Sức khỏe

8 người trong một nhà cùng bị ung thư đại tràng

Một gia đình ở Hải Dương có mẹ và 7 người con cùng bị ung thư đại tràng, trong đó hai người đã qua đời.

Bị đau bụng, đi ngoài ra máu nhiều lần, ông Phạm Duy Vinh 51 tuổi ở Ninh Giang, Hải Dương đến Bệnh viện K Trung ương cơ sở Tân Triều (Hà Nội) khám. Bác sĩ chẩn đoán ông bị ung thư đại tràng góc lách, cần phẫu thuật.

Căn bệnh ung thư đại tràng nhiều năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của cả gia đình ông. Năm ngoái, mẹ ông đã qua đời ở tuổi 74 vì căn bệnh ung thư này. Nhà có 9 anh chị em, 4 con trai và 5 con gái thì tới nay tính cả ông Vinh đã có tới 7 người mắc ung thư đại tràng. Trong đó, người anh cả đã mất từ lâu, 5 người còn lại đang điều trị, tái khám tại Bệnh viện K.

Ông Vinh còn 5 người anh chị em khác cũng bị ung thư đại tràng. Ảnh: H.T. 

Ông Vinh bị ung thư đại tràng. Ảnh: H.T. 

Không muốn thành gánh nặng cho gia đình, dù biết bệnh từ cuối năm ngoái nhưng đến ngày 14/3 ông Vinh mới vào viện điều trị. Các bác sĩ dự định mổ nội soi, tuy nhiên do vị trí khối u khó nhận biết nên phải mổ mở để loại bỏ khối u kích thước 1x2 cm. Một ngày sau ca mổ, sức khỏe ông chuyển biến tích cực hơn nên được chuyển về khoa Ngoại bụng 2 tiếp tục điều trị. Ông sẽ được truyền hóa chất, xạ trị,

Theo bác sĩ, ông Vinh mắc ung thư đại tràng có tính chất gia đình. Ung thư là bệnh do tổn thương gene - vật liệu mang tính di truyền của tế bào gây ra. Có rất nhiều nguyên nhân gây tổn thương gene, hơn 80% là do các yếu tố bên ngoài môi trường tác động vào cơ thể. Những tổn thương gene này không di truyền.

Phần lớn người mắc ung thư không liên quan đến di truyền và không để lại bệnh cho các thế hệ sau. Theo giáo sư Nguyễn Bác Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K (Hà Nội), chỉ một số ít bệnh ung thư liên quan đến gene di truyền, yếu tố gia đình, trong đó có ung thư đại tràng. Nếu một người có họ hàng ruột thịt gần gũi (bố mẹ, anh chị em) bị loại ung thư này thì khả năng mắc bệnh của họ có thể tăng lên.

Ước tính 5-10% bệnh nhân ung thư đại trực tràng có các đột biến gene di truyền, phổ biến nhất là các trường hợp bị đa polyp gia đình (FAP) và hội chứng Lynch (ung thư đại tràng không đa polyp di truyền- HNPCC). Các bệnh nhân này thường bị bệnh khi tuổi còn trẻ. Như trường hợp gia đình ông Vinh là bị đa polyp gia đình.

Những người có nguy cơ cao bị ung thư đại trực tràng như tiền sử bản thân hoặc gia đình bị u tuyến, các hội chứng đa polyp hoặc ung thư đại trực tràng; các bệnh viêm ruột... nên làm xét nghiệm tìm máu trong phân, nội soi toàn bộ đại trực tràng... ở độ tuổi sớm hơn để sàng lọc bệnh. Tất cả loại đa polyp đại trực tràng nếu không được can thiệp thì sẽ có khoảng 50% chuyển thành ung thư (từ khi sinh ra đến khi 40 tuổi). Nếu sống đến 70 tuổi, hầu hết trở thành ung thư.

Điều trị ung thư đại trực tràng là điều trị đa mô thức gồm phẫu thuật, hóa chất, tia xạ. Trong đó, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất, với hai phương pháp chính là mổ mở truyền thống và phẫu thuật nội soi.

Để phòng ngừa ung thư đại trực tràng, người dân cần:

- Tăng cường vận động thể chất.

- Hạn chế ăn mỡ, thịt động vật; giảm kcal, chất béo từ 40% xuống 20-25%.

- Tăng cường ăn các chất xơ và hoa quả tươi hằng ngày.

- Hạn chế thức ăn muối, lên men, cá khô, nước tương, thịt xông khói.

- Tránh để những chất gây đột biến gene nhiễm trong thức ăn như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tăng trọng.

- Hạn chế lạm dụng rượu, bia và các chất lên men khác.

VNExpress

ung thư, ung thư đại tràng, đau bụng


© 2021 FAP
  279,583       1/297