Giáo dục

Điểm yếu của sinh viên ngành Kiến trúc

5 năm đại học, nhiều cử nhân Kiến trúc vẫn thiếu kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, chuyên môn liên quan.

Chia sẻ trong buổi Tọa đàm "Kiến trúc Ta và Tây" do Đại học FPT tổ chức mới đây, nhiều sinh viên ngành Kiến trúc cho biết không khỏi lo lắng, băn khoăn về tương lai của mình sau khi ra trường. Là một ngành khá đặc biệt, nhiều cử nhân ra trường không tìm được việc làm hoặc làm những công việc phù hợp với chuyên ngành.

Đồng cảm với những lo lắng của sinh viên, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh (đến từ công ty Avant Architecture) cùng các kiến trúc sư khác cho rằng phương pháp đào tạo ngành Kiến trúc của nhiều trường đại học ở Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề. Trong đó, phần lớn chương trình của các trường nặng lý thuyết, số lượng môn học rất nhiều và có tới một phần ba mônkhông liên quan hoặc chỉ mang tính chất bổ trợ cho ngành này. Trong khi đó, chương trình đào tạo cử nhân Kiến trúc ở nước ngoài chú trọng kỹ năng chuyên môn và kỹ năng làm việc.

tieu-demot-con-duong-moi-mo-ra-cho-sinh-vien-kien-truc-1

Nhiều sinh viên ngành Kiến trúc của các trường đại học ở Hà Nội tham gia buổi tọa đàm. 

Theo kiến trúc sư Thanh, chương trình nước ngoài thường chú trọng kết hợp giữa kiến thức kiến trúc và thực hành chuyên sâu, mang tác phẩm của mình tương tác với công chúng. Nhưng hiện tại, hầu hết các trường đại học đào tạo về kiến trúc trong nước lại chưa đáp ứng điều này. Chính vì vậy, dù mất 5 năm học đại học nhưng cử nhân Kiến trúc lại thiếu những kỹ năng quan trọng như: kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, chuyên môn liên quan.

Ông Thanh cho biết, rất nhiều sinh viên ngành Kiến trúc sau khi ra trường đều không thể làm việc theo yêu cầu và kỳ vọng của những văn phòng kiến trúc sư hiện nay. Ngay chính tại công ty ông, khi tuyển nhân viên về làm việc đều phải đào tạo lại.

Theo ông Thanh, sinh viên nên chọn học Kiến trúc ở môi trường chuyên nghiệp, chuẩn quốc tế và đào tạo bài bản để phát huy tối đa năng lực của mình. Ngoài ra, chính bản thân người học cần phải chú trọng bổ sung cho mình những kiến thức cần thiết, đặc biệt là ngoại ngữ và kỹ năng chuyên môn.

Ông cũng khuyến nghị phải thay đổi mối quan hệ, vai trò của người thầy và sinh viên trong quá trình học tập, thực hành. “Để thay đổi và tạo ra những thế hệ kiến trúc sư mới có thể làm việc, đáp ứng nhu cầu và sự thay đổi của xã hội cần đặt trách nhiệm đầu tiên lên các thầy, cô. Bản thân người dạy phải tiên phong trong việc nắm bắt và thay đổi theo các xu hướng kiến trúc thế giới, hiện đại để không dạy kiến thức đã cũ, lạc hậu”, ông Thanh nói.

Tương tự, kiến trúc sư Trần Cảnh (đến từ công ty Adrei Studio) cũng cho rằng, lý do khiến nhiều sinh viên ra trường không có việc làm là vì không xác định mục đích học. Sinh viên có thể tốt nghiệp sớm hơn 5 năm nhưng vấn đề là phải xác định mục đích học của bản thân.

"Điều tôi muốn học đó chính là một tư tưởng của ngành nghề. Cũng từng là sinh viên Kiến trúc, từ năm 2, tôi may mắn được giảng viên chỉ ra cách tư duy. Thầy giáo nói với chúng tôi rằng 'Thế hệ của thầy chỉ có thể học 5-10 năm, thầy cần các em tiếp nối thế hệ thầy, học 20-25 năm và tư duy dài hơn 50 năm'", ông Cảnh chia sẻ.

Theo ông Trần Cảnh, tư duy nghề là một điểm nhấn quan trọng đối với bất kỳ sinh viên ngành nào, đặc biệt là Kiến trúc. Do vậy, khi chọn ngành học, mỗi sinh viên cần phải thực sự biết mình đang học gì và lên kế hoạch học tập đúng hướng để trở thành một kiến trúc sư giỏi.

tieu-demot-con-duong-moi-mo-ra-cho-sinh-vien-kien-truc-2

Sinh viên và khách mời tham quan triển lãm Kiến trúc hiện đại tại Đại học FPT.

Tiếp nhận những góp ý của sinh viên và các kiến trúc sư, tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT cho biết, trước khi mở ngành đào Kiến trúc, ngoài việc xây dựng chương trình theo chuẩn quốc tế, trường đã đầu tư lớn cho hệ thống cơ sở vật chất để sinh viên có môi trường thực tập tốt.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nam cũng cho rằng, để trở thành một kiến trúc sư giỏi hay không là do cả bản thân người học và dạy. “Lý do lớn khiến chất lượng đào tạo ngành Kiến trúc tụt hậu so với các nước tiên tiến đó là người làm chương trình sợ và không dám thay đổi. Thật ra chúng ta có thể làm tất cả mọi thứ nếu điều đấy tốt cho sinh viên. Nhưng sinh viên cũng cần nhìn vào sự thật, đừng nghĩ rằng, Kiến trúc sư lúc nào cũng phải xây nhà to mà bỏ qua những ngôi nhà nhỏ khi Việt Nam có nhiều nhà nhỏ cần phải xây dựng", ông Nam phân tích.

Ngọc Anh

Ngày 31/7, Đại học FPT tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành Kiến trúc. Thí sinh thi theo đề thi riêng của trường, gồm: trắc nghiệm toán, tư duy logic và khả năng sáng tạo.

Khung chương trình học ngành Kiến trúc của ĐH FPT xây dựng theo tiêu chuẩn đào tạo từ Hiệp hội Kiến trúc Hoàng gia Anh (Royal Institute of British Architects-RIBA). Chương trình thiết kế, điều chỉnh để phù hợp cho sinh viên Việt Nam, thời gian đào tạo chính quy trong 4 năm. Xem thêm thông tin ngành kiến trúc của trường tại website.

VNExpress

Đại học FPT, ngành Kiến trúc, FPT tuyển sinh 150 chỉ tiêu ngành Kiến trúc


© 2021 FAP
  1,121,366       2/1,030