽ không có lợi cho sức khỏe. Người bị bệnh suy thận cũng không nên ăn nhiều hành muối vì hành muối thường chứa rất nhiều muối, ăn nhiều sẽ gây đọng muối trong cơ thể dẫn đến hiện tượng sưng phù, cao huyết áp. Thay vì ăn hành muối, bạn có thể ăn hành tươi với những món nhúng lẩu để hạn chế nạp nhiều muối vào cơ thể.
Bài thuốc chữa bệnh thường gặp vào dịp Tết từ hành ta
Vào dịp Tết, sự ẩm ương của thời tiết cùng chế độ ăn uống thất thường với tiệc nhậu triền miên, rất có thể bạn sẽ phải đối mặt với các chứng bệnh cảm cúm, ngạt mũi, mụn lên bất thường, đầy hơi, chướng bụng… Bạn có thể sử dụng một số bài thuốc chữa bệnh từ hành ta rất có ích vào dịp Tết được lương y Bùi Hồng Minh đưa ra:
- Chữa cảm mạo, đau nhức, mũi ngạt: Hành 30g, đậu xị 15g, sinh khương 10g, chè hương 10g. Tất cả cho vào 300ml nước đun sôi. Sau đó gạn nước uống khi còn nóng. Uống xong đắp chăn để ra mồ hôi. Ngoài ra, bạn có thể nấu chào cho hành hoa, tía tô và ăn nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi cũng có tác dụng giải cảm rất tốt.
- Chữa cảm mạo ở trẻ nhỏ: Hành 60g, sinh khương 10g. Giã nát hai thứ, cho một cốc nước sôi đổ vào, sau đó cho trẻ xông lên mũi, họng sẽ chữa ngạt mũi, viêm tắc mũi. Ngày làm 1-2 lần.
- Chữa mụn nhọt, mụn đầu đinh: Hành tươi giã nát, trộn mật ong, sau đó đắp lên những chỗ có mụn. Sau khi đắp xong, nhân trồi ra rồi thì lấy dấm rửa sẽ giúp sát trùng, tránh viêm nhiễm.
- Phụ nữ động thai: Hành tươi 60g đem sắc với một bát nước, sắc kỹ bỏ bã xong cho uống.
Ngoài những công dụng trên, hành ta còn có tác dụng chữa đầy bụng, đầy hơi, kết hợp với rau kinh giới sẽ giúp tán phong nhiệt, giải độc tốt hơn. Còn nếu sử dụng hành ta kết hợp với tía tô sẽ đẩy nhanh hiệu quả chữa đầy bụng, đầy hơi, cảm cúm – những chứng bệnh rất phổ biến trong dịp Tết.
hành củ, hành muối, thuốc chữa bệnh dịp tết, đầy bụng, Lợi ích sức khỏe của hành củ