Thế giới

Cỗ xe tăng laser gắn khối hồng ngọc 30 kg của Liên Xô

Sử dụng khối hồng ngọc lớn, mỗi chiếc xe tăng Szhatie có thể vô hiệu hóa hệ thống cảm biến quang điện tử của tên lửa, xe tăng hoặc máy bay địch.

co-xe-tang-laser-gan-khoi-hong-ngoc-30-kg-cua-lien-xo

Mẫu xe 1K17 Szhatie duy nhất còn sót lại. Ảnh: Vitaly V. Kuzmin.

1K17 "Szhatie" là xe tăng phóng tia laser do Liên Xô phát triển trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh nhằm vô hiệu hóa các trang thiết bị quang học - điện tử của đối phương, như đầu dò tên lửa, kính ngắm xe tăng hay tổ hợp trinh sát của máy bay, theo English Russia.

Tổ hợp này lắp trên nền tảng pháo tự hành Msta-S, sử dụng khung thân xe tăng T-80 và động cơ tăng T-72. Xe tăng Szhatie được bắt đầu từ thập niên 1970, kéo dài sang thập niên 1980. Dù Liên Xô tìm cách giữ bí mật, Lầu Năm Góc vẫn tìm được một số bản vẽ thông qua một kẻ đào ngũ. Tình báo phương Tây đặt tên mã cho loại vũ khí này là "Stiletto".

Szhatie tạo ra chùm tia laser thông qua một khối hồng ngọc (ruby) nhân tạo nặng 30 kg. Các ống kính phản xạ đặt ở cuối một ống bạc xoắn giúp khuếch đại chùm tia và tăng khả năng hội tụ. Năng lượng cho chùm laser được cung cấp bởi một máy phát công suất lớn và hệ thống pin dự phòng. Bên cạnh đó, xe còn được trang bị một súng máy cỡ nòng 12,7 mm để tự vệ trước bộ binh và máy bay đối phương.

Mỗi ống kính phát ra tia laser ở tần số khác nhau và sử dụng hệ thống điều khiển riêng, khiến đối phương không có khả năng ngăn chặn toàn bộ chùm tia. Hệ thống có khả năng tác chiến trong nhiều điều kiện thời tiết và môi trường khác nhau. Kíp xe có thể điều chỉnh các nắp kim loại phía trước để bảo vệ ống kính của thiết bị phát laser.

Thông số kỹ thuật của Szhatie như tầm hoạt động hiệu quả, tần suất phát tia laser và số lượng mục tiêu tấn công cùng lúc vẫn là bí mật quân sự. Theo các chuyên gia của RBTH, tổ hợp này có thể vô hiệu hóa trực thăng đối phương ở khoảng cách không dưới 10 km.

Sau khi Liên Xô tan rã, việc phát triển tổ hợp Szhatie bị hủy bỏ do chi phí sản xuất hệ thống phát laser quá cao. Chỉ có hai phiên bản được chế tạo hoàn chỉnh, một chiếc sau đó bị tháo dỡ. Xe còn lại được trưng bày tại Bảo tàng Công nghệ quân sự ở ngoại ô Moscow sau khi nhà sản xuất gỡ bỏ khối ruby phát tia laser.

Quân đội Nga đang biên chế một số tổ hợp vũ khí laser, Sputnik dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Nga Yuri Borisov. Chúng có thể được dùng để tiêu diệt hệ thống chỉ huy và điều khiển hỏa lực của xe tăng, thiết giáp đối phương.

Tổ hợp Szhatie trong bảo tàng ở ngoại ô Moscow

Tử Quỳnh

VNExpress

1K17 Szhatie, xe tăng, laser, gây nhiễu, , vô hiệu hóa


© 2021 FAP
  3,469,833       4/937