Gia đình

Gánh nặng cha mẹ vô tình đặt lên lưng trẻ khi ly hôn

"Nhiều bà mẹ sẽ đẩy con trai vào vị trí của cha, buộc con mang trách nhiệm trụ cột của đàn ông trong gia đình", chị Thu Hà viết.

Bài viết dưới đây là chia sẻ của chị Thu Hà, một nhà báo, bà mẹ có hai con đang sống tại TP HCM, tác giả cuốn sách "Con nghĩ đi mẹ không biết" về những điều chị đã đúc rút từ chính trải nghiệm của bản thân và những người xung quanh về những sai lầm của bố mẹ khi ly hôn ảnh hưởng tới tâm lý của con cái:

Nhiều người nói, rằng nét đẹp của phụ nữ Việt Nam là hy sinh. Nhưng tôi biết con cái không bao giờ sung sướng khi cứ thấy bố mẹ hy sinh vì mình. Trẻ sẽ sống nặng trĩu với cái gánh trên lưng đó. Con cái cũng không muốn mình là cái cùm, cái xích, trói bố mẹ trong một mối quan hệ đã tan nát. 

Ở đây tôi chỉ nói chuyện về mặt tâm lý của những đứa con.  Khi ly hôn, bố mẹ cần lưu ý một số cái bẫy do chính mình vô tình giăng ra với con: 

1. Con trở thành người thay thế cho người vắng mặt

Một cách vô thức, nhiều bà mẹ sẽ đẩy con trai vào vị trí của cha: "Con phải có trách nhiệm trụ cột của người đàn ông trong gia đình". Đứa con không được ở đúng vị trí con lớn lên có thể sẽ không tôn trọng mẹ, ngăn cản, cấm đoán mẹ và chẳng biết mình thực ra là ai, chẳng hiểu được thực chất các mối quan hệ trong xã hội đang vận hành kiểu gì.

Còn người cha thường biến đứa con gái thành mẹ. Có nhiều bé gái phải quản lý chi tiêu cho gia đình, lo việc nội trợ, chăm sóc bố, rồi đối ngoại, đối nội như một bà mẹ nhỏ. Và có thể cô sẽ lớn lên như một bà mẹ già, lúc nào cũng sợ thiếu thốn, nặng trĩu lo lắng và trách nhiệm, không có chút hoan hỉ với đời.

Yêu và được yêu là nhu cầu của mọi người, nếu thiếu thốn là nó hay tự động bù vào, thay thế vào. Ba mẹ hãy yêu con như chính con, đừng như một người đóng thế!

nhung-cai-bay-cha-me-vo-tinh-tao-ra-cho-con-khi-ly-hon

Chị Thu Hà, tác giả bài viết.

2. Trả thù đời

Tôi có cô bạn rất xinh đẹp cứ yêu ai vài tháng là bỏ, cứ đính hôn là bỏ. Đàn ông khổ vì cô nhiều lắm. Hỏi ra mới biết, ngày xưa cô thường trốn dưới gầm giường khi ba đánh má, cô bất lực khi má khóc đêm đêm. Và tiềm thức khiến cô lãnh trách nhiệm: trả thù đàn ông giùm cho má!

Con cái luôn luôn mong muốn ba mẹ hạnh phúc. Vì thế, khi cha mẹ không hạnh phúc, ngay lập tức đứa con coi đó là trách nhiệm của mình, tội lỗi của mình. Mẹ càng đau khổ, thì con cái thấy tội lỗi của mình càng lớn, trách nhiệm càng nặng.

3. Giả vờ

Tôi biết nhiều mẹ nói dối con là ba đi công tác xa. Trong truyện "Kính vạn hoa", có bà mẹ đã ly hôn nhưng tháng nào cũng mang tiền gửi bảo vệ nhờ đưa cho con trai, nói rằng bố gửi tiền cho con, giấu con việc ba vô trách nhiệm. Con gái tôi đọc truyện đó và khóc, bảo bà mẹ thật là tốt bụng mẹ nhỉ, nhưng con không thích là người con bị nói dối.

Ngày xưa tôi cũng hay ép các con gọi điện thoại về cho ông bà nội, chúc tết, rồi khoe điểm tốt, nhưng suốt nhiều năm, các cuộc điện thoại luôn luôn chỉ có duy nhất một chiều. Chưa bao giờ ông bà nội gọi điện thoại cho cháu, các con tôi cũng gọi thưa dần, và tôi không ép nữa.

Mình đừng nói xấu nhưng cũng không cần dặm phấn tô hồng. Ai chịu trách nhiệm về hình ảnh của người đó. Hãy cứ để sự thật tự nói.

4. Bi kịch hóa

Tôi nhận khá nhiều những tin nhắn, kiểu: "Con em hỏi ba đâu mà không tới đón con như những bạn khác được bố đón. Em đã khóc rất nhiều". 

Tôi nói rằng, lúc bé nói câu đó, trong lòng bé có lẽ cũng chẳng đau hơn việc bị mẹ đánh đòn hay việc không được ăn kem đâu! Nhưng nếu mẹ nói từ "ly hôn" mà lòng mẹ đau đớn như dao cứa thì trẻ con sẽ cảm nhận được ly hôn là tan nát, ly hôn là như chết!

Ly hôn không xấu, ly hôn cũng không tốt. Ly hôn chỉ là một hình thái của gia đình. Quan trọng là trong đó và sau đó, ba hoặc mẹ có vui vẻ, bình an hay không.

Tôi dành nhiều thời gian để "tu luyện" cho mình bình an nhất có thể. Các mẹ ạ, lo chữa lành cho chính mình đi. Khi mẹ được chữa lành, sẽ thấy việc nói về ly hôn với con là đơn giản. Là người làm nghề truyền thông, tôi khẳng định rằng cách hiệu quả nhất là nói thật.

Ngày Xu, Sim học mẫu giáo, tôi nói là mẹ và ba sẽ ly hôn. Mẹ và ba sẽ ở hai nhà khác nhau, ba sẽ có vợ khác và có những đứa con khác. Tuy nhiên ba vẫn là ba của con.

Dù có chạnh lòng nhưng tôi vẫn tranh thủ kéo Xu, Sim đi chơi cùng với những gia đình hạnh phúc. Cho dù cũng có lần nhìn nhà họ ríu rít, nhìn cha họ chăm con gái họ, tôi trốn vào toilet khóc.

Tôi vẫn chỉ cho Xu, Sim thấy những mẫu hình đàn ông tử tế. Xu, Sim cần hiểu rằng trên đời này, tình yêu vẫn có thật, đừng vì sai lầm nhất thời của mẹ mà hận thù một nửa thế giới.

Thu Hà

VNExpress

ly hôn, con nghĩ đi mẹ không biết, dạy con


© 2021 FAP
  1,356,247       20/995