Thế giới

Những khí tài Nhật cần có để đối phó tên lửa Triều Tiên

Trước mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo Triều Tiên, Nhật Bản sẽ cần mua sắm nhiều khí tài có khả năng phòng thủ và tiến công đồng đều.

Tổ hợp Aegis Ashore thử nghiệm đánh chặn

Triều Tiên hôm 14/5 phóng thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12, được cho là có tầm bắn tới 4.500 km, xuống biển Nhật Bản, khiến các quan chức Tokyo càng thêm lo lắng về mối đe dọa ngày càng lớn từ chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng.

Theo các chuyên gia của National Interest, để đối phó hiệu quả hơn với tên lửa Triều Tiên, hai lớp phòng thủ gồm hệ thống Aegis trên biển và tên lửa Patriot PAC-3 trên đất liền hiện nay của Nhật Bản là chưa đủ. Tokyo vẫn cần mua sắm và triển khai thêm một số khí tài hiện đại và đa dạng để kịp thời phát hiện cũng như tiêu diệt những tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng có thể đe dọa tới nước này.

Hệ thống Aegis trên mặt đất

Phiên bản Aegis mặt đất (Aegis Ashore) có thể giúp ngăn chặn đầu đạn tên lửa Triều Tiên rơi xuống đất liền Nhật Bản. Nhật hiện mới chỉ sở hữu 4 tổ hợp Aegis trên khu trục hạm lớp Kongo, không đủ để bảo vệ toàn bộ lãnh thổ trên đất liền. Mẫu Aegis mặt đất có thể hoạt động liên tục, giúp giảm gánh nặng phòng thủ cho khu trục hạm lớp Kongo, tăng cường khả năng tác chiến mặt nước truyền thống.

Aegis Ashore, đặc biệt là biến thể Baseline 9 mới nhất sử dụng tên lửa SM-3 Block IB, có thể đạt hiệu quả cao trong việc đối phó tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên, giúp Nhật tăng cường đáng kể năng lực phòng thủ tên lửa.

Máy bay tiếp dầu KC-46 Pegasus

Để kịp thời phát hiện nguy cơ từ tên lửa đạn đạn Triều Tiên, Nhật Bản sẽ phải thường xuyên điều chiến đấu cơ tiến hành các chuyến tuần tra trên biển Nhật Bản và sẵn sàng thực hiện các đòn đánh chặn nếu cần thiết.

Trong trường hợp Triều Tiên có dấu hiệu rõ ràng chuẩn bị phóng tên lửa vào Nhật Bản, Tokyo có thể cho tiêm kích F-15J hoặc tiêm kích tàng hình F-35 tung đòn tấn công phủ đầu để chế áp phòng không hoặc đột kích sâu trong lãnh thổ Triều Tiên. Tất cả những nhiệm vụ này đòi hỏi phải có máy bay tiếp dầu để tăng thời gian tác chiến cho tiêm kích.

Nhật Bản hiện có 4 máy bay tiếp dầu trên không KC-767, quá ít để hỗ trợ chiến dịch đối phó tên lửa đạn đạo trong thời gian dài. Máy bay tiếp liệu KC-46A Pegasus được cho là sự lựa chọn hoàn hảo cho các tiêm kích Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ này. 

Phi cơ tiếp dầu KC-46A bay thử nghiệm

Với tầm bay 12.000 km, KC-46A có thể tiếp liệu cho các tiêm kích F-15J, F-35 hoạt động trên biển Nhật Bản. Tokyo sẽ cần tới ít nhất 10 chiếc KC-46A để thực hiện nhiệm vụ này.

Máy bay không người lái RQ-4 Global Hawk

Nhật Bản dự tính mua máy bay không người lái (UAV) tầm xa RQ-4 Global Hawk từ Mỹ. Trong trường hợp nổ ra chiến tranh, Triều Tiên sẽ phân tán lực lượng tên lửa chiến lược để tránh bị phản đòn. Bởi vậy, Tokyo sẽ cần phương tiện để do thám các tổ hợp tên lửa di động như Pukkuksong-2 của Bình Nhưỡng.

Việc mua sắm UAV tầm xa này sẽ giúp lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) tiến hành nhiều hoạt động tìm kiếm, theo dõi và đánh giá thiệt hại của đối phương. Bổ sung thêm UAV cũng là phương án dự phòng để đối phó các tình huống bất ngờ khác trong khu vực.

Máy bay không người lái MQ-9 Reaper

Ngay khi các khí tài tình báo, do thám và trinh sát (ISR) phát hiện bệ phóng di động của Triều Tiên, chúng cần nhanh chóng bị tiêu diệt. Hệ thống phòng không của Triều Tiên khó có thể bị chế áp hoàn toàn, khiến nhiệm vụ tấn công đường không đối mặt với nhiều rủi ro. UAV tầm trung như MQ-9 có thể đảm nhận nhiệm vụ này, gồm cất cánh từ Nhật Bản và bay tuần tra trên không phận Triều Tiên.

Với tầm hoạt động được tăng cường trong phiên bản mới nhất, MQ-9 có thể giám sát nhiều khu vực của Triều Tiên, nhanh chóng tấn công các đoàn xe tên lửa bằng vũ khí có độ chính xác cao.

Tên lửa hành trình Tomahawk

Trong trường hợp Nhật Bản quyết định tấn công phủ đầu Triều Tiên, họ cần một vũ khí dọn đường, với nhiệm vụ phá hủy mạng lưới phòng không và các tên lửa đạo đạo đối phương.

nhung-khi-tai-nhat-can-co-de-doi-pho-ten-lua-trieu-tien

Tàu chiến Nhật có thể chỉnh sửa để mang tên lửa Tomahawk. Ảnh: USNI.

Với khả năng bay tầm thấp, Tomahawk sẽ vượt qua lưới phòng không của Triều Tiên, phá hủy các mục tiêu để mở đường cho lực lượng chính. Tiêm kích F-35A và F-15J sau đó có thể tiến hành không kích loại bỏ phần còn lại của hệ thống phòng không.

Nhật Bản vẫn duy trì năng lực quốc phòng ở mức tối thiểu với chi tiêu quân sự chỉ chiếm 1% GDP, các hệ thống vũ khí mà nước này mua sắm cũng chủ yếu chuyên về phòng thủ. Tuy nhiên, viễn cảnh phải hứng chịu đòn tấn công phủ đầu từ Triều Tiên có thể khiến họ từ bỏ chính sách này, chuyên gia quân sự Kyle Mizokami nhận định.

Duy Sơn

VNExpress

Khí tài, Nhật Bản, ngăn chặn, đối phó, tên lửa, Triều Tiên


© 2021 FAP
  3,366,230       58/1,021