Giáo dục

Lập trình - cuộc cách mạng lần 4 tại Nhật Bản

Quốc gia này mong muốn đào tạo nên thế hệ nhân lực dẫn đầu cuộc cách mạng công nghiệp thế giới lần thứ 4, khi trí tuệ nhân tạo và robot sẽ lên ngôi.

Cuộc sống của nữ sinh 17 tuổi Emi Morikawa đã có một bước ngoặt lớn kể từ khi cô học lập trình máy tính. Trước đây, Morikawa cũng như nhiều học sinh khác đều có sở thích cho môn tiếng Anh. Nhưng bây giờ, sau khi tốt nghiệp cấp ba, nhà lập trình trẻ tuổi lại đam mê với công việc tự vận hành website do mình lập nên hơn.

"Suốt quá trình học lập trình, tôi nhận ra việc tự lập công ty riêng là một lựa chọn tốt hơn so với thi vào đại học. Nhiều bạn bè cùng lứa tuổi của tôi vào đại học mà không biết mình thích cái gì. Tôi nghĩ theo đuổi đam mê của mình mới là điều quan trọng hơn", Emi Morikawa chia sẻ.

Lập trình viên máy tính 17 tuổi Emi Morikawa trả lời phỏng vấn về website do tự cô lập nên vào tháng 5 vừa rồi. Ảnh: Japan Times.

Lập trình viên máy tính 17 tuổi Emi Morikawa trả lời phỏng vấn về website do tự cô lập nên vào tháng 5 vừa rồi. Ảnh: Japan Times.

Trong một thế giới luôn thay đổi nhanh chóng, nơi mà mọi thứ gần như đều được số hóa, lập trình được nhiều người quan tâm học hỏi và xem đây là cơ hội nghề nghiệp lớn. Đầu tháng 6, chính phủ Nhật đã thông qua chính sách giáo dục mới, trong đó bao gồm nội dung lập trình máy tính sẽ là môn học bắt buộc cho các trường tiểu học công lập từ năm 2020. Mục tiêu của chương trình này là để chuẩn bị nhân lực sẵn sàng cho một sự kiện được Nhật Bản gọi là "cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" - một sự thay đổi sâu sắc của ngành công nghiệp thế giới khi trí tuệ nhân tạo và robot phát triển không ngừng.

Theo kết quả của một chương trình thử nghiệm của bộ giáo dục quốc gia này, dạy lập trình giúp học sinh học cách tự tư duy, đặt mục tiêu phấn đấu tốt hơn. Morikawa chính là trường hợp điển hình mà chính phủ mong đợi - một doanh nhân được học lập trình sớm,  tìm thấy sở thích và mạnh dạn theo đuổi đam mê của mình.

Nữ sinh này bắt đầu học lập trình từ tháng 6 năm ngoái tại trường trung học phổ thông ở Turlock, California. Chính tại đây, cô được truyền cảm hứng từ những người bạn cùng trang lứa sớm đạt những thành công khi trở thành các nhà khoa học máy tính.

"Lúc đầu, mọi thứ đều lạ lẫm với tôi. Nhưng một khi học đến trình độ có thể tự viết ra chương trình của riêng mình, tôi nhận ra lập trình thú vị hơn nhiều so với việc phải học thuộc sách vở". Sau đó, cô được khuyến khích để trở thành một nhà lập trình web tự do - công việc mà Morikawa tin rằng hấp dẫn hơn so với đến trường đại học.

Nhiều công ty tư nhân đang bắt kịp làn sóng học lập trình này bằng việc mở ra những lớp học cấp tốc cho người trưởng thành.

Một trong số đó có thể kể đến ngôi trường Tech Camp ở Tokyo khi đã nhanh tay tung ra nhiều khóa dạy lập trình ngắn hạn. Tính từ tháng 11/2014, ngôi trường này đã đào tạo hơn 3.000 lập trình viên và số người theo học hiện tại là 400 người - tăng gấp đôi so với tháng 6 năm ngoái, bao gồm các sinh viên lẫn các doanh nhân.

"Có kiến thức trong lập trình hoặc ít nhất là hiểu các phần mềm hoạt động như thế nào sẽ là yêu cầu cơ bản trong thời buổi công nghệ thông tin này khi mà rất nhiều thứ được vận hành tự động", ông Yukinari Mako - hiệu trưởng Tech Camp cho biết.

lap-trinh-cuoc-cach-mang-lan-4-tai-nhat-ban-1

Học lập trình không đơn thuần giúp các em hiểu hơn về các phần mềm hay viết được một ứng dụng mà còn kích thích khả năng sáng tạo, đặt mục tiêu và giải quyết vấn đề theo cách tốt nhất. Đây mới là mục tiêu chính mà giáo dục Nhật Bản mong muốn trang bị cho thế hệ tương lai. Ảnh: Gelookahead.

Cũng theo ông, nhiều công việc trong tương lai sẽ được số hóa. Những công ty dịch vụ lớn nhất thế giới như Google, Twitter hay Facebook… đều là sản phẩm của người Mỹ. Điều này có nghĩa, khoản doanh thu quảng cáo sẽ đổ vào nước Mỹ mà không đóng góp cho kinh tế Nhật Bản. Vì vậy, từ góc độ của chính ông là một lập trình viên, việc dạy lập trình cho trẻ em ở trường học là điều cần thiết để biến nền công nghiệp web của đất nước này vươn tầm thế giới.

Giáo sư ngành sư phạm lập trình của Đại học Aoyama Gakui - Kazuhiro Abe phân tích: "Học viết code lập trình chính là quá trình tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề không có một câu trả lời tuyệt đối. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản tuyệt vời so với những bài kiểm tra trên giấy khi mà mỗi học sinh đều phải tự mình tìm ra câu trả lời tốt nhất có thể".

Tuy nhiên, ông Abe cũng bày tỏ những lo lắng khi sáng kiến này có thể dẫn tới việc giáo viên quá áp lực trong việc dạy học sinh biết viết các chương trình mà không để các em được tìm ra giải pháp của chính mình. Theo ông, trẻ em ngày nay còn hiểu biết về các thiết bị công nghệ hơn cả người lớn. Các em có thể tự mình tìm ra những giải pháp hay nếu được giáo viên cho phép thỏa sức sáng tạo. Vì vậy, thầy cô chỉ nên hỗ trợ, để các em là trung tâm của lớp học thay vì áp đặt công thức lên học sinh của mình.

Thu Ngân (theo Japan Times)

VNExpress

Lập trình - cuộc cách mạng lần 4 tại Nhật Bản - VnExpress


© 2021 FAP
  1,123,705       17/1,081