Thế giới

Cựu tư lệnh Nhật Bản: Quân sự hoá Biển Đông của Trung Quốc mới chỉ bắt đầu

Số lượng các thiết bị quân sự của Trung Quốc ở Trường Sa cho thấy đây mới là điểm khởi đầu của một quá trình quy mô lớn sắp tới, cựu tư lệnh Nhật cảnh báo.

cuu-tu-lenh-nhat-ban-quan-su-hoa-bien-dong-cua-trung-quoc-moi-chi-bat-dau

Cựu Tư lệnh Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản Yoji Koda. Ảnh: VA

Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản (JMSDF) trao đổi với VnExpress tại Tokyo về diễn biến sắp tới ở Biển Đông và các nhân tố liên quan.

- Ông đánh giá thế nào về việc Trung Quốc đặt hệ thống vũ khí ở tất cả 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông?

- Đến nay chưa có tác động nghiêm trọng nào vì họ mới chỉ mới bắt đầu, số lượng cơ sở hạ tầng và năng lực quân sự còn hạn chế. Đến khi Trung Quốc thực hiện quân sự hoá thực sự, sử dụng các đường băng ở ba đảo nhân tạo lớn trong số 7 đảo, chúng ta sẽ phải chứng kiến một trong những kịch bản xấu nhất trong tương lai. 

Khi đó, Bắc Kinh có thể triển khai tất cả các loại máy bay và tàu của hải quân hoặc tàu của hải cảnh, thậm chí là cả tàu ngầm để kiểm soát tất cả các hoạt động ở khu vực Biển Đông. Trung Quốc có thể tìm cách ngăn cản hoạt động tự do hàng hải ở khu vực này. 

Vẫn còn quá sớm để đánh giá nhưng chúng ta cần phải theo dõi sát mức độ và tốc độ củng cố các đảo nhân tạo của Bắc Kinh.

- Còn việc Trung Quốc thu giữ tàu lặn của Mỹ ở Biển Đông hôm 15/12 nói lên điều gì?

- Tôi không nghĩ đó là hành động có chỉ đạo từ lãnh đạo cấp cao Bắc Kinh. Trung Quốc muốn thể hiện mình có thể đủ năng lực chống lại Mỹ. Tuy nhiên, Washington không coi đó là việc nghiêm trọng, Trump đã nói "Trung Quốc cứ giữ lấy thiết bị". Khi nhanh chóng trả thiết bị lặn cho Mỹ, Trung Quốc muốn thể hiện hình ảnh tốt đẹp của một quốc gia và muốn có quan hệ tốt với Mỹ nhưng ít người tin vào điều đó.

- Đánh giá của ông về chiến lược của Trung Quốc với các nước cùng có lợi ích ở Biển Đông?

- Bắc Kinh có ba đến 4 tiêu chuẩn để cư xử với các đối tượng khác nhau. Với châu Âu, Trung Quốc dùng sức mạnh của đồng tiền để thể hiện sự khiêu khích nhưng cơ bản vẫn trong tầm kiểm soát. Với Nhật Bản, Bắc Kinh biết rõ năng lực quân sự và kinh tế của Tokyo - là nước mạnh nhất ở khu vực, nên họ chọn cách phớt lờ để làm Nhật mất mặt và cố giữ Nhật tránh xa các nước liên quan đến tranh chấp. Với các nước ASEAN, Bắc Kinh bắt nạt họ. Tuy nhiên với Mỹ, Trung Quốc tính toán rất cẩn thận và xen lẫn sự kiên nhẫn.

Tôi cho rằng Bắc Kinh đủ khôn ngoan để tránh đối đầu với Washington vì họ biết rõ sức mạnh của Mỹ. Trung Quốc vẫn đang "chờ thời", chờ cho kinh tế Mỹ suy giảm, hiện họ chỉ có chiến tranh ngôn từ.

- Vì sao Bắc Kinh tránh gây hấn với Washington ?

- Nếu như chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama không thực hiện hành động thực tế nào để ngăn chặn cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông, tôi cho rằng Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump sẽ cử xử khác. Trump sẽ không dễ dàng thoả hiệp với Trung Quốc. Dấu hiệu đầu tiên là Trump đã đặt nghi vấn về chính sách Một Trung Quốc.

- Phát biểu về chính sách "Một Trung Quốc" của ông Trump có tác động như thế nào?

- Trung Quốc đã phản ứng mạnh mẽ và họ dường như tỏ ra bình tĩnh, tuy nhiên tôi nghĩ ở Bắc Kinh nhịp tim của họ đang đập nhanh gấp ba lần bình thường. Trump đã thực hiện đúng điều mà Trung Quốc đang làm ở Biển Đông: đó là thách thức quy tắc quốc tế. Chính sách Một Trung Quốc có thể coi là quy tắc quốc tế, từ khi Mỹ chấp thuận nó hồi năm 1972, sau đó một loạt các nước đồng minh của Mỹ như các thành viên thuộc Tổ chức Bắc đại Tây Dương (NATO), Nhật Bản, các nước châu Phi và châu Á cũng chấp nhận điều này.

Thế nhưng Trung Quốc không thể lên tiếng cho rằng "Trump đã vi phạm quy tắc quốc tế". Nó là một sự trớ trêu với Bắc Kinh.

Có thể nói đây là màn mở đầu trận bóng giữa Trump và Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ phải đá lại quả bóng như thế nào là điều họ cần suy tính cẩn thận.

Việt Anh

VNExpress

Phó Đô đốc Yoji Koda, cựu Tư lệnh Lực lượng tự vệ biển Nhật Bản, quân sự hoá, Trung Quốc, Biển Đông, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump, Việt Nam


© 2021 FAP
  3,443,334       22/948