Gia đình

Vợ đối xử tệ bạc khi chăm mẹ tôi ốm, có nên chia tay?

Vợ chồng tôi đều ngoài 30 tuổi, cưới 5 năm, đã có con gái 3 tuổi. Tôi làm kinh doanh tự do, vợ tôi là nhân viên ngân hàng.

Chúng tôi sống với nhau rất hạnh phúc. Vợ tôi vừa xinh xắn, giỏi giang lại biết cách cư xử. Mọi chuyện bắt đầu tồi tệ khi mẹ tôi bị tai biến, liệt nửa người và không thể nói được. Bố tôi mất sớm, công việc của tôi khá bận rộn nên mọi việc trong gia đình và chăm sóc mẹ, tôi chỉ biết trông cậy vào vợ. Tôi luôn tin tưởng cô ấy.

Một ngày, tôi về nhà thì thấy vợ vừa tắm cho mẹ tôi vừa to tiếng mắng chửi bà. Cô ta nói: “Bà chỉ biết làm khổ con khổ cháu, bà sống làm gì”. Điên tiết, tôi lao vào tát cho cô ta vài cái và đuổi về nhà ngoại. Cô ta quỳ xuống xin tha thứ nhưng tôi không thể chấp nhận một người vợ như vậy.

Từ đó đến giờ đã ba ngày, tôi phải nghỉ việc ở nhà lo cho con gái nhỏ và mẹ. Trước đây, tôi chưa từng làm mấy việc đó nên mọi thứ cứ rối tung hết lên. Tôi vô cùng mệt mỏi. Vợ tôi nhiều lần gọi điện, nhắn tin xin tha thứ nhưng tôi chưa chấp nhận. Giờ tôi không biết mình nên làm gì? (Chiến)

lam-gi-khi-vo-nang-loi-vi-phai-cham-me-toi-om

Ảnh: elegraph.co.uk

Trả lời

Là người con có hiếu, khi nhìn mẹ bị đối xử tệ bạc, hẳn bạn đã rất phẫn nộ, đau lòng. Chúng tôi mong muốn bạn sớm lấy lại bình tĩnh để nhìn nhận sự việc một cách khách quan, đa chiều từ đó tìm ra hướng giải quyết phù hợp.

Nếu xét từ góc nhìn của những người ngoài cuộc, hành vi của vợ bạn thật khó chấp nhận, nó đi ngược lại đạo đức, trách nhiệm của người vợ, người con trong gia đình, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tâm lý của mẹ chồng. Thế nhưng, nếu đặt mình vào trong hoàn cảnh của cô ấy, bạn sẽ thấy ngoài công việc ở cơ quan, vợ bạn phải lo những công việc nội trợ không tên nhưng hao tổn nhiều thời gian, sức khỏe lại chăm sóc người mẹ chồng nằm liệt giường. Từng đó công việc là quá tải với bất kì người nào. Khi quá mệt mỏi, áp lực thì việc căng thẳng, stress dẫn tới những phản ứng nóng nảy, mất kiểm soát là điều tất yếu.

Bạn nói vì công việc bận rộn nên bạn đã tin tưởng giao phó trách nhiệm chăm sóc gia đình, chăm sóc mẹ cho vợ. Vậy trước khi giao trách nhiệm, bạn có tính tới khả năng, sức khỏe, suy nghĩ, mong muốn của cô ấy? Là con dâu, vợ bạn cần có trách nhiệm với mẹ chồng. Vậy bạn là người được mẹ mang nặng đẻ đau, được cưu mang, dạy dỗ, không lẽ bạn không cần có trách nhiệm? Có phải bạn đang vô tình đẩy hết trách nhiệm và gánh nặng lên vai vợ?

Hiện tại, vợ bạn đã bị đuổi về nhà ngoại. Có thể việc tự tay chăm lo nhà cửa, con cái, chăm sóc mẹ sẽ giúp bạn hiểu hơn về những công việc vợ đã làm trong thời gian vừa qua và dễ cảm thông, tha thứ cho cô ấy hơn.

Chúng tôi hiểu rằng hoàn cảnh của bạn lúc này rất khó khăn. Bạn vừa mới trải qua cú sốc mẹ lâm trọng bệnh, giờ hai vợ chồng lại lục đục, cãi vã. Lúc này, mọi sự chỉ trích, trách móc chỉ khiến tình hình rối ren, tồi tệ hơn, một mình bạn phải lo cho gia đình cũng rất mệt mỏi. Vợ bạn cũng đã hối lỗi, sự tha thứ của bạn sẽ cho cô ấy thêm cơ hội để sửa chữa sai lầm cũng là cách để gia đình bạn đoàn tụ, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Chăm sóc một người bệnh ốm nằm liệt giường đúng cách là điều vô cùng phức tạp, vất vả, đòi hỏi người chăm sóc ngoài tinh thần, trách nhiệm còn phải có kiến thức y học. Bạn hãy cân nhắc đến việc thuê y tá hoặc người giúp việc để mẹ được chăm sóc tốt hơn và giảm bớt gánh nặng cho vợ.

Mong rằng đôi điều chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi phù hợp.

Thân chào bạn!

Chuyên viên Phạm Hoa
Đoàn tâm lý SunnyCare

VNExpress

chăm sóc mẹ chồng, mẹ chồng nàng dâu, việc nhà, hiếu thảo


© 2021 FAP
  1,343,393       1/960