Giáo dục

Ước mơ đến trường của cô bé vùng biên

Sinh ra và lớn lên ở vùng biên, Kim đã quen sự nghèo đói, lạc hậu của nơi rừng núi. Vượt qua khó khăn, em vẫn đến trường và ước mơ được làm cô giáo.

Bé Nông Thị Kim, dân tộc Nùng đang học lớp 4, Phân trường Lũng Chuống, trường tiểu học Nội Thôn, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

uoc-mo-den-truong-cua-co-be-vung-bien

Nếu Hà Quảng là một trong những huyện nghèo nhất của tỉnh Cao Bằng, thì xã Nội Thôn nơi có gia đình bé Nông Thị Kim sinh sống được coi là nơi khó khăn nhất huyện. Cũng chính vì lạc hậu nên bố mẹ Kim đẻ liên tục ba đứa. Kim là chị cả, dưới Kim còn hai em nhỏ nữa.

Nhà Kim nghèo, nghèo lắm, cũng vì đất canh tác ít quá, nên nhiều khi không đủ gạo ăn cho cả gia đình. Căn nhà sàn từ thời ông bà nội để lại đến nay đã mục nát, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài cái tivi đen trắng từ xa xưa, mấy cái nồi và vài bát sứt sẹo, mốc meo.

Cả nhà không có giường, đến tối mấy chị em Kim phải trải chiếu ra giữa sàn ngủ, còn mùa đông thì nằm gần bếp lửa cho ấm. Cứ thế mấy chị em Kim như những củ khoai lăn lóc lớn lên trên núi rừng biên cương. Gần đây, bố em được một người họ hàng thương tình đưa đi làm phụ hồ, theo công trình ở những tỉnh xa nay đây, mai đó. Thế nhưng, mỗi ngày kiếm cũng chỉ được trăm nghìn đồng. Thỉnh thoảng bố mới về nhà để đỡ tiền xe đi lại. Giờ ở nhà chỉ còn 4 mẹ con Kim, bữa đói, bữa no, hôm nào bố về thì cả nhà vui như mở hội vì có tiền ăn một bữa ngon.

Ở xã của Kim chủ yếu là người dân tộc Mông và Nùng sinh sống, thế nên với bố mẹ Kim thì tiếng Việt còn bập bẹ. Khi ai đó nói nhiều, hỏi nhiều là họ không kịp hiểu. Việc bố mẹ kèm cặp cho Kim học là điều trong mơ mà em cũng không dám nghĩ tới. Với em, được đi học đã là một điều rất may mắn. Vì quá nghèo đói nên bố mẹ Kim chẳng thích cho em đi học. Với họ, học vừa tốn thời gian, chẳng làm ra được gạo ăn, nên đã mấy lần bố mẹ định cho em ở nhà để làm việc như những đứa trẻ khác trong xóm.

Khó khăn là vậy, nhưng bé Kim rất thích đi học và ham học. Cô bé chăm chỉ đi bộ dù có nắng hay mưa, nóng hay rét, cứ được đi học là Kim vui lắm. Được các cô đến tận nhà động viên, nhà trường hỗ trợ giấy, bút, sách vở cùng sự hiếu học nên Kim vẫn được đến trường. Điểm trường mà Kim học ở Lũng Chuống với vài ba gian nhà cấp 4, đường đi gian nan, vất vả vô cùng. Tuy nghèo và khổ cực đến vậy nhưng với tình yêu nghề, yêu học sinh nên các cô giáo vẫn kiên cường bám trụ để đem cái chữ đến với học trò vùng biên như Kim.

Ở trường, cô bé học khá, thông minh và nhanh nhẹn, chữ cũng đẹp nhất lớp. Thỉnh thoảng em phải học cả ngày. Vì nhà xa nên mẹ lại gói cơm nắm cho Kim mang đi học, để đến trưa em ở lại có gì đó ăn, ăn xong vài ba cái ghế lại trở thành giường cho cô bé say giấc. Nhưng cũng có lần nhà không đủ ăn, không có cơm mang đi, cô bé đành nhịn đói. Những lúc như thế cô và các bạn khác lại chia sẻ phần cơm của mình với Kim. Không chỉ ngoan ngoãn, học tốt, ngoài giờ học cô bé cũng là một lao động chính trong nhà, từ lên rẫy phụ mẹ làm lúa, trồng ngô, đi rừng, trông em, nấu cơm, rửa bát... Tất cả mọi việc Kim đều làm rất thành thạo.

Tôi ấn tượng với cô học sinh dân tộc Nùng ấy bởi với những bé có hoàn cảnh giống Kim thường tự ti, rụt rè trong giao tiếp. Nhưng Kim thì hoàn toàn ngược lại, cô bé lanh lợi, tháo vát, hoạt ngôn và cũng rất dí dỏm, thông minh. Kim như một đóa hướng dương giữa núi rừng. Dù hoàn cảnh có nghèo khổ và khó khăn hiện hữu nhưng em vẫn hồn nhiên, vô tư giống những đóa hoa vẫn luôn hướng về phía mặt trời để tỏa hương, khoe sắc. Nhưng bông hoa ấy giờ đây chỉ sợ một điều duy nhất là không được đến trường nữa. Chính vì thế, tôi rất mong chương trình hỗ trợ cho em để gia đình vơi bớt khó khăn và bé Kim có thể tiếp tục đến trường.

Phạm Thị Dịu

Từ ngày 8/8 đến 16/10, Báo VnExpress phối hợp cùng nhãn hàng Dutch Lady tổ chức cuộc thi "Học bổng Đèn Đom Đóm". Độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện về chân dung vượt khó học giỏi của các em học sinh bậc tiểu học (cấp 1), trung học cơ sở (cấp 2) đã nỗ lực vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục đến trường. Chương trình kéo dài 10 tuần, hàng tuần, ban tổ chức sẽ chọn ra 10 câu chuyện ý nghĩa, xúc động nhất (tương ứng 10 nhân vật) để trao học bổng (mỗi suất trị giá 3 triệu đồng). Độc giả có bài viết giới thiệu nhận vật được chọn trao giải học bổng sẽ nhận nhuận bút 500.000 đồng mỗi bài. Gửi bài dự thi tại đây.

VNExpress

VnExpress, Học bổng Đèn Đom Đóm, nhãn hàng Dutch Lady, học bổng


© 2021 FAP
  1,091,716       2/869