Sức khỏe

Nước khử trùng 'bất lực' trước siêu khuẩn bệnh viện

Không chỉ kháng kháng sinh, vi khuẩn VRE còn kháng cả nước rửa tay chứa cồn, làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện.

Rửa tay bằng dung dịch khử trùng chứa cồn là biện pháp vệ sinh hàng đầu giúp ngăn ngừa vi khuẩn lây lan tại bệnh viện. Thế nhưng, nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia chỉ ra nước rửa tay chứa cồn đã và đang mất dần hiệu quả đối với khuẩn ruột kháng Vancomycin (VRE).

Ảnh: NS.

Ảnh: NS.

Theo Reuters, VRE dẫn đến nhiễm trùng vết thương, đường tiết niệu và máu. Các bệnh do VRE gây ra thường rất khó điều trị bởi chúng kháng nhiều loại kháng sinh.

Nhận thấy tỷ lệ nhiễm VRE tăng bất thường trong khi số ca mắc các siêu khuẩn khác như tụ cầu vàng kháng Methicillin (MRSA) vẫn giữ nguyên, ông Tim Stinear, nhà vi khuẩn học từ Viện Doherty cùng đồng nghiệp quyết định đi tìm hiểu nguyên nhân. 

Trên tờ Science Translational Medicine, nhóm tác giả cho biết đã thu thập 139 mẫu VRE từ hai bệnh viện ở Melbourne từ năm 1997 đến 2015 để kiểm tra phản ứng với dung dịch khử trùng isopropyl alcohol. Kết quả chỉ ra các mẫu sau năm 2009 kháng cồn mạnh hơn hẳn các mẫu trước năm 2004. 

Tiếp đến, nhóm nhà khoa học đưa VRE vào lồng chuột đã được làm sạch bằng isopropyl alcohol và phát hiện các mẫu vi khuẩn kháng cồn vẫn dễ dàng xâm nhập, tấn công ruột chuột

Lý giải hiện tượng trên, ông Stinear tin rằng con người đã sử dụng quá nhiều nước rửa tay khiến môi trường cũng như gen của vi khuẩn thay đổi. "Chỉ riêng tại Australia, tỷ lệ dùng nước rửa tay chứa cồn đã tăng gấp 10 lần trong 20 năm", nhà khoa học nói. 

Cùng tham gia nghiên cứu, ông Paul Johnson, giáo sư bệnh truyền nhiễm từ Bệnh viện Austin khẳng định kết quả đưa ra không nhằm mục đích kêu gọi cộng đồng ngừng sử dụng nước tay rửa tay chứa cồn bởi đây vẫn là biện pháp hữu hiệu kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện. Tuy vậy, các cơ quan y tế nên thử chuyển sang các sản phẩm với nồng độ cồn cao hơn, tăng cường vệ sinh bệnh viện đồng thời cách ly người nhiễm VRE. 

VNExpress

siêu khuẩn, nhiễm khuẩn bệnh viện, vi khuẩn, kháng kháng sinh


© 2021 FAP
  382,473       1/1,131