Romance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái không phải một đêm nhạc. Đó là một chuyến tàu tốc hành đi ngược thời gian về thanh xuân. Người lái tàu là một anh bạn thuở thanh xuân của chúng tôi: ca sĩ Hà Anh Tuấn.
Hòa nhạc See Sing Share mùa ba với chủ đề "Romance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái" của Hà Anh Tuấn diễn ra vào đúng thời điểm trào lưu thanh xuân đang nở rộ. Thế mới biết, Tuấn luôn là vô địch trong showbiz về nắm bắt "trend". Nhưng có chút gì đó oan cho Tuấn nếu chỉ khăng khăng rằng: làm kinh doanh, trong đó có kinh doanh âm nhạc thì Tuấn "chúa" lắm. Bởi vì trong câu chuyện thanh xuân này, Tuấn không chỉ là thủ phạm tạo "trend", mà còn là nạn nhân của "trend". Tuấn, như mọi chàng trai cô gái 8x khác, khi rộn ràng náo động với trào lưu thanh xuân, thì cũng ngỡ ngàng nhận ra cái lý khởi nguyên của nó: ấy là chúng ta đã thực sự đi qua những tháng năm rực rỡ nhất của cuộc đời.
Thế là rối rít hoài niệm, rối rít nhớ thương. Và Hà Anh Tuấn, rối rít hát trong rối rít nhung nhớ của đám 8x ý thức được mình đang tiệm cận tuổi già . Đó là lí do mà so với "Nâu nóng" của năm 2016 và "Fragile" của 2017, "Romance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái" là một đêm nhạc thị trường nhất, "hot trend" nhất, sến sẩm nhất nhưng cũng chân thật nhất. Tuấn dường như chỉ việc mở từng trang nhật kí của mình, gặp lại hồi ức nào thì kể lại cho khán giả của mình nghe hồi ức ấy. Thủ thỉ, tung tẩy, tinh nghịch như một cậu học trò.
Hà Anh Tuấn trên sân khấu của Romance chẳng liên quan gì đến cái tên chủ đề bóng bẩy "Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái'. Tuấn trút bỏ vẻ "nam thần" lãng tử trong mộng của những cô bé 9x, 10x để trở về với hình ảnh "anh chàng lớp bên hát hay, học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu" của biết bao cô gái thế hệ 8x thủa 16, 17 năm xưa. Anh chàng khiến bao cô gái cứ lấp ló ngoài hành lang, dấm dúi đấm lưng nhau cười khúc khích và len lén mắt nhìn. Anh chàng ấy cũng lãng tử lắm nhưng không sành sỏi. Ngây ngô, thô vụng, trong trẻo, hồn nhiên.
Điểm đến đầu tiên trên chuyến tàu trở về thanh xuân cùng Hà Anh Tuấn là những năm đầu thập niên 2000 với hai bản hit: "Nuối tiếc" và "Và em đã yêu". Tuấn là "chúa" cover. Những ca khúc trữ tình kể lể thế này thì Tuấn là "trùm". Tuấn không có kĩ thuật thanh nhạc tốt, nhưng kĩ thuật lẩy cảm xúc thì hiếm ca sĩ nào của làng nhạc Việt sánh bằng. Và Tuấn làm biến mất Hồ Quỳnh Hương lẫn Hồ Ngọc Hà trong trí nhớ người nghe. Tuấn hát như kể chuyện, hát như đọc thơ, hát như "tán gái", cứ rủ rà rủ rỉ, thủ thà thủ thỉ, bỏ nhỏ rất duyên và nhấn nhá từng chữ theo đúng dấu ngã, nặng, hỏi, huyền của người miền Bắc thì "tình" không ai địch nổi.
"Tình ơi sao có lúc vui mà vẫn thấy e ngại, biết đâu tình đến vui chơi giây phút thôi. Từ giây phút ấy đến bây giờ cũng đã bao ngày mà tình vẫn đấy, ngại ngùng vẫn đấy. Yêu và anh đã yêu dù không ít khi nỗi đau cũng nhiều. Nhưng tiếc gì vì khi được yêu là anh sẽ cho và cho rất nhiều không cần giữ lại...", chỉ nghe Hà Anh Tuấn hát đoạn này thôi cũng đủ để đám đông nổi cơn hào phóng phong tặng cho anh danh xưng "người đàn ông kể chuyện tình hay nhất Việt Nam". Cũng vì cái lối hát - kể - tình ấy mà người nghe tha thứ hết cho Tuấn những tiếng chênh phô, những đoạn lạc giọng, những nốt cao không chạm tới.
Tuấn hát như lần giở kí ức, chạm vào đâu cũng thấy hôi hổi kỉ niệm, mở trang nào ra cũng thấy ríu rít thân thương. Tuấn phô bày thời thanh xuân của mình, rồi chìm đắm vào trong thế giới ấy. Bên dưới sân khấu, người nghe cũng đang cuống quýt với dòng hồi tưởng ăm ắp ùa về. Những chiếc băng cassettle cũ kĩ, những tập viết chép tay dày kín các ca khúc "làn sóng xanh", những tấm poster bé bằng nửa bàn tay dán ngả nghiêng trong cuốn sổ úa màu.
Có phải thời ấy bạn cũng đang là cô cậu học trò cấp 3 như tôi và như Tuấn: tóc bổ luống kiểu Đan Trường nếu là con trai và cắt mái ngang như Phương Thanh nếu là con gái, viết thư cho anh Lam Trường, mua lịch sổ tay có in hình Minh Thuận để tóc dài tha thướt, nghe "Kiếp ve sầu" đến nhàu rối dây băng và xem "Trái tim mùa thu"? Có phải bạn nằm trong số các cô nàng ngất ngây trước vẻ đẹp trai lạnh lùng của anh Han Tae Suk (Won Bin), hoặc có mặt trong đám các cậu chàng đang mải si mê gương mặt bầu bĩnh thơ ngây đến trong vắt của Eun Suh (Song Hye Kyo)?
Tuấn cũng thế. Tuấn mê Eun Suh và mê luôn nàng Song Hye Hyo. Tuấn gọi nàng là "người yêu cũ". Tuấn ôm mộng "một ngày nào đó lớn lên, làm giám đốc để được sang Hàn Quốc gặp nàng". Rồi Tuấn cũng lớn lên, trở thành ca sĩ nổi tiếng, lại ôm mộng "một ngày nào đó có cơ hội tham gia chương trình trao đổi giao lưu văn hóa Hàn - Việt thì sang Hàn Quốc đứng chung sân khấu với nàng". Rồi Tuấn cũng được sang Hàn Quốc hát. Nhưng chưa kịp sang thì nàng đã lấy chồng mất rồi.
"Đến giờ vẫn không hiểu vì sao mình lại thua cái thằng 85 ấy", Tuấn hậm hực với Song Joong Ki. Còn khán giả thì hò reo huýt sáo với cái sự hậm hực rất làm màu nhưng duyên dáng đến tan chảy của Tuấn.
Rồi Tuấn hát loạt bản hít nhạc Hàn lời Việt làm cả thập niên xưa cũ ồ ạt hiển hiện. Trái Tim mùa thu, Ước mơ vươn tới một ngôi sao, Ngôi nhà hạnh phúc... Chao ôi, thời của những bản nhạc tình lãng tử, thời của những bức thư tay cầu kì trịnh trọng một cách ngô nghê, thời của những lời yêu học lỏm hoa mĩ mà thiết tha chân thật, thời của những tôn thờ thiêng liêng dành cho lạc nhịp đầu đời. Đừng hỏi vì sao Tuấn lại có thể hát được những tôn thờ thiêng liêng - lãng tử ngô nghê - hoa mĩ chân thật ấy. Lẽ giản đơn thôi, đó là thời của Tuấn. Thời thanh xuân của chúng ta.
Nhưng đã nói rồi, Tuấn thông minh thiên bẩm và thông minh hơn người. Tuấn biết chẳng phải tất cả hành khách trên chuyến tàu thanh xuân của Tuấn đều là những người có chung dòng hồi ức. Tuấn còn có fan trẻ của Tuấn nữa, những người Tuấn gọi là "em" và chuyện trò như cách bạn thân của anh trai đến tán cô em gái nhỏ, tự biết mình đầy "quyền lực", đầy "người lớn" và đầy bí mật hấp dẫn trong ánh mắt xanh lơ như bầu trời tí hon của cô bé chớm dậy thì. Và Tuấn đãi họ bằng Mỹ Tâm lẫn... nhạc Phan Mạnh Quỳnh.
Nhưng ai định kiến với Phan Mạnh Quỳnh, định kiến với âm nhạc mạng xã hội, định kiến sến - sang thì sẽ phải thay đổi khi nghe Tuấn hát. Nhạc của Phan Mạnh Quỳnh hóa ra rất lãng mạn, rất đời và rất sâu qua cách hát biến hóa của Tuấn. Dẫu vậy, hát nhạc Phan Mạnh Quỳnh là Tuấn rõ ràng đang quá tự tin đối mặt với những mỉa mai, nặng thì "rẻ tiền", nhẹ thì "dễ dãi"... Hát với Mỹ Tâm, Tuấn cũng chẳng cố làm cho sang, cho độc đáo khi mà Mỹ Tâm gần 20 nổi danh luôn gắn với hai chữ "thị trường". Và càng sai nếu nghĩ Tuấn mời Tâm hát vì Tâm "hot". Mỹ Tâm thực ra là một phần sau cuối trong thời thanh xuân của chúng tôi.
Nhưng về cơ bản thì Hà Anh Tuấn vẫn... sến từ xưa tới giờ mà. Đêm "Romance - Người đàn ông và bông hoa trên ngực trái" lại càng sến. Sến từ tên gọi đến cách chọn bài. Cái nỗi sến sẩm nửa người lớn nửa trẻ con, nửa đàn ông nửa cậu bé, nửa trưởng thành nửa ngây ngô. Cái nỗi sến sẩm mà chỉ thanh xuân mới có và thanh xuân ai cũng thế.
Tuấn không còn "thanh xuân rực rỡ" xét về tuổi tác vật lí. Nhưng nếu như Tuấn bảo "7 năm trước Mỹ Tâm 18 tuổi" thì hiện tại Tuấn đang rành rành đôi mươi. Ừ thì Tuấn cứ "thanh xuân mãi mãi" như tuyên bố của Tuấn, còn chúng tôi thì thành xơ cọng cả rồi. Tuấn cứ việc sến sẩm vì Tuấn trẻ, Tuấn có quyền. Và khán giả của Tuấn thích Tuấn sến như thế. Còn ai già thích sang mặc họ. Nhưng này, nếu cho bạn được đổi cái "sang" của tuổi già để lấy cái thanh xuân sến sẩm thì bạn có đổi không?
Tuấn kết thúc dòng cuối cùng trong kịch bản lên form vào lúc 23 giờ 20 phút. Nhưng khán giả của Tuấn không cho Tuấn kết thúc. Những tiếng nói giận hờn, những ào ào gọi giục, và Tuấn lại phải hát. Đột ngột Tuấn ngắt dàn nhạc: "Dàn nhạc cho anh xin một phút. Anh muốn nghe trọn vẹn những tiếng hát rất phô ở dưới". Thế là lại lạc giọng gọi tên: "Hà Anh Tuấn, Hà Anh Tuấn".
Vĩ thanh: 12 năm trước, tại Sao Mai Điểm Hẹn 2006, Diva Mỹ Linh ngồi ghế giám khảo có khuyên Hà Anh Tuấn rằng: "Em không nên đi theo con đường ca hát". Trong lứa Sao Mai năm ấy, giọng hát "đớt" cùng tật ngắn lưỡi của Tuấn bị đánh giá là nghiệp dư so với nội lực mạnh mẽ của Phạm Anh Khoa, so với tài năng trời cho của Hoàng Hải, Ngọc Anh, Phương Linh. Nhưng 12 năm sau, chàng ca sĩ triển vọng được Mỹ Linh khuyên không nên theo đuổi nghề ca hát lại đang là ngôi sao rực rỡ nhất trong lứa Sao Mai năm ấy, đồng thời cũng là nam ca sĩ duy nhất cháy vé trong 3 năm liên tiếp làm liveshow tại Hà Nội.
Hà Anh Tuấn được Tổ đãi, có thể. Hà Anh Tuấn có "sỏi" trong đầu, nhất là khi tư duy về kinh doanh, cũng có thể. Hà Anh Tuấn thông minh hơn người, có duyên, nói chuyện thú vị, đẹp trai, lịch lãm, có khí chất, nắm bắt "hot trend" tốt, cũng có thể. Nhưng có một chân lý là: khán giả không cần một cái máy hát mà cần một người tâm tình với họ bằng giọng hát. Hà Anh Tuấn đã làm được điều ấy.
Song, quan tâm làm gì mấy thứ hạng, ngôi vị đau đầu. Hà Anh Tuấn bảo: "Tuấn không biết mình đang ở vị trí nào. Tuấn sống với âm nhạc bằng sự ngây thơ và vô tư tuyệt đối".
Hãy tin vào lời anh bạn thủa thanh xuân ấy của tôi. Chí ít là trên chuyến tàu "Romance" này, sự ngây thơ và vô tư ấy là chân thật. Chân thật đến mức cảm giác Tuấn sau nhiều năm miệt mài thể nghiệm, sáng tạo thì giờ ngồi bệt xuống đất, thảnh thơi với tay lấy từng cuốn sách kí ức trên chiếc kệ cuộc đời để cùng hoài niệm với tất cả chúng ta những tháng năm rực rỡ nhất đời người. Ai nghi ngại cứ nghi ngại. Còn tôi phải đi với Tuấn đây. Tuấn ơi, cho tôi xin một vé đi thanh xuân!
hà anh tuấn, romance người đàn ông và bông hoa trên ngực trái