Một tuần sau khi nhậm chức, tân Tổng thống Mỹ Biden đã gửi nhiều thông điệp tới Trung Quốc, cảnh báo chủ nghĩa bành trướng của nước này.
Thông qua nhiều lời kêu gọi và tuyên bố, Tổng thống Joe Biden cùng các quan chức an ninh hàng đầu trong chính quyền đã thể hiện sự ủng hộ đối với các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc và đảo Đài Loan, khẳng định Mỹ phản đối các yêu sách chủ quyền tranh cãi của Trung Quốc tại các khu vực này.
Tổng thống Biden hôm 27/1 nói với Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga rằng chính quyền của ông cam kết bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản, bao gồm vấn đề về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Lập trường này cũng được tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đề cập với người đồng cấp Nhật Bản Nobuo Kishi rằng các đảo tranh chấp sẽ được Hiệp ước An ninh Mỹ - Nhật bảo vệ.
Bộ trưởng Austin cũng khẳng định Mỹ "tiếp tục phản đối bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông", Lầu Năm Góc ra tuyên bố.
Trong khi đó, ba ngày sau khi chính quyền Biden nắm quyền, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ned Price cũng đã cảnh báo Trung Quốc về vấn đề đảo Đài Loan, sau khi Bắc Kinh liên tục điều hàng chục chiến đấu cơ và máy bay ném bom quân sự qua hòn đảo.
"Chúng tôi sẽ sát cánh với bạn bè và đồng minh để thúc đẩy an ninh cũng như giá trị thịnh vượng chung ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều đó bao gồm động thái làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa chúng tôi và đảo Đài Loan", Price cho biết.
Một loạt tuyên bố ngay trong những ngày đầu nắm quyền của tân Tổng thống Biden cho thấy chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lập trường an ninh vững chắc đối với Trung Quốc, điều được kế thừa từ thời cựu tổng thống Donald Trump.
Để khẳng định lập trường không thay đổi ở châu Á, vào ngày 24/1, ngày thứ tư Biden nắm quyền, Mỹ đã điều tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và nhóm chiến hạm hộ tống tiến vào Biển Đông để "thực hiện các chiến dịch thường kỳ" và nhằm đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.
Washington từ lâu đã thể hiện sự ủng hộ với các quốc gia trong khu vực bác bỏ các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Tuy nhiên, chính quyền cựu tổng thống Trump đã phát đi thông điệp phản đối quyết liệt hơn khi cựu ngoại trưởng Mike Pompeo hồi tháng 7 năm ngoái ra tuyên bố bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về Biển Đông.
Bắc Kinh từng bày tỏ hy vọng chính quyền mới của Washington "sẽ hợp tác với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn những khác biệt và hợp tác cùng có lợi trên nhiều lĩnh vực". Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định chiến lược cứng rắn với Trung Quốc của Mỹ vẫn sẽ được duy trì dưới thời Biden.
Ngọc Ánh (Theo AFP)
Joe Biden, Donald Trump, yêu sách Trung Quốc, vấn đề Biển Đông, quan hệ Mỹ - Trung, Chính trị xã hội thế giới, Tin