Giáo dục

Sửa đổi thông tư 30 theo hướng đánh giá mức A, B, C

Thay đánh giá Đạt hay Không đạt bằng ba mức A, B, C; bỏ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục để giảm tải cho giáo viên... là nội dung sửa đổi của Thông tư 30 đang được Bộ Giáo dục lấy ý kiến.

Ngày 27/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo giới thiệu dự thảo thông tư 30 (bỏ chấm điểm học sinh tiểu học) sửa đổi nhằm lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành chính thức vào đầu năm học 2016-2017. Có 3 thay đổi quan trọng.

Lượng hóa bằng ba mức A, B, C

Thông tư 30 trước đây đánh giá kết quả học tập chỉ có Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành, Đạt hay Chưa đạt, chưa trả lời được câu hỏi đạt thế nào. Dự thảo sửa đổi theo hướng giữa và cuối mỗi học kỳ, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên, chuẩn kiến thức, kỹ năng của môn học để đánh giá học sinh theo 3 mức A, B, C.

Mức A học sinh nắm vững kiến thức, thành thạo kỹ năng, vận dụng linh hoạt kiến thức kỹ năng, hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, hứng thú với môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức B học sinh nắm được kiến thức, có kỹ năng, biết vận dụng kiến thức kỹ năng, hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Mức C chưa nắm được kiến thức, thiếu hụt kỹ năng, chưa hoàn thành nhiệm vụ học tập môn học hoặc hoạt động giáo dục.

sua-doi-thong-tu-30-theo-huong-danh-gia-muc-a-b-c

Cuối năm, mỗi giáo viên phải ghi hàng chục cuốn sổ theo dõi chất lượng giáo dục của học sinh. Ảnh: Fb.

Năng lực, phẩm chất của học sinh cũng được đánh giá theo 3 mức trên. Các em mức A nhận thức đầy đủ, làm tốt, hứng thú, tự tin. Mức B nhận thức được, làm được, chưa thật hứng thú, chưa thật tự tin và mức C là nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm được, chưa hứng thú và thiếu tự tin. Giáo viên được chủ động trong đánh giá, không nhất thiết phải ghi nhận xét hàng ngày.

Dự thảo giữ nguyên cách đánh giá bằng điểm số thông qua các bài kiểm tra cuối kỳ, cuối năm. Riêng học sinh lớp 4 và 5 sẽ có thêm bài kiểm tra giữa kỳ 1 và giữa kỳ 2 môn Toán, Tiếng Việt để tiếp cận với yêu cầu của bậc THCS. Bài kiểm tra định kỳ được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân, không dùng để so sánh em này với em khác.

Bớt sổ sách, giảm tải cho giáo viên

Sau hai năm thực hiện, điều kiến các giáo viên kêu ca nhất về thông tư 30 là hàng tháng phải ghi nhận xét quá nhiều. Dự thảo lần này cho giáo viên được quyền chủ động khi nào nhận xét bằng lời, khi nào viết nhận xét cho phù hợp.

Theo thông tư 30 hiện nay, hồ sơ đánh giá của học sinh gồm có học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, bài kiểm tra định kỳ cuối năm học, phiếu hoặc sổ liên lạc với phụ huynh, giấy khen, chứng nhận thành tích học sinh trong năm học (nếu có). Sau sửa đổi, hồ sơ sẽ chỉ còn học bạ, bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Bảng tổng hợp thay thế Sổ theo dõi chất lượng giáo dục cũ. Giữa và cuối kỳ, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá học sinh vào bảng tổng hợp và lưu tại trường suốt thời gian học sinh theo học.

Ngoài ra, giáo viên có sổ cá nhân để ghi chép, theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh, lưu ý đến em chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội, đảm bảo tổng hợp kết quả đánh giá khách quan, công bằng và khi cần thiết giải trình với cán bộ quản lý, phụ huynh học sinh.

sua-doi-thong-tu-30-theo-huong-danh-gia-muc-a-b-c-1

Giấy khen từng mặt - một biểu hiện áp dụng máy móc Thông tư 30 trong khen thưởng. Ảnh: Fb.

Khen thưởng cụ thể hơn

Dự thảo quy định cụ thể việc khen thưởng phù hợp, dễ hiểu, dễ thực hiện, gồm khen thưởng cuối năm và khen thưởng đột xuất. Việc khen thưởng cuối năm có ba mức:

Học sinh hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện, kết quả đánh giá môn học, năng lực, phẩm chất đạt mức A, bài kiểm tra định kỳ cuối năm các môn đạt từ 9 trở lên.

Học sinh hoàn thành tốt nội dung học tập, rèn luyện, kết quả đánh giá có ít nhất 50% môn học đạt mức A, các môn còn lại đạt mức B, năng lực, phẩm chất đạt mức A hoặc B, bài kiểm tra định kỳ cuối năm các môn học đạt từ 7 trở lên.

Học sinh có thành tích vượt trội hoặc tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm học sinh tiểu học ra đời năm 2014. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Nội dung đánh giá gồm: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh...

Ngay khi ban hành, thông tư này đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của giáo viên và phụ huynh. Giáo viên cho rằng có quá nhiều sổ sách phải nhận xét, tạo thêm áp lực cho họ; phụ huynh thì không đánh giá được con mình học hành ra sao, tiến bộ thế nào bởi cách nhận xét chung chung của thầy cô. 

Phương Hòa

VNExpress

thông tư 30, sửa đổi, năm học 2016-2017, bỏ chấm điểm học sinh tiểu học.


© 2021 FAP
  1,113,285       1/1,505