Sức khỏe

Những dấu hiệu cảnh báo sớm bạn bị ung thư lưỡi

Nên cẩn trọng nếu bạn có vết loét lâu lành trên một tháng, u nhú trên bề mặt lưỡi, viền xung quanh không đều, chảy máu và đau...

Ung thư lưỡi thường gặp nhất trong các dạng ung thư khoang miệng. Hàng năm tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM có gần 200 bệnh nhân được phát hiện ung thư lưỡi. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 60 đến 70, nam nhiều gấp đôi nữ.

Bác sĩ Lâm Đức Hoàng, Trưởng Khoa Xạ 3, Bệnh viện Ung bướu TP HCM cho biết hiện có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư lưỡi như phẫu thuật kết hợp tạo hình hoặc xạ trị bao gồm xạ trị ngoài và xạ trị trong mô. Các phương pháp này giúp cải thiện đáng kể kết quả sống còn cũng như bảo tồn được chức năng, thẩm mỹ cho người bệnh. Vấn đề là cần phát hiện bệnh sớm, với các dấu hiệu nghi ngờ khá rõ rệt.

Ảnh minh hoạ: myvmc

Ảnh minh hoạ: myvmc

Dấu hiệu cảnh báo có thể nhìn thấy, nhất là ở hai bờ lưỡi và bụng lưỡi:

- Vết loét lâu lành không đau trên một tháng.

- Tổn thương bạch sản (tiền ung thư) là những vùng nhỏ, dày nhẹ, màu trắng đục, lan tỏa hoặc đồng nhất.

- Tổn thương hồng sản (tiền ung thư hoặc ung thư) là những vùng có màu đỏ sậm, nằm giữa vùng bạch sản hoặc tăng sừng xung quanh.

- Tổn thương dạng u nhú trên bề mặt lưỡi, viền xung quanh không đều.

- Trễ hơn là tổn thương dạng xâm nhiễm, thành mảng cứng, hạn chế cử động lưỡi, chảy máu và đau.

Theo bác sĩ Hoàng, sinh thiết một phần và xét nghiệm mô bệnh học là phương tiện chẩn đoán xác định. Giai đoạn bệnh tùy theo kích thước của bướu. Bướu càng nhỏ, lưỡi còn mềm mại và di động tốt thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao.

Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh:

- Rượu, thuốc lá.

- Nhai trầu.

- Vệ sinh răng miệng kém.

- Có thể liên quan virus HPV.

Điều trị ung thư lưỡi:

Phẫu thuật là phương pháp được sử dụng nhiều nhất. Phẫu thuật lấy đi một phần, một nửa hoặc toàn bộ lưỡi bao gồm bướu, kết hợp nạo hạch cổ. Vùng khuyết hổng lưỡi sau mổ sẽ được tạo hình để phục hồi lại hình dạng và chức năng của lưỡi như bình thường. Giai đoạn 3-4 thì bệnh nhân cần phải xạ trị hay hóa xạ trị sau mổ. Tỷ lệ khỏi bệnh năm năm sau mổ của giai đoạn 1-2 là 75% và giai đoạn 3-4 là 40%. Chức năng và thẩm mỹ của lưỡi sau mổ nhìn chung được đánh giá tốt.

Bác sĩ Hoàng cho biết, xạ trị là phương pháp lựa chọn thay thế khi cần bảo tồn chức năng và thẩm mỹ. Xạ trị ngoài kết hợp xạ trị trong mô cho kết quả sống khả quan, có thể so sánh với giải pháp phẫu thuật. Tỷ lệ khỏi bệnh năm năm sau xạ trị của giai đoạn 1-2 có thể đạt trên 80%. Chức năng và thẩm mỹ của lưỡi sau xạ trị không thay đổi đáng kể so với trước xạ trị.

Bệnh được phát hiện càng sớm thì kết quả điều trị càng cao. Người bệnh ít bị thay đổi hình dạng và chức năng của lưỡi, giúp nâng cao chất lượng sống sau điều trị.

VNExpress

ung thư lưỡi, ung thư khoang miệng, lưỡi u nhú


© 2021 FAP
  384,235       1/934