Thế giới

Sự cố bắn nhầm đồng đội đáng xấu hổ của phi công tiêm kích Mỹ

Một tiêm kích F-14 của hải quân Mỹ đã vô tình bắn hạ chiếc F-4 đồng đội trong bài huấn luyện bảo vệ tàu sân bay vào năm 1987.

su-co-ban-nham-dong-doi-dang-xau-ho-cua-phi-cong-tiem-kich-my

Tiêm kích F-14 tham gia bài huấn luyện bắn đạn thật. Ảnh: Wikipedia.

Ngày 22/9/1987, tiêm kích F-14 Tomcat do trung úy Timothy Dorsey và Edmund Holland điều khiển đã bắn hạ một chiếc RF-4C Phantom II (phiên bản trinh sát của tiêm kích F-4) của không quân Mỹ trong cuộc diễn tập trận bảo vệ tàu sân bay trên biển Địa Trung Hải, theo WATM.

Máy bay RF-4C quân xanh do đại úy Michael Ross và thiếu úy Randy Sprouse điều khiển, cất cánh từ căn cứ không quân Aviano, Italy để mô phỏng cuộc tấn công nhằm vào tàu sân bay USS Saratoga. Theo kế hoạch, chiếc RF-4C không trang bị vũ khí sẽ tìm cách tiếp cận để quan sát và đọc số hiệu trên tàu Saratoga. Mỗi lần thực hiện thành công sẽ được tính là một lần "tiêu diệt" tàu sân bay.

Trong khi đó, các phi công điều khiển hai chiếc F-14 được yêu cầu mô phỏng quá trình tấn công chiếc RF-4C để bảo vệ tàu sân bay Saratoga. Dù quy định diễn tập không cho phép mang theo vũ khí, cả hai máy bay F-14 đều đều được gắn tên lửa không đối không.

Sau khi tiếp nhiên liệu trên không, chiếc RF-4C quần thảo trên Địa Trung Hải và phát hiện tàu sân bay Mỹ, đồng thời nhận ra mình đang bị hai chiếc tiêm kích F-14 bám theo phía sau.

Khi chiếc RF-4C cách tàu Saratoga khoảng 24 km, nó thực hiện động tác bổ nhào để mô phỏng đòn tấn công. Trung úy Dorsey trên chiếc tiêm kích F-14 thứ nhất thông báo mối đe dọa cho phi công Holland, người phát tín hiệu cảnh báo cho tàu Saratoga.

su-co-ban-nham-dong-doi-dang-xau-ho-cua-phi-cong-tiem-kich-my-1

Một máy bay RF-4C tương tự chiếc bị bắn rơi. Ảnh: Không quân Mỹ.

Cho đến lúc này, mọi thứ diễn ra rất thuận lợi. Không quân thành công trong việc mô phỏng một cuộc tập kích tàu sân bay, còn hải quân đang thực hành phương thức xử lý mối đe dọa.

Tàu Saratoga ra lệnh cho Dorsey: "Được phép bắn". Trung úy Dorsey mới được triển khai trên tàu Saratoga và sở hữu vài trăm giờ bay, hiểu đó là mệnh lệnh bắn hạ ngay lập tức chỉ dùng trong thực chiến. Tuy nhiên, phi công này vẫn chần chừ và xin thêm chỉ dẫn từ Holland.

Holland cho rằng Dorsey hiểu mọi thứ đang diễn ra trong khuôn khổ bài huấn luyện, chứ không phải chiến đấu thật nên đã trả lời: "Bắn đi".

Dorsey lập tức ấn nút phóng tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewider nhưng quả đạn bay trượt mục tiêu. Phi công này tiếp tục phóng một tên lửa khác, lần này nó trúng vào đuôi chiếc RF-4C của không quân Mỹ.

"Tôi nghe thấy một âm thanh xé gió bên phải máy bay. Nhìn ra bên ngoài, tôi thấy phần đuôi chiếc F-4 đang bốc cháy. Tôi sửng sốt bảo Dorsey rằng anh đã bắn họ thật sao?", Holland kể lại sự việc. Câu hỏi bất ngờ và phản ứng của Holland khiến Dorsey nhận ra mình vừa làm một điều cực kỳ sai lầm.

Về phần mình, Ross và Sprouse nghĩ rằng họ vừa va chạm với tiêm kích F-14 phía sau. Chiếc RF-4C rung lắc mạnh, các bộ phận đều bốc cháy.

Sau khi thông báo sẽ bỏ máy bay, Ross và Spouse bật ghế phóng thoát hiểm, thoát ly khỏi tiêm kích RF-4C đang rơi. Phi công F-14 liên lạc với USS Saratoga để tiến hành cứu nạn trên biển.

Các chỉ huy hải quân Mỹ ngay lập tức muốn tìm hiểu chuyện gì xảy ra. Ross và Sprouse được cứu, ngay sau đó họ bị luật sư hải quân chất vấn. Cả hai đều thuật lại đầy đủ thông tin, trước khi thuyền trưởng của tàu Saratoga kể sự thật và xin lỗi họ. Hai phi công RF-4C được chữa trị y tế và nghỉ ngơi ở vị trí tốt nhất trên tàu Saratoga cho tới khi được chuyển về căn cứ của không quân.

su-co-ban-nham-dong-doi-dang-xau-ho-cua-phi-cong-tiem-kich-my-2

Tàu sân bay USS Saratoga. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trung úy Dorsey bị cấm bay nhưng vẫn được ở lại trong lực lượng dự bị Hải quân với vai trò sĩ quan tình báo. Ông được đề nghị phong hàm đô đốc vào năm 2012, nhưng Quốc hội Mỹ đã từ chối thông qua quyết định phong hàm sau khi biết sự cố năm 1987.

Nhiều người cho rằng Dorsey được ở lại Hải quân nhờ ông bố James Dorsey, người có ảnh hưởng lớn trong lực lượng không quân hải quân Mỹ. Khi sự cố xảy ra, James Dorsey đang là thuyền trưởng của tàu sân bay USS America.

Các chấn thương của Ross khi bị bắn rơi có vẻ không nghiêm trọng, nhưng chúng ngày càng nặng khi ông về già. Ross đã phải trải qua 32 lần phẫu thuật và bị liệt toàn thân.

Theo Washington Times, sau khi nghe tin Dorsey được đề nghị phong hàm đô đốc, Ross tỏ ra rất tức giận, cáo buộc người này đã hủy hoại cuộc đời mình. "Theo kế hoạch diễn tập, lẽ ra anh ta phải tự tìm ra tôi, chứ không phải rình khi tôi tiếp liệu trên không, đuổi theo tôi trong 15 phút rồi bắn hạ", Ross nói.

Một báo cáo điều tra được hải quân Mỹ công bố năm 1988 cho thấy đây là "sai lầm cơ bản trong xử trí tình huống" và "hành động phi logic của một phi công trẻ". Cuộc điều tra cũng kết luận trung úy Dorsey biết máy bay RF-4C là đồng minh tham gia diễn tập mô phỏng tấn công tàu sân bay, nhưng lại ấn nút khai hỏa.

Hải quân Mỹ sau đó buộc các tiêm kích trang bị vũ khí phải tuân thủ một loạt quy tắc mới, để tránh sự cố này tái diễn.

Duy Sơn

VNExpress

tiêm kích, hải quân, Mỹ, F-14, F-4, bắn nhầm


© 2021 FAP
  3,422,109       7/983