Chị Ánh thích bán rau quả ở ngõ Thịnh Hào 3 (quận Đống Đa) bởi mưa nắng chẳng tới đầu và 'đôi khi tối quá hoa quả dập người ta cũng mua'.
Sau những con phố rộng lớn ở Hà Nội, có những ngõ nhỏ hai người đi bộ còn phải né nhau. Như ngõ này ở 22, ngõ Gạch (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) rộng chỉ 80 cm.
Không chỉ ngõ Gạch, khu Hàng Buồm còn có nhiều ngõ khác quanh năm tối om, ẩm ướt, người lạ vào vài bước chân đã thấy sởn da gà. Mùi đồ ăn bám đầy lên những bức tường, đến rêu phong cũng không có ánh sáng để sống.
12 giờ trưa, ngõ 53 Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) không một chút nắng, người đi qua, đi lại chạm nhau, thi thoảng lại có tiếng vẳng ra như quát. Đèn đóm từ các nhà bật không lúc nào nghỉ, chỉ trừ đêm khuya…
Bà Nguyễn Vân Hạnh (65 tuổi) sống ở con ngõ này, cáu gắt khi thấy người lạ tới. Con ngõ hẹp dài 80m, bề rộng 80cm, có vỏn vẹn 6 hộ dân, bà nói hàng ngày chẳng có người lạ nào dám "bén mảng" vào đây. Bà Hạnh mua được gian nhà nằm ở đầu ngõ và nấu nướng cả ở lối đi cho đỡ ngột ngạt. "Tôi may mắn có thêm cái giếng trời là thứ mà không ít người trong ngõ ao ước", bà nói.
Vào những ngày Hà Nội nóng, phơi quần áo ngoài trời chỉ 2 tiếng đã khô, nhưng ở trong ngõ Gạch, nhà ông Mai Văn Khải (60 tuổi) quanh năm phơi 2-3 ngày mới tạm khô và luôn có mùi ẩm khó chịu. Ông cho biết: "Những ngõ hẹp như địa đạo thế này đã tồn tại trên 50 năm. Tôi đã ở đây hơn 20 năm cùng đại gia đình 3 thế hệ".
Ngõ 200 Tôn Đức Thắng (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) dài khoảng 400 m, có bề ngang hơn 2m, song các hộ dân hai bên đường xây đua ra ở các tầng trên, cộng với đường dây điện nên che hết ánh sáng lọt vào. Một số người dân trong ngõ cho biết nhà cửa ẩm ướt quanh năm, nhiều người hay bị các bệnh về đường hô hấp dù hè hay đông. "Nhưng ở ngõ tối cũng có cái lợi của nó, đi làm nắng nôi trở về mới thấy được không gian mát mẻ thế nào", một người nói.
Sống ở đây nhiều năm, bà Xuân cho biết, trái với suy nghĩ ở trong ngõ yên tĩnh, thực ra lại rất ồn ào."Ngõ ngách nhiều, đường nhỏ nên người đi xe phải bóp còi để người ngược chiều biết mà né. Ở đây chỉ được yên tĩnh khi trời đã khuya", bà cho hay.
Chị Trần Ngọc Ánh bán rau quả đã hơn 10 năm ở ngõ Thịnh Hào 3, (Đống Đa, Hà Nội), ban ngày xe máy đi trong ngõ cũng phải bật đèn. "Nhưng với tôi nó lại đẹp, mát mẻ, mưa không đến mặt, nắng không đến đầu, mọi người thân thiện, không ai đuổi đi cả", chị nói. Ngõ tối là vậy, nhưng ngày nào chị cũng bán hết hàng. "Đôi khi vì tối quá mà hoa quả dập người ta cũng mua về", chị đùa.
Gần 12 giờ trưa ở ngõ Thịnh Hào. Ở đây tuy không đến nỗi hẹp, nhưng lại rất tối do nhà nào cũng đua ban công ra che kín ngõ.
Bà Vũ Thị Giao (80 tuổi) ở ngõ 85, đường Lê Thanh Nghị (quận Hai Bà Trưng) cho biết: Trước đây ngõ này rộng rãi, ôtô còn vào được, nhưng từ khi đường Trần Đại Nghĩa mở khoảng những năm 2000, người xung quanh ít đi lại, "không ai nói ai, nhà trước lấn một ít, nhà sau lấn một tẹo, ngõ mất hẳn một mét".
Nhà ở đầu ngõ, bà Giao mở quán nước trong nhà, tiền bán nước ít ỏi, bà đành chỉ bật một bóng để tiết kiệm điện, nhưng vì thế mà suốt ngày bị con cháu la vì tuổi già, mắt kém.
Con ngõ phía sau nhà bà Giao còn u ám hơn. Dài hơn 100m với 16 hộ dân, ngõ 87/1 Lê Thanh Nghị có đúng một ô sáng nhỏ ở trước nhà bà Nguyễn Thị Sáu (63 tuổi), nhờ nhà đối diện chưa xây cao. Người đứng cách nhau vài gang tay cũng không thấy rõ mặt.
Bà Sáu lo lắng về vấn đề phòng cháy chữa cháy và sức khoẻ của người thân. "Hà Nội đất chật người đông thì phải chấp nhận thôi. Mưa to nhiều nhà ở đây phải sửa chữa, bị thấm và dột. Mỗi lần xin phép sửa chữa cũng là cả một vấn đề", bà nói.
VNExpress
ngõ hà nội, ngõ tối, phố cổ, sống ở Hà Nội, sống ở thành phố