Thế giới

Vì sao Trump không tung đòn với tên lửa xuyên lục địa Triều Tiên?

Việc Triều Tiên thử ICBM không làm thay đổi toan tính chiến lược của Mỹ, nước đã quen với việc đối phó tên lửa hạt nhân suốt 50 năm.

 Hwasong-14 (KN-14) có thể đạt tầm bắn 7.000 km. Video: CNSO.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng một tuyên bố việc Triều Tiên sở hữu tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có khả năng bắn tới Mỹ "sẽ không xảy ra". Thế nhưng khi Bình Nhưỡng phóng thành công ICBM Hwasong-14 có thể vươn đến Alaska, chính quyền Mỹ chưa có phản ứng gì hơn ngoài lời kêu gọi "hành động toàn cầu" của Ngoại trưởng Rex Tillerson.

Theo bình luận viên David E. Sanger của NYTimes, sau nhiều tháng đối phó với cuộc khủng hoảng tên lửa Triều Tiên, ông Trump dường như đã nắm được phần nào tiến bộ trong chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng cũng như những lựa chọn hạn chế của tổng thống Mỹ để phản ứng.

Đây có thể là lý do ông không vạch ra "giới hạn đỏ" cho Triều Tiên, cũng như không có những hành động quyết liệt về quân sự để phản ứng trước thông tin Bình Nhưỡng đã sở hữu ICBM sớm hơn dự tính rất nhiều.

Sau vụ phóng, Trump viết trên Twitter rằng Trung Quốc nên có "biện pháp nặng tay" với Triều Tiên và ám chỉ rằng Hàn Quốc cũng như Nhật Bản có thể trả đũa. Tuy nhiên, ông không hề nhắc tới khả năng thực hiện đòn tấn công phủ đầu nhắm vào Bình Nhưỡng, dù trước đó Mỹ tuyên bố "sự kiên nhẫn chiến lược" với Triều Tiên đã hết.

Theo chuyên gia David Wright của Hiệp hội Các nhà khoa học Có quan tâm (UCS), dù vụ thử Hwasong-14 không đồng nghĩa với việc Triều Tiên đã nắm trong tay vũ khí hủy diệt hàng loạt có thể tấn công lãnh thổ Mỹ, họ có thể gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa này trong vài tháng tới, đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng nhất từ trước tới nay đối với Mỹ.

vi-sao-trump-khong-tung-don-voi-ten-lua-xuyen-luc-dia-trieu-tien

Tên lửa Hwasong-14 sẵn sàng rời bệ phóng. Ảnh: KCNA.

Tuy nhiên, cây bút Alex Lockie của Business Insider cho rằng vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa này hầu như không thay đổi bất cứ điều gì với Mỹ. Dù sao, Mỹ cũng đã sống dưới mối đe dọa về một cuộc tấn công hạt nhân suốt hơn 50 năm qua.

Trước khi thực hiện vụ phóng thử ICBM, Triều Tiên đã tiến hành nhiều vụ thử bom hạt nhân, loại vũ khí có thể san phẳng thủ đô Seoul của Hàn Quốc cũng như gây thiệt hại nặng nề cho hơn 28.000 lính Mỹ đồn trú ở quốc gia này. Nhật Bản, nơi có nhiều căn cứ quân sự của Mỹ, từ lâu cũng đã chấp nhận một thực tế rằng họ đã nằm trong tầm bắn của tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.

Thế nên việc Bình Nhưỡng sở hữu ICBM có thể vươn tới Guam, Alaska, Los Angeles hay New York về cơ bản không làm thay đổi những toan tính chiến lược của Mỹ, dù nó gây áp lực đáng kể lên hệ thống đánh chặn tên lửa của Washington.

Các chiến lược gia ở Washington từ lâu biết rất rõ rằng Triều Tiên sẽ không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Seoul, Tokyo, Guam hay bất cứ thành phố nào khác, bởi lãnh đạo Triều Tiên hiểu rất rõ nguy cơ bị Mỹ hủy diệt nếu họ làm như vậy.

Đó cũng là lý do Nga, quốc gia có rất nhiều bất đồng về chính sách đối ngoại và lợi ích với Mỹ, chưa bao giờ khai hỏa một tên lửa hạt nhân nhắm vào Mỹ, ngay cả vào thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

"Chúng tôi gọi đó là khả năng răn đe", đô đốc về hưu Dennis Blair, cựu tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Mỹ, nói. "Triều Tiên có thể chế tạo 10-15 đầu đạn hạt nhân, nhưng chúng tôi có tới 2.000 đầu đạn. Họ có thể gây thiệt hại đáng kể cho Mỹ, nhưng Triều Tiên sẽ bị xóa sổ khỏi bản đồ nếu chiến tranh hạt nhân xảy ra. Đó không phải là chiến lược sinh tồn hay với Bình Nhưỡng và nhà lãnh đạo Kim Jong-un".

vi-sao-trump-khong-tung-don-voi-ten-lua-xuyen-luc-dia-trieu-tien-1

Ông Kim Jong-un vỗ tay sau khi tên lửa Hwasong-14 phóng thử thành công. Ảnh: KCNA.

Hiến pháp Triều Tiên khẳng định rằng nước này coi vũ khí hạt nhân là "thanh gươm báu" để đảm bảo an ninh của mình, không phải là thứ có thể đẩy quốc gia vào họa diệt vong. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng hiểu rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong cơn giận dữ có thể hoàn toàn hủy hoại mong muốn đảm bảo an ninh đó, thậm chí biến toàn bộ bán đảo Triều Tiên thành vùng đất chết.

Trong một bài viết trên Washington Post năm 2006, cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ William J. Perry cho rằng Mỹ cần phải tung đòn tấn công phủ đầu ngay khi Triều Tiên có dấu hiệu phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhưng gần đây, chính ông Perry phải thừa nhận rằng đây không phải là ý kiến hay. "Hồi đó bạn nghĩ đó là ý tưởng tốt, nhưng ngày nay nó không còn khả thi chút nào nữa", ông nói.

Lý do là ngoài ICBM, Triều Tiên còn sở hữu kho tên lửa đạn đạo và các loại vũ khí thông thường tầm xa khác rất uy lực, đủ sức hủy diệt đồng minh của Mỹ ở Đông Á trong trường hợp bị tấn công phủ đầu.

Sanger cũng dự đoán rằng trong thời gian tới, Mỹ sẽ tìm cách gây sức ép cấm vận với Triều Tiên, tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Đông Á, thúc đẩy chương trình phá hoại trên không gian mạng, nhưng sẽ không có hành động tấn công quân sự nào được đưa ra.

"Mỹ sẽ có thêm lệnh trừng phạt, các cuộc đàm phán ngoại giao, đầu tư thêm cho lá chắn tên lửa, những chiến lược điển hình từng được sử dụng để đối phó với Liên Xô, nhưng chắc chắn sẽ không có chiến tranh hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng", Lockie nhấn mạnh.

Trí Dũng

VNExpress

Triều tiên thử tên lửa, tên lửa đạn đạo liên lục địa, triều tiên


© 2021 FAP
  3,359,688       4/1,221