Màn hình đẹp, giao diện sử dụng và tính năng ấn tượng cùng với chức năng chụp ảnh lấy nét laser độc đáo khiến cho LG G3 trở thành một trong những smartphone cao cấp nổi bật nhất hiện tại. Tuy nhiên, vỏ máy vẫn sử dụng chất liệu nhựa và thời lượng dùng pin chưa cao.
LG G3 được bán chính thức tại Việt Nam với giá 16 triệu đồng. Với mức giá này, smartphone cao cấp nhất của LG được xem là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các siêu phẩm Android khác hiện được bán trên thị trường như Samsung Galaxy S5, Sony Xperia Z2 hay HTC One M8.
Ưu điểm:
• Màn hình đẹp, chất lượng hiển thị cao.
• Chức năng camera tốt, hỗ trợ lấy nét bằng tia laser.
• Hệ điều hành Android tuỳ biến tối ưu.
Khuyết điểm:
• Dễ trượt khi cầm nắm.
• Chất liệu thiết kế vỏ ngoài bằng nhựa.
• Thời lượng dùng pin chưa cao.
![]() |
Thoạt nhìn, tổng thể vẻ ngoài của LG G3 gây ấn tượng với phong cách thiết kế cứng cáp với lớp vỏ nhựa vân giả kim loại. Viền màn hình rất mỏng khiến cho kích thước máy không quá lớn so với kích thước 5,5 inch. Mặt lưng có kiểu vát cong khá mạnh về phía hai cạnh bên khiến máy có vẻ mỏng hơn so với bề dày thực tế. Đặc điểm này cũng giúp cho toàn bộ mặt lưng ôm trọn lòng bàn tay nên việc cầm nắm máy thoải mái hơn. Tuy vậy, vỏ máy có độ ma sát chưa cao nên rất dễ bị trơn trượt khi sử dụng với một tay.
Không có gì phải phàn nàn với mặt trước của LG G3, bên cạnh viền mỏng thì các chi tiết ở trên dưới màn hình đều khá trau chuốt. Giống như LG G2, máy không sử dụng các phím vật lý mà thay vào đó là bề mặt chứa logo LG được cách điệu với lớp sơn vân tròn ấn tượng ở bên dưới màn hình. Các chi tiết như khe loa thoại, camera trước, cảm biến tiệm cận, ánh sáng, khe micro, cảm biến hồng ngoại… đều được thiết kế với độ tinh xảo cao. Kiểu sơn trên chất liệu nhựa ở khung sườn máy và mặt lưng đánh lừa thị giác người đối diện vì sẽ khiến họ nghĩ rằng vỏ máy được làm bằng kim loại. LG đã gọi phong cách thiết kế này là Floating Arc.
![]() |
Màn hình 2K có viền khá mỏng là nét nổi bật trong thiết kế của LG G3. |
Loa ngoài của máy được đặt ở mặt sau, vị trí đặt hơi lệch về phía dưới, bên trái kết hợp với kiểu vát cong mặt lưng giúp cho âm thanh không bị che khi đặt máy trên bàn.
![]() |
Nắp lưng của LG G3 có thể tháo rời để lắp pin, thẻ SIM và thẻ nhớ. |
Xem ảnh chi tiết thiết kế LG G3:
Màn hình
LG G3 là một trong những smartphone đầu tiên trang bị màn hình có độ phân giải QHD (2560 x 1440 pixel). Đây là điểm nhấn lớn nhất ở G3 vì hiện các smartphone Android khác hiện nay đều trang bị độ phân giải 720p hoặc 1080p. Với kích thước màn hình 5,5 inch, độ phân giải 1440p giúp cho mật độ điểm ảnh hiển thị thực tế của LG G3 lên đến khoảng 534 ppi – một con số khá lớn ở thời điểm hiện tại. Vì độ phân giải lớn nên một số trang web hoặc ứng dụng còn dùng các biểu tượng có kích thước thấp thì chất lượng chưa đẹp, hoặc quá nhỏ khi hiển thị trên G3.
![]() |
Chất lượng hiển thị của màn hình G3 rất tốt và sắc nét. |
LG G3 hỗ trợ một tính năng khá hay ở màn hình. Đó là chức năng Knock Code giúp mở khoá màn hình bằng cách gõ những vị trí đặt trước kể cả khi màn hình đang tắt. Nếu dùng thiết bị chung với vỏ bảo vệ QuickCircle, màn hình sẽ hiển thị một ô cửa sổ nhỏ giúp xem giờ, thông báo cuộc gọi, tin nhắn… hoặc truy cập nhanh các ứng dụng nghe nhạc, chụp ảnh…
Nếu so với các smartphone cùng phân khúc khác, màn hình của LG G3 thực sự ấn tượng và Test Lab đánh giá là có chất lượng hiển thị tốt nhất hiện nay.
Camera
LG G3 được trang bị camera chính 13 megapixel, cảm biến kích thước CMOS 1/3.06”, hỗ trợ chụp hình với độ phân giải tối đa 4.160 x 3.120 pixel và quay phim với độ phân giải 2160p@30fps và 1080p@30fps. Đặc biệt, bên cạnh hai đèn flash với hai tông màu trợ sáng thì LG G3 còn bổ sung chức năng ổn định hình ảnh quang học và lấy nét với đèn laser. Việc trang bị khá nhiều chức năng về phần cứng cho camera cho thấy LG thực sự đầu tư đến khả năng chụp ảnh của siêu phẩm này.
![]() |
Cận cảnh camera với đèn LED flash kép và đèn laser hỗ trợ lấy nét (bên trái camera) của LG G3. |
Xem ảnh chụp thực tế từ LG G3:
Xem video thực tế được quay từ camera của LG G3:[MEDIA:www.youtube.com/watch?v=DbOoigBhYDQ]Thử nghiệm chế độ chụp thiếu sáng với LG G3 cho thấy hình ảnh chỉ dừng ở mức trung bình khá, ảnh bị nhiễu khá nhiều khi phóng lớn. Chức năng lấy nét bằng laser của G3 tỏ ra rất hiệu quả trong môi trường rất tối. Nếu các smartphone khác thì chức năng lấy nét sẽ hạn chế, thậm chí không thể lấy nét được thì G3 lại khá nhạy với tốc độ nhanh. Nếu sử dụng kết hợp chức năng lấy nét laser với đèn flash kép của máy khi chụp các đối tượng gần trong điều kiện thiếu sáng thì chất lượng ảnh thu được sẽ tốt hơn rất nhiều. Test Lab đánh giá cao 2 đèn LED flash của G3, khả năng điều chỉnh độ sáng phù hợp với khoảng cách từ camera đến chủ thể. Từ đó, ảnh chụp với flash không bị cháy sáng hoặc quá tối.
![]() |
Ảnh chụp thực tế được phóng lớn 100% (khu vực khung đỏ). Nhấn vào để xem hình lớn hơn. |
>> Xem tiếp đánh giá hệ điều hành, tính năng, hiệu năng và pin ở trang 2
lấy nét lazer, LG G3