Sản phẩm

Đánh giá card đồ họa AMD Radeon R9 series

Hỗ trợ độ phân giải 4K, công nghệ âm thanh AMD True Audio, giao diện lập trình Mantle cùng tỷ lệ hiệu năng/giá thành hấp dẫn, thế hệ GPU mới của AMD hứa hẹn mang đến game thủ những trải nghiệm giống với môi trường thực tế hơn.

Thiết kế
Cả 3 mẫu card thử nghiệm cùng sử dụng chip xử lý đồ họa (GPU) thế hệ mới nhất Radeon R9 series vừa được AMD giới thiệu tại GPU '14 Tech Day 2013 cách đây không lâu. Asus R9280X-DC2T-3GD5 và Gigabyte GV-R928XOC-3GD (Gigabyte R928XOC) trang bị GPU R9 280X và mẫu card nguyên bản (reference card) AMD Radeon R9 270X dùng GPU R9 270X.

AMD Radeon R9 270X: Khác với Radeon R9 290 và 290X, R9 270X là phiên bản làm lại của Radeon HD 7870 với xung nhịp GPU và RAM cao hơn nhằm cạnh tranh trực tiếp với GeForce GTX 760 của nVidia. Điểm mới của GPU R9 270X là hỗ trợ giao diện lập trình Mantle, công nghệ âm thanh AMD True Audio và thư viện đồ họa DirectX 11.2 được tích hợp sẵn trong Windows 8.1.

GPU R9 270X có 16 đơn vị tính toán (compute unit) với tổng số đơn vị xử lý dòng (stream processing unit) là 1280, số đơn vị phủ vân bề mặt hình ảnh (texture unit) là 80 và 32 đơn vị ROP màu (color ROP unit). Cũng theo AMD cho biết xung nhịp tiêu chuẩn R9 270X là 1.000 MHz và có thể tăng tốc đạt 1.050 MHz, bộ nhớ GDDR5 dung lượng 2 GB xung nhịp (mem clock) 1.400 MHz và độ rộng băng thông bộ nhớ 256 bit.

Asus R9280X-DC2T-3GD5
(gọi tắt Asus R9280X) thuộc dòng card đồ họa được nhà sản xuất ép xung sẵn nên GPU hoạt động ở xung nhịp 1075 MHz đồng thời xung nhịp bộ nhớ lên đến 1.600 MHz; cao hơn lần lượt là 7,5 % và 6,67% so với mức tiêu chuẩn AMD công bố. Bộ tản nhiệt DirectCU II với bộ đôi ống dẫn nhiệt (heatpipe) 10mm cùng 2 quạt làm mát 100mm, trong đó quạt chính áp dụng công nghệ CoolTech đem lại hiệu quả khá tốt đồng thời không gây ồn ào khi hoạt động. Theo Asus cho biết với bộ tản nhiệt DirectCU II mới sẽ giúp giảm nhiệt độ GPU thấp hơn khoảng 20% và độ ồn giảm khoảng 3 lần so với bộ tản nhiệt tiêu chuẩn.

Gigabyte GV-R928XOC-3GD: Tương tự Asus R9280X thì Gigabyte GV-R928XOC-3GD (Gigabyte R928XOC) cũng là phiên bản được Gigabyte ép xung sẵn khi xuất xưởng. Công nghệ tản nhiệt Triangle Cool kết hợp cùng quạt làm mát loại lớn 100 mm đảm bảo khả năng tản nhiệt hiệu quả, hoạt động êm.

Thử nghiệm thử nghiệm cho thấy hiệu  năng Gigabyte R928XOC thấp hơn một chút so với Asus R9280X trong hầu hết các phép đánh giá hiệu năng. Điều này cũng dễ hiểu vì mẫu card đồ họa này chỉ được Gigabyte đẩy xung nhịp GPU lên mức 1.100 MHz trong khi vẫn giữ nguyên xung bộ nhớ.

Công nghệ, tính năng hỗ trợ
về cơ bản, thế hệ GPU mới vẫn sử dụng kiến trúc đồ họa Graphics Core Next (GCN) có khả năng xử lý đa luồng và tận dụng tốt hơn năng lực xử lý đồ họa với nhiều ống lệnh cùng lúc mà không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu năng tổng thể. Việc áp dụng công nghệ sản xuất 28nm giúp thu nhỏ khoảng cách giữa các kết nối transistor (bóng bán dẫn), nhờ đó các GPU mới có tốc độ xử lý nhanh hơn, tiêu thụ điện năng thấp và mát hơn khi hoạt động.

Nét mới của GPU Radeon Rx 200 series so với thế hệ trước là hỗ trợ giao diện lập trình Mantle giúp quá trình phát triển game đơn giản hơn bằng việc tận dụng những tài nguyên chung của kiến trúc Graphics Core Next giữa 2 nền tảng lớn là PC và game console. Nhờ đó các nhà lập trình sẽ không mất nhiều thời gian, công sức để tối ưu game chạy trên 2 nền tảng này.

GPU Rx 200 series cũng hỗ trợ công nghệ AMD True Audio. Các nhà phát triển game có thể lập trình âm thanh dựa trên năng lực xử lý của GPU, tạo ra những hiệu ứng âm thanh sống động, giống với môi trường thực tế hơn, mang đến game thủ một trải nghiệm hoàn toàn mới.

Bên cạnh giao diện lập trình Mantle, các mẫu card đồ họa thử nghiệm vẫn hỗ trợ đầy đủ 2 thư viện đồ họa quen thuộc là DirectX 11.2 và OpenGL 4.3 cũng như tối ưu khả năng xử lý đa luồng, chế độ khử răng cưa 24 mẫu và lọc vân bề mặt 16 mẫu, Enhanced Quality Anti-Aliasing (EQAA) và Morphological Anti-Aliasing (MLAA) nâng cao chất lượng khử răng cưa hình ảnh trong lúc dựng và sau khi dựng nhằm mang đến người dùng những hình ảnh “nét” nhất.

Công nghệ AMD HD3D đáp ứng nhu cầu trình chiếu phim ảnh 3D, công nghệ AMD Eyefinity cho phép xuất tín hiệu hình ảnh ra 3 màn hình cùng lúc qua cổng DVI, HDMI 1.4a và DisplayPort để hiển thị những hình ảnh có độ phân giải lên đến 4096x2160 pixel (4K Support) khi chơi game, trình chiếu phim ảnh hoặc làm việc với nhiều ứng dụng cùng lúc. Công nghệ quản lý điện năng thông minh AMD PowerPlay và ZeroCore Power nhằm tiết giảm điện năng tiêu thụ ở trạng thái không tải.

GPU Radeon Rx 200 series còn được bổ sung công nghệ AMD PowerTune, chủ động điều chỉnh giá trị TDP (mức điện năng tiêu thụ) nhằm đẩy xung nhịp GPU lên mức cao hơn, mang lại hiệu năng cao nhất trong những ứng dụng đồ họa chuyên ngành hoặc các game được mệnh danh “sát thủ phần cứng”.

Hiệu năng
để đánh giá sức mạnh 3 mẫu card đồ họa, Test Lab sử dụng cấu hình thử nghiệm xây dựng trên nền tảng bo mạch chủ Gigabyte GA-X79-UP4, hệ điều hành Windows 8 Pro và trình điều khiển (driver) Catalyst 13.152. Ngoài những công cụ quy chuẩn đánh giá tổng thể hiệu năng là 3DMark 11 và Heaven DX11 Benchmark 4.0, Test Lab còn sử dụng một số game DirectX 11 như DiRT 3, Alien vs. Predator và Resident Evil 6 để kiểm thử khả năng “chiến” game của card đồ họa ở độ phân giải 1280x720 pixel (HD 720p) và 1920x1080 pixel (full HD).

Xét tổng thể, điểm số đạt được của Asus R9280X-DC2T-3GD5 và Gigabyte GV-R928XOC-3GD4 chênh lệch nhưng không đáng kể vì thiết kế hai mẫu card đồ họa này cùng dựa trên GPU Radeon R9 280X. Tuy nhiên Asus R9280X có ưu thế về xung bộ nhớ nên hiệu năng nhỉnh hơn so với Gigabyte R928XOC, nhất là trong những phép thử “hạng nặng” ở độ phân giải 1920x1080 pixel.

AMD Radeon R9 270X cũng dễ dàng chinh phục các phép thử theo kịch bản Test Lab xây dựng ở độ phân giải HD 720p. Tuy nhiên ở độ phân giải full HD, năng lực xử lý đồ họa của card giảm đáng kể do cấu trúc GPU R9 270X đã lược bỏ một số thành phần linh kiện nhằm có mức giá cạnh tranh, phù hợp với đa số người dùng hơn.

Với các game thử nghiệm là DiRT 3, Alien vs. Predator 1.03 và Crysis 2, cả 3 card đồ họa cũng đạt kết quả khá tốt, khả năng xử lý hình ảnh trong game đạt “mốc” 30 fps (khung hình/giây) ở độ phân giải full HD với chất lượng đồ họa được đẩy lên mức cao nhất. Chẳng hạn với Alien vs. Predator, AMD Radeon R9 270X đạt 54,1 fps và cao nhất là Asus R9280X với 80,8 fps. Tương tự khi đẩy chất lượng đồ họa trong Resident Evil 6 lên mức cao nhất, các mẫu card thử nghiệm vẫn chứng tỏ được sức mạnh qua số khung hình xử  lý được và không xảy ra hiện tượng giật hình (lag) trong suốt quá trình thử nghiệm. Tham khảo chi tiết trong biểu đồ kết quả bên dưới.

Nhiệt độ, công suất tiêu thụ
Kiểm tra khả năng tản nhiệt card đồ họa và công suất tiêu thụ của cấu hình thử nghiệm (không bao gồm màn hình) qua phép thử đồ họa 3DMark, nhiệt độ và công suất hệ thống được ghi nhận qua phần mềm GPU-z và Logger Lite trong môi trường bình thường (khoảng 30 – 31 độ C).

Ở chế độ không tải, các mẫu card đồ họa chạy êm, nhiệt độ GPU chênh lệch không đáng kể, trong đó thấp nhất là Asus R9280X với 34 độ C và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm tương ứng là 83,7 W (tính theo trị số trung bình). Gigabyte R928XOC có nhiệt độ GPU cao nhất (38 độ C) trong khi công suất cấu hình thử nghiệm là 90 W.

Ở phép thử đồ họa 3DMark 11, việc Asus R9280X và Gigabyte R928XOC sử dụng hệ thống tản nhiệt với công nghệ đặc trưng đã chứng tỏ được hiệu quả, quạt chạy êm, nhiệt độ GPU chỉ dao động ở mức 70 – 71 độ C và công suất tiêu thụ cấu hình thử nghiệm lần lượt là 367,7 W và 347,1 W (tính theo trị số cao nhất).

Trong khi đó, AMD Radeon R9 270X vẫn sử dụng tản nhiệt truyền thống dạng hộp kín, quạt làm mát kiểu lồng sóc nhằm đẩy luồng không khí nóng ra ngoài qua các khe gắn card mở rộng ở mặt sau thùng máy. Quạt hoạt động khá êm, dù khả năng tản nhiệt không tốt như 2 mẫu card đồ họa trên nhưng nhiệt độ GPU vẫn ở mức chấp nhận được (81 độ C).

PC World VN, 02/2014

PCWorld

Đánh giá card đồ họa AMD Radeon R9 series


© 2021 FAP
  3,178,424       1/568