Giải trí

Tranh cãi xung quanh phim “Tuổi thanh xuân”

Qua 3 tập được phát sóng, bộ phim dành sự chú ý đặc biệt của khán giả “Tuổi thanh xuân” đang bị phàn nàn vì khâu lồng tiếng làm mất đi bản sắc văn hóa Hàn Quốc, khiến cho khán giả không có cảm giác là đang có diễn viên Hàn Quốc thủ vai.

Tranh cãi xung quanh phim “Tuổi thanh xuân” 1

Đạo diễn Bùi Tiến Huy (phải) chỉ đạo diễn xuất trên trường quay (ảnh đoàn phim cung cấp).

Có bất lợi cho diễn viên Việt?

Ngay khi tập 1 của bộ phim Tuổi thanh xuân vừa lên sóng trên kênh VTV3, trên các diễn đàn đã có những cuộc bàn tán sôi nổi. Đã lâu lắm rồi khán giả mới được xem một bộ phim về giới trẻ đúng nghĩa khi êkip sản xuất, thực hiện đa phần là người trẻ. Nhịp phim nhanh, cảnh quay đẹp, hiện đại, trang phục hợp mốt, diễn viên trẻ trung, bắt mắt… tất cả tạo nên một hiệu ứng cuốn hút cho “Tuổi thanh xuân”.

Phim bắt đầu bằng chuyến du học đến Hàn Quốc của Linh (Nhã Phương đóng). Như bao cô gái tuổi teen khác, Linh luôn dành sự hâm mộ cho các chàng trai của K-pop nên ngay khi vừa đặt chân đến xứ sở kim chi, Linh đã tìm đến buổi biểu diễn của thần tượng. Tại đây, cô đã gặp gỡ với chàng ca sĩ Junsu lãng tử và có sự trải nghiệm thú vị về tình bạn, tình yêu tuổi trẻ.

Duy có điều, khán giả phàn nàn là khâu lồng tiếng cho phim thiếu tự nhiên với diễn biến tâm lý của nhân vật, khiến cho vai Linh bị đánh giá là hơi lố, diễn quá đà khi liên tục “mắt chữ a, mồm chữ o”, đồng thời hú há liên tục để thể hiện sự phấn khích với thần tượng. Trong khi đó, diễn xuất của các diễn viên Hàn Quốc như Kang Tae Oh (thành viên ban nhạc Surprise - đóng vai nam chính Junsu) hay Eun Hyuk (thành viên ban nhạc Super Junior) thì được đánh giá là chừng mực, tinh tế hơn.

Điều này cũng trở nên dễ hiểu khi các chàng trai Hàn Quốc trong phim đều là những thần tượng của giới trẻ Việt Nam. Trong khi đó, Nhã Phương hay Hồng Đăng, Việt Anh… dù có nhiều vai diễn thành công trước khi đến với phim, nhưng để được gọi là thần tượng của giới trẻ trong nước thì chưa đạt tới. Đây có thể được coi là một bất lợi không nhỏ cho diễn viên Việt khi vốn dĩ, các sao Hàn Quốc đã ăn quá sâu vào tâm lý thần tượng của tuổi teen. Chính vì vậy, song song với sự háo hức dành cho Tuổi thanh xuân, một số phụ huynh cũng tỏ ra e ngại trước “phản ứng phụ” mà bộ phim có thể mang lại, đó là khơi sâu hơn xu hướng thần tượng hóa với nghệ sĩ Hàn Quốc của con em mình.

Được biết, trong khi VTV quyết định lồng tiếng cho phim thì phía Hàn Quốc lại có cách làm ngược lại. Đài Truyền hình Hàn Quốc sẽ chạy phụ đề bên dưới màn hình để giữ nguyên lời nói của diễn viên Việt Nam.

Cân nhắc nhiều trước khi quyết định lồng tiếng

Tranh cãi xung quanh phim “Tuổi thanh xuân” 2

Một cảnh trong phim của Nhã Phương và Kang Tae Oh (ảnh đoàn làm phim cung cấp).

Trước sự thắc mắc của khán giả vì sao không chạy phụ đề mà chọn cách lồng tiếng, đồng đạo diễn phim Bùi Tiến Huy (các phim trước đó của anh là Cầu vồng tình yêu, Tình yêu không hẹn trước) cho biết: “Rất nhiều người hỏi chúng tôi là tại sao không chạy phụ đề và không thuyết minh cho phim? Trước khi khởi quay bộ phim, chúng tôi đã họp bàn rất nhiều lần về việc lồng tiếng hay thu tiếng trực tiếp. Sau khi tính toán, êkip làm phim đã quyết định chọn lồng tiếng bởi đây là phim truyền hình dài tập, lời thoại rất nhiều nên diễn viên Việt Nam không thể thoại bằng tiếng Hàn, cũng không thể học tiếng Hàn trong thời gian ngắn để phục vụ bộ phim. 

Bộ phim phát trên Đài truyền hình quốc gia là để phục vụ tất cả bà con, từ nông thôn đến thành thị và phục vụ mọi lứa tuổi nên không thể dùng phụ đề chạy bên dưới được, sẽ rất bất tiện cho số đông khán giả. Việc thuyết minh càng không thể. Hai nhân vật có tình cảm với nhau, nhưng mỗi người nói một thứ tiếng thì sẽ làm sự thuyết phục của bộ phim bị giảm đi rất nhiều, không gây được cảm xúc và sự xúc động cho phim, thậm chí trong một vài cảnh còn gây phản cảm”.

Đạo diễn Bùi Tiến Huy cũng cho biết: “Vì chọn cách lồng tiếng mà đoàn làm phim cũng mất nhiều thời gian và công sức hơn rất nhiều so với việc chạy phụ đề. Để tìm được diễn viên lồng tiếng cho nhân vật, chúng tôi cũng phải tổ chức casting giọng rất cẩn trọng. Điều này gần như rất ít khi diễn ra trong các phim của VTV. Mỗi nhân vật có từ 3-4 người lồng tiếng thử, sau đó mới chọn được người ưng ý. Thêm nữa, do thói quen khán giả đã xem nhiều phim Hàn có thuyết minh trên truyền hình và nếu có lồng tiếng thì chọn giọng miền Nam, nên khi phim “Tuổi thanh xuân” lồng tiếng miền Bắc, ban đầu khán giả sẽ thấy chưa thể thích nghi. Ngay bản thân tôi lúc đầu khi làm hòa âm hai tập đầu tiên cũng chưa quen với việc lồng tiếng cho các diễn viên. Nhưng từ tập 3 trở đi thì thấy đây là lựa chọn rất hợp lý và phù hợp với nhân vật”.

Xung quanh ý kiến về việc là phim hợp tác nhưng văn hóa Hàn Quốc trong 3 tập đầu có phần áp đảo, cảm giác như đang xem một phim Hàn có diễn viên Việt đóng. Đạo diễn Bùi Tiến Huy chia sẻ: “Câu chuyện của 20 tập phim đầu xảy ra tại Hàn Quốc nên phong cảnh, văn hóa của xứ sở kim chi sẽ rõ nét hơn. Đó cũng là mục đích của hai nước Việt - Hàn khi tiến tới hợp tác. Còn 16 tập sau, câu chuyện phim xảy ra ở Việt Nam, lúc này hình ảnh, con người và văn hóa Việt Nam sẽ được chúng tôi khắc họa đậm hơn. Dự kiến, sau khi phát sóng ở Việt Nam, phim sẽ phát tại Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á, nên việc chú trọng tới truyền thống và văn hóa của hai nước Việt - Hàn được êkip làm phim đưa lên hàng đầu, vừa để phục vụ cho bộ phim, vừa để quảng bá hình ảnh 2 đất nước”.

aFamily

© 2021 FAP
  3,256,750       14/1,346