Giáo dục

Những câu hỏi 'chưa có lời đáp' trong dự thảo thi THPT 2017

Kỳ thi có thật sự giảm áp lực khi số môn tăng thêm, nội dung bao quát cả chương trình THPT; đề của một trường áp dụng cho cả nước liệu có phù hợp; các trường xét tuyển thế nào với bài thi tổng hợp... là những câu hỏi cần được Bộ Giáo dục giải đáp.

Dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 8/9 đã dấy lên nhiều quan điểm trái chiều về việc nên hay không thi trắc nghiệm. Xung quanh dự thảo cũng còn nhiều câu hỏi băn khoăn cần được Bộ sớm giải đáp.

Có thật sự giảm áp lực?

Trong 13 năm thực hiện kỳ thi 3 chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả thi), thí sinh phải làm 7 bài thi gồm 4 bài tốt nghiệp và 3 bài của một khối thi đại học. Em nào thi 2 đợt thì phải làm thêm 3 môn nữa. Từ năm 2015, Bộ Giáo dục gộp thi tốt nghiệp và đại học thành kỳ thi THPT quốc gia. Thí sinh làm tối thiểu 4 bài (4 môn), nếu đăng ký thêm thì có thể 5-6 bài, tối đa là 8.

Theo dự thảo thi THPT quốc gia năm 2017, để được xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh hệ THPT phải thi 4 bài gồm 3 bài bắt buộc các môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài tự chọn, hoặc Khoa học tự nhiên (tổ hợp Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (tổ hợp Sử, Địa, Công dân). Các em có thể dự thi cả 5 bài để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Như vậy, thí sinh phải làm ít nhất 4 bài thi (tổng cộng 6 môn) và nhiều nhất 5 bài (tổng cộng 9 môn).

Dự thảo quy định năm 2017, nội dung đề thi giống như hai năm qua, tức chủ yếu trong chương trình lớp 12. Năm 2018, đề thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12; từ năm 2019 trở đi trải rộng trong chương trình 3 năm THPT.

Đánh giá về việc thay đổi số môn thi, thầy Bùi Gia Nội, giáo viên Vật lý trường THPT Việt Trì (Phú Thọ) nói: "Chủ trương là giảm tải áp lực thi cử nhưng nếu tính số môn thi liên quan thì lại tăng so với trước đây. Nội dung đề thi ngày càng mở rộng, suốt cả 3 năm THPT thì rõ ràng áp lực không giảm mà lại tăng". 

nhung-cau-hoi-chua-co-loi-dap-trong-du-thao-thi-thpt-quoc-gia-2017

Liệu những đổi mới của kỳ thi năm nay có thật sự giảm áp lực cho thí sinh? Ảnh: Ngọc Thành.

Băn khoăn khâu ra đề thi

Phương án đổi mới kỳ thi năm 2017 dựa trên nền tảng kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, kỳ thi này qua 3 năm thực hiện cho hiệu quả nên có thể áp dụng đại trà trên cả nước. "Bộ đã có những so sánh và nhận thấy những em đạt kết quả cao trong kỳ thi đánh giá năng lực thì cũng đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT do Bộ tổ chức", ông Ga nói.

Từ ngân hàng câu hỏi lớn của Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục tham khảo, lựa chọn những đề thi phù hợp với kỳ thi hai mục đích vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học. Đề minh họa sẽ được công bố vào đầu tháng 10 tới.

Tuy nhiên, kỳ thi của Đại học Quốc gia Hà Nội chưa có những tổng kết, đánh giá cụ thể về chất lượng, hiệu quả; đề thi cũng chưa bao giờ được công bố. Việc đưa kỳ thi của một trường áp dụng rộng rãi trên toàn quốc khi chưa có tổng kết cụ thể khiến dư luận băn khoăn. 

nhung-cau-hoi-chua-co-loi-dap-trong-du-thao-thi-thpt-quoc-gia-2017

Nhiều người đặt câu hỏi Bộ đã có đánh giá về kỳ thi riêng của Đại học Quốc gia Hà Nội khi 3 năm qua trường chưa bao giờ công bố đề thi. Ảnh: Ngọc Thành.

Theo GS. TS Phùng Hồ Hải, Phó chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, đến nay chưa có một đánh giá nào về ưu điểm, hiệu quả, chất lượng sinh viên đầu vào có cao hơn trong kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội. "Trước khi Bộ đưa ra phương pháp thi mới thì phải thuyết phục được cộng đồng cũng như nhà khoa học về hiệu quả của nó", ông Hải nói.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học cao đẳng cho rằng, dù thi theo hình thức nào thì khâu ra đề vẫn rất quan trọng. Nếu đề chuẩn bị không tốt thì ưu điểm sẽ biến thành nhược điểm và mong Bộ sớm công bố đề minh họa để biết tỷ lệ câu khó, câu dễ, cấu trúc của đề thi.

Các trường lúng túng khâu xét tuyển 

Nếu dự thảo được thông qua, các đại học, nhất là trường đặc thù khối Y, hoặc trường Sư phạm, khả năng phải tổ chức thi tuyển riêng vì điểm các môn Sinh, Sử, Địa, Lý... thường nhân hệ số 2. 20 câu hỏi nằm trong bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hay Khoa học Xã hội, là quá ít để đánh giá kiến thức, năng lực học sinh. 

"Trước nay, các trường đều xét tuyển theo khối truyền thống là A, B, C, D. Giờ tổ hợp bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội thì các trường xét tuyển kiểu gì? Bộ phải nói rõ vì theo quy định, các trường phải công bố tổ hợp xét tuyển mới trước 3 năm", thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng tuyển sinh Đại học Giao thông vận tải TP HCM nói và cho rằng Bộ Giáo dục nên có định hướng thay đổi theo hướng lâu dài chứ không thể mỗi năm thay đổi một kiểu.

nhung-cau-hoi-chua-co-loi-dap-trong-du-thao-thi-thpt-quoc-gia-2017-1

Các trường THPT, đại học đều đang chờ Bộ công bố chính thức phương án của kỳ thi. Ảnh: Ngọc Thành. 

Vì sao liên tục thay đổi?

Năm 2015, khi chuyển từ kỳ thi 3 chung sang thi "2 trong 1" cho hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, dư luận đã rất băn khoăn. Trong cuộc phỏng vấn trực tuyến trên VnExpress đầu năm học 2014-2015, độc giả đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo khi đó là ông Phạm Vũ Luận rằng liệu quy chế kỳ thi THPT quốc gia có còn tác dụng khi phụ huynh này có con thi vào năm 2017? 

Ông Luận khẳng định theo quyết định của Quốc hội, chương trình sách giáo khoa mới sẽ được triển khai vào năm học 2018-2019. Số học sinh vào đại học của chương trình này nhanh nhất là 2021. Vậy quy chế kỳ thi sẽ ổn định đến năm 2021, thầy trò yên tâm dạy và học với niềm tin sẽ không có nhiều biến động.

Nhưng đến đầu năm học 2016-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại muốn thay đổi phương thức thi - điểm mấu chốt của cả kỳ thi dẫn đến hàng loạt yếu tố khác cũng phải thay đổi theo như tổ hợp xét tuyển vào đại học, cách dạy của giáo viên, cách ôn tập của học sinh.

Dự thảo thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án tổng hợp một số môn thi riêng rẽ làm thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tổng cộng còn 5 bài thi Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Công dân).

Ngoài môn Ngữ Văn thi tự luận, thời gian làm bài 120 phút, thi trên giấy do giáo viên chấm, bốn bài thi còn lại sẽ tổ chức theo dạng bài trắc nghiệm khách quan, thi trên giấy và chấm trên máy tính. Đề thi môn Ngoại ngữ có 40 câu hỏi trắc nghiệm làm trong 60 phút. Bài thi Toán gồm 50 câu; Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội có 60 câu, làm trong 90 phút. Trong phòng, mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã đề thi riêng không giống nhau để tránh quay cóp. Kỳ thi sẽ do Sở Giáo dục các tỉnh chủ trì.

Thái Mạc

VNExpress

thi THPT quốc gia 2017, trắc nghiệm.


© 2021 FAP
  1,092,434       3/1,119