Giáo dục

Đại học Quốc tế nghiên cứu theo đơn đặt hàng của địa phương, doanh nghiệp

Từ những khó khăn, vướng mắc của địa phương, các nhà khoa học của trường sẽ nghiên cứu để đưa ra giải pháp cụ thể.

Công tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ được đặc biệt chú trọng và triển khai có hiệu quả trong thời gian qua tại trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP HCM.

Theo đại diện nhà trường, tất cả các hợp đồng chuyển giao công nghệ của trường đều dựa vào nhu cầu thực tế của các tỉnh thành và doanh nghiệp. Cụ thể, địa phương hoặc doanh nghiệp sẽ trao đổi với trường về những khó khăn, vấn đề mà họ gặp phải (ô nhiễm môi trường, thiên tai, sản xuất…), sau đó các nhà khoa học của trường sẽ bắt tay vào tìm phương án giải quyết.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về nghiên cứu ứng dụng, năm 2013, trường Đại học Quốc tế đã ra mắt Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ. Trung tâm là cầu nối giữa các giảng viên của trường với các nghiên cứu và dự án thực tiễn tại doanh nghiệp và địa phương. Hiện trường có 9 hợp đồng chuyển giao công nghệ trong quá trình triển khai hoặc chuẩn bị nghiệm thu ở nhiều lĩnh vực khác nhau: Công nghệ Sinh học, Điện tử Viễn thông, Quản trị Kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật Hệ thống Công nghiệp…

Các hợp đồng đã ký kết này lấy kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước phân bổ cho các tỉnh mỗi năm và từ các doanh nghiệp. Trong thời gian tới, trường cũng sẽ thực hiện quan hệ hợp tác với tập đoàn, quỹ đầu tư để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động chuyển giao công nghệ đến cộng đồng.

Sau khi hoàn thành, kết quả nghiên cứu của các đề tài này sẽ được nhà trường chuyển giao hoàn toàn cho các địa phương hoặc doanh nghiệp.

truong-dai-hoc-nghien-cuu-theo-don-dat-hang-xin-edit-1

Trường Đại học Quốc tế ký biên bản ghi nhớ hợp tác về Khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực với UBND tỉnh Bình Dương.

Đến nay, trường Đại học Quốc tế đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về Khoa học công nghệ với 8 tỉnh gồm: Đồng Tháp, KonTum, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Định, Bình Phước, Vĩnh Long, Đắk Nông và 2 doanh nghiệp gồm: DOFICO và Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp khu Công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đang thảo luận kế hoạch thực hiện các dự án chuyển giao công nghệ với các tỉnh Đà Nẵng, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu và doanh nghiệp lớn như Trường Hải Auto trong thời gian tới.

dai-hoc-quoc-te-nghien-cuu-theo-don-dat-hang-cua-dia-phuong-doanh-nghiep-1

Nhóm nghiên cứu Hệ thống giao thông thông minh - Dự án được trường Đại học Quốc tế nghiên cứu theo đặt hàng từ UBND TP HCM.

Các đề tài chuyển giao công nghệ trường Đại học Quốc tế đang thực hiện giải quyết các vấn đề đa dạng trong thực tế, từ công nghệ sinh học (Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen ốc núi trong điều kiện tự nhiên núi Bà Đen Tây Ninh, Ứng dụng công nghệ tế bào thực vật trong nhân giống cây hoa Lily nhằm sản xuất củ giống thương phẩm tại tỉnh Kon Tum) đến bảo vệ môi trường (Hệ thống giám sát cảnh báo cháy rừng thời gian thực ứng dụng công nghệ mạng cảm biến không dây).

Trong đó, đề tài hệ thống cảnh báo lũ quét tại khu vực sông, suối và cháy rừng do Khoa Điện tử-Viễn thông, trường Đại học Quốc tế (thuộc Đại học Quốc gia TP HCM) thực hiện triển khai và lắp đặt tại tỉnh KonTum là một trong những đề tài được đánh giá cao.

Với hệ thống này, các dữ liệu khí tượng sẽ được xử lý, phân tích bằng phần mềm hỗ trợ để đưa ra dự báo giúp các dự báo viên có thể dự đoán tình hình mưa lũ, đưa các quyết định báo động kịp thời theo nhiều cấp khi có khả năng xảy ra lũ quét trên địa bàn huyện Đăk-Hà.

Ngoài chức năng cảnh báo lũ quét, các số liệu về lượng mưa và mực nước ở hồ chứa thượng nguồn trong nhiều năm cũng sẽ được các nhà khoa học sử dụng làm cơ sở cho các nghiên cứu có liên quan đến đánh giá tác động của biến đổi khí hậu.

[Caption]

Nhà khoa học từ Đại học Quốc tế khảo sát thực địa, chuẩn bị triển khai  đề tài Xây dựng nhà xưởng chế biến các sản phẩm sâm Ngọc Linh với tỉnh Kon Tum.

Bên cạnh đó, trường Đại học Quốc tế cũng đang thực hiện đề tài nghiên cứu xây dựng hệ thống giao thông thông minh nhằm tăng cường hiệu quả công tác điều tiết giao thông theo đặt hàng từ UBND TP HCM. Khi hoàn tất và đưa vào vận hành, hệ thống này hy vọng sẽ góp phần tích cực vào việc giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông trên các tuyến đường tại TP HCM.

Việc triển khai và áp dụng các kết quả nghiên cứu của các trường đại học vào thực tiễn cuộc sống và quá trình sản xuất là một việc làm cần thiết và cần được đẩy mạnh, phát huy.

VNExpress

hệ thống cảnh báo lũ quét, Đại học Quốc tế, nghiên cứu khoa học


© 2021 FAP
  1,120,244       1/1,020