Giáo dục

Lá thư của chàng trai nghèo gốc Latin được nhận vào trường Stanford

Guillermo Pomarillo biết lý do anh được nhận vào Đại học Stanford (Mỹ) vì sự chăm chỉ chứ không phải may mắn. Nhưng sau lần đến bác sĩ nha khoa vừa rồi, anh cảm thấy phải viết một bức thư ngỏ để chia sẻ những nỗ lực của mình.

la-thu-cua-chang-trai-ngheo-goc-latin-duoc-nhan-vao-truong-stanford

Guillermo Pomarillo sẽ học ngành kỹ thuật y sinh học tại Stanford vào mùa thu này. Ảnh: Facebook

Là người đầu tiên trong gia đình vào đại học, Pomarillo đã kể chi tiết cuộc nói chuyện với nha sĩ, người đã cố gắng phủ nhận những thành tích của Pomarillo vì nguồn gốc xuất thân và gia đình nghèo, trong một bức thư anh đăng tải trên Facebook ngày 19/7. Bài viết của anh đã thu hút rất nhiều sự quan tâm với gần 50.000 lượt thích và 13.000 lượt chia sẻ.

Mở đầu bức thư, anh viết: “Hôm nay, cháu đến phòng khám của chú sau khi rời chỗ làm sớm. Chú chắc không biết được cháu phải đi bộ 1,5 dặm để đến được đó. Cha mẹ cháu không thể lái xe chở đi vì họ phải bận làm việc. Nhưng việc làm sạch răng trước khi đi học là hết sức cấp bách với cháu”.

Sau đó, chàng sinh viên từ Chicago này mô tả chi tiết việc nha sĩ bắt đầu hỏi anh về điểm ACT (kỳ thi chuẩn hóa để tuyển sinh đại học của Mỹ) và đưa ra những lời nhận xét không đúng về xuất thân nghèo của anh sau khi anh đề cập đến việc sắp vào học tại Stanford:

Chú mỉa mai nói “Wow, cháu đã xoay xở được với ACT? Và cháu được vào Stanford?”. Cháu bối rối. Cháu luôn nghĩ rằng điểm ACT của mình không quá tệ. Ý cháu là, cháu còn được nhận vào nhiều trường khác ngoài Stanford. Sau đó, chú nói: “Con gái chú được tận 35 điểm, nhưng nó không được vào Stanford. Nó vào học ở Umich”.

Cháu nghĩ trong đầu: “Wow, thật tuyệt. Umich là một trường tốt”. Nhưng chú không dừng lại ở đó, chú tiếp tục nói: “Những đứa trẻ từ các khu phố này, như cháu biết đó, Englewood chẳng hạn, sẽ dễ dàng vào Harvard hay Stanford với số điểm...". Tâm trí cháu bị bối rối. Chú thực sự đã nói những điều này. Nhưng chú không dừng lại. Chú tiếp tục nói: “Cháu biết đấy, những đứa trẻ học ở quanh đây (ý nói các trường công lập AKA ở các khu phố cho dân thiểu số) sẽ dễ dàng vào các trường như Stanford. Con gái chú học ở một trường có đến 20 học sinh đạt điểm tối đa ACT”. Cháu vẫn im lặng.

Nhưng Pomarillo, người sẽ học ngành kỹ thuật y sinh học tại Stanford, chia sẻ trên Facebook rằng anh không thể chịu đựng thêm khi nha sĩ bảo anh nên cảm thấy may mắn vì được vào Standford.

Chú đang nói với cháu rằng 18 năm nỗ lực hết mình của cháu giống như đi thi chương trình The Voice. Có phải chú đang nói rằng chỉ đơn giản nhờ may mắn mà cháu được nhận vào không chỉ Stanford, mà còn các trường như Princeton, Vanderbilt, Northwestern, và WASHU, và được vào danh sách dự bị của Tufts, Penn, và Columbia (Pomarillo đã không nói với người nha sĩ điều này)? Nói rằng cháu được nhận vào đơn giản chỉ vì xuất thân thì thật là vô lý. Tất nhiên, con gái chú đạt điểm cao hơn cháu. Chú là một nha sĩ nên có đủ khả năng cho cô ấy học ở trường tốt có thể giúp cô ấy đạt được điểm cao như thế.

Chú là một nha sĩ có học, có trình độ đại học và có bằng nha khoa. Cha mẹ cháu, những người nhập cư trái phép và chỉ được học đến trung học, không có đủ khả năng để cho cháu học ở trường tư. Vâng, cháu đã lớn lên trong khu phố mà có rất nhiều bạn trẻ không được vào học tại các trường như Stanford. Nhưng điều này không có nghĩa là những người có cùng xuất thân như cháu không có khả năng thành công ở Stanford. Chúng cháu xứng đáng được vào học ở những nơi như Stanford.

Chàng sinh viên này viết thêm "Chú coi thường cháu. Nhưng chú hoàn toàn không biết gì về những nỗ lực của cháu” trước khi liệt kê nhiều trở ngại anh đã phải đối mặt trong suốt thời gian cố gắng học tốt.

Anh viết: “Chú đang phủ nhận rằng cháu phải đối mặt với nhiều cuộc chiến hơn con gái chú. Chú đang phủ nhận rằng cháu không có một chút lợi thế nào. Chú chỉ thấy cháu may mắn và cháu được vào Stanford nhờ xuất thân... Có lẽ chỉ có thể là hội đồng tuyển sinh đã nhìn thấy nhiều thứ khác ngoài điểm số trong hồ sơ của cháu. Điều này không có nghĩa là cháu giỏi hơn con gái chú. Nó chỉ có nghĩa là cháu có điểm mạnh, sự quyết tâm, sự kiên trì để thành công ở một nơi như Stanford”.

la-thu-cua-chang-trai-ngheo-goc-latin-duoc-nhan-vao-truong-stanford-1

Pomarillo đã kể lại chi tiết cuộc nói chuyện của mình với nha sĩ trong một bức thư anh đăng tải trên Facebook ngày 19/7 vừa qua. Ảnh: Facebook

Tuyển sinh đại học dựa trên chính sách nâng đỡ các thành phần thiểu số hay sắc tộc bị thiệt thòi từ lâu đã được áp dụng ở Mỹ để mang lại cơ hội cho sinh viên đa sắc tộc và có thu nhập thấp thể hiện được tiềm năng tại các trường đại học uy tín. Theo trang web của Stanford, trường cam kết thực hiện mục tiêu của chính sách nâng đỡ này.

Vào tháng 6 vừa qua, Tòa án Tối cao Mỹ quyết định duy trì các chương trình nâng đỡ thành phần thiểu số hay sắc tộc bị thiệt thòi, cho phép trường đại học trên cả nước đưa yếu tố chủng tộc vào việc xét tuyển.

Quỳnh Linh (theo Huffington Post)

VNExpress

lá thư, chàng trai nghèo, gốc Latin, Stanford, Latin, nghèo


© 2021 FAP
  1,118,488       1/937