Thế giới

Thời khắc bán đảo Triều Tiên bên miệng hố chiến tranh 23 năm trước

Lần đầu tiên bán đảo Triều Tiên đối mặt nguy cơ bùng nổ chiến tranh vì khủng hoảng hạt nhân là vào năm 1994.

thoi-khac-ban-dao-trieu-tien-ben-mieng-ho-chien-tranh-23-nam-truoc

Hình ảnh vệ tinh chụp tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên vào năm 1994. Ảnh: pri.org

Những căng thẳng liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng từng có nguy cơ leo thang thành xung đột vào năm 1994 khi chính quyền Mỹ lúc bấy giờ, dưới thời tổng thống Mỹ Bill Clinton, nghiêm túc cân nhắc phương án đơn phương tấn công lò phản ứng thuộc tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên nhằm ngăn nước này khôi phục nguyên liệu thô để chế tạo bom hạt nhân, theo CNN.

Tháng 6/1994, Triều Tiên chuẩn bị chuyển một số thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng hạt nhân ở tổ hợp Yongbyon để chiết xuất plutonium. Các thanh nhiên liệu nói trên chứa hàm lượng plutonium đủ để sản xuất 5 - 6 quả bom hạt nhân.

Ông Ashton Carter, khi đó giữ vai trò trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ, đã nói với kênh PBS rằng: "Việc này sẽ giúp Triều Tiên cán đích tham vọng hạt nhân và đây là điều không thể chấp nhận. Chúng tôi không tin có thể đàm phán thuyết phục Triều Tiên dừng lại, vậy nên chúng tôi cân nhắc khả năng sử dụng vũ lực để buộc họ rút lại chương trình hạt nhân".

Theo nhiều cựu quan chức Lầu Năm Góc, quân đội Mỹ đã vạch ra các phương án tấn công lò phản ứng hạt nhân ở tổ hợp Yongbyon. Song họ cũng được khuyến cáo rằng vụ tấn công như vậy sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến tranh tổng lực có thể khiến một triệu người thiệt mạng.

Mỹ cũng cân nhắc tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng phương án này vẫn tiềm ẩn nguy cơ khiến tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát.

Cuộc họp quyết định ở Nhà Trắng

thoi-khac-ban-dao-trieu-tien-ben-mieng-ho-chien-tranh-23-nam-truoc-1

Tổng thống Mỹ Bill Clinton (giữa) chủ trì một cuộc họp tại Phòng Tình huống ở Nhà Trắng vào tháng 3/1994. Ảnh: CIA

Sau hàng tháng căng thẳng dâng cao, ngày 15/6/1994, tại cuộc họp ở Nhà Trắng, các quan chức Lầu Năm Góc, bao gồm cả bộ trưởng quốc phòng William Perry và tổng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, tướng John Shalikashvili, báo cáo với Tổng thống Clinton ba phương án củng cố lực lượng 37.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Ông Perry nói với ông Clinton rằng cả ba đề xuất trên đều rủi ro nhưng sẽ là tai họa nếu không chọn phương án nào.

Lầu Năm Góc ủng hộ phương án vừa phải: Điều thêm 10.000 binh sĩ Mỹ, các oanh tạc cơ tàng hình F-117, tên lửa hành trình, oanh tạc cơ tầm xa và bổ sung một cụm tác chiến tàu sân bay đến Hàn Quốc hoặc khu vực lân cận, đồng thời kêu gọi sơ tán mọi công dân Mỹ đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc.

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết quyết định triển khai tên lửa hành trình và oanh tạc cơ tàng hình F-117 nhằm mục tiêu tấn công một lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon.

"Chỉ một ngày nữa thôi, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp tăng viện lớn cho binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị tiến hành sơ tán công dân Mỹ khỏi Hàn Quốc", ông Perry kể trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 1999.

Trả lời phỏng vấn kênh PBS về sau này, ông Perry cho hay Lầu Năm Góc đã cân nhắc kỹ các kế hoạch khẩn cấp và kết luận rằng trong trường hợp Triều Tiên tấn công Hàn Quốc, Mỹ chắc chắn sẽ đánh bại đối thủ.

"Nhưng con số thương vong phụ thuộc rất lớn vào sự chuẩn bị của chúng tôi. Nói cách khác, chúng tôi có thể giảm mạnh số thương vong nếu tăng viện hợp lý. Vậy nên, tôi trình bày với Tổng thống Clinton về kế hoạch tăng viện cho binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc", ông Perry nói.

Điều Lầu Năm Góc lo ngại nhất là Triều Tiên sẽ tấn công phủ đầu Hàn Quốc vì Bình Nhưỡng vẫn coi những hoạt động tăng cường lực lượng hay sơ tán dân của Washington như tín hiệu báo trước một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN năm 1999, ông Robert Gallucci, cựu trưởng đoàn đàm phán Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên năm 1994, tiết lộ bản thân ông cũng tin "chiến tranh suýt xảy ra". Ông gần như chắc chắn rằng cuộc tấn công vào Yongbyon sẽ thổi bùng ngọn lửa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên.

"Chúng tôi đã thể hiện rõ ràng rằng chúng tôi sẵn sàng chọn giải pháp quân sự nếu cần thiết nhưng đấy hẳn nhiên không phải phương án ưu tiên", ông Gallucci nói.

Ngòi nổ được tháo vào phút chót

thoi-khac-ban-dao-trieu-tien-ben-mieng-ho-chien-tranh-23-nam-truoc-2

Chủ tịch Triều Tiên Kim Nhật Thành (phải) đón tiếp cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter vào năm 1994. Ảnh: kancc.org

Tuy nhiên, trong lúc ông Clinton đang nghe các quan chức báo cáo những phương án lựa chọn, cựu tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã gọi về từ Bình Nhưỡng, thông báo ông đạt được bước tiến lớn sau cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành.

"Tôi nhớ là trước khi tổng thống chọn phương án, cánh cửa phòng họp bỗng mở ra và chúng tôi được báo có cuộc gọi của cựu tổng thống Carter từ Bình Nhưỡng. Ông ấy muốn nói chuyện với tôi", Gallucci kể.

Ông Jimmy Carter trước đấy đến Bình Nhưỡng với tư cách công dân Mỹ và gặp mặt lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành với hy vọng có thể giải tỏa cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo. Từ Bình Nhưỡng, ông gọi điện về để báo tin đã đạt được thỏa thuận đột phá trong vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Ngay lập tức, cuộc họp tại Nhà Trắng dừng lại giữa chừng để theo dõi các diễn biến mới nhất mà ông Carter tường thuật qua điện thoại. "Tôi xem cam kết mà ông Kim Nhật Thành đưa ra là rất quan trọng", cựu tổng thống Mỹ Carter nói.

"Chúng tôi đang báo cáo với ông Clinton và nêu lên ba phương án thì cựu tổng thống Carter gọi về bảo rằng ông ấy đã nói chuyện với ông Kim Nhật Thành và rằng ông Kim Nhật Thành nói sẵn sàng dừng chương trình hạt nhân ở Yongbyon nếu Mỹ chịu cung cấp cho Triều Tiên một lò phản ứng nước nhẹ, thay thế cho lò phản ứng hạt nhân đang sử dụng lúc đó", ông Perry thuật lại tình huống bất ngờ trong phòng họp ở Nhà Trắng với đài PBS.

Vài ngày sau, Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân, đổi lại, họ sẽ được cung cấp các lò phản ứng hạt nhân mới không có khả năng sản xuất plutonium cấp độ vũ khí cùng dầu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Mỹ cũng chấp nhận một nhượng bộ khác khi nhất trí đàm phán trực tiếp với Triều Tiên. Bản kế hoạch 5027 của Mỹ với nhiều phương án dập tắt cuộc tấn công bất ngờ từ Triều Tiên vào lãnh thổ Hàn Quốc bị xếp sang một bên.

Perry, người ra lệnh lên kế hoạch tấn công phủ đầu, rốt cục đã bác bỏ phương án này. Tin tưởng quân đội Mỹ có thể xóa sổ tổ hợp hạt nhân Yongbyon mà không gây rủi ro rò rỉ phóng xạ song ông Perry cũng cho rằng cuộc tấn công như vậy sẽ làm bùng phát chiến tranh tổng lực trên bán đảo Triều Tiên.

Ông đề nghị tổng thống Mỹ Clinton tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn từ Liên Hợp Quốc, một phương án ít khiêu khích hơn nhưng vẫn có rủi ro.

"Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân bên phía Triều Tiên đã nói với tôi rằng một nghị quyết trừng phạt của Liên Hợp Quốc và các động thái thực hiện biện pháp trừng phạt có thể được xem như hành động gây chiến", Gallucci cho hay.

Hồng Vân

VNExpress

Triều Tiên, Mỹ, chiến tranh, 1994, căng thẳng, Bill Clinton, Bình Nhưỡng, Washington


© 2021 FAP
  3,383,891       8/1,067