Giáo dục

Bộ Giáo dục sửa Thông tư 30

Khi đánh giá thường xuyên về học tập, ngoài nhận xét, giáo viên có thể dùng lời nói chỉ cho học sinh biết chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư 22 sửa đổi, bổ sung 13 điều trong tổng số 20 điều của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, có hiệu lực từ 6/11. Theo đó, giáo viên vẫn đánh giá học sinh thường xuyên bằng nhận xét và đánh giá định kỳ bằng điểm số.

Đánh giá bằng nhận xét kết hợp lời nói

Việc đánh giá thường xuyên quá trình học tập, năng lực, phẩm chất của học sinh được kết hợp bởi đánh giá của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh, trong đó của giáo viên quan trọng nhất. Giáo viên dùng lời nói chỉ cho học sinh biết chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, căn cứ vào biểu hiện, kỹ năng, thái độ của học sinh để đánh giá năng lực phẩm chất. Hiệu trưởng các trường cần tôn trọng quyền tự chủ của giáo viên trong việc đánh giá học sinh.

Học sinh tự nhận xét và tham gia nhận xét sản phẩm học tập, về biểu hiện năng lực, phẩm chất của bạn. Thông tư khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện.

bo-giao-duc-sua-thong-tu-30

Thông tư sửa đổi trao quyền chủ động hơn cho giáo viên trong việc đánh giá học sinh tiểu học. Ảnh: Nguyễn Đông.

Đánh giá bằng bài kiểm tra định kỳ

Việc đánh giá định kỳ bằng điểm số tiến hành vào giữa kỳ, cuối kỳ 1, giữa học kỳ 2 và cuối năm học. Căn cứ vào việc đánh giá thường xuyên, giáo viên đánh giá từng môn học, hoạt động theo 3 mức: Hoàn thành tốt là thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Hoàn thành làthực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục; Chưa hoàn thành là chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục.

Các môn Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Tiếng dân tộc có 2 bài kiểm tra định kỳ vào cuối học kỳ 1 và cuối năm học. Học sinh lớp 4, 5 có thêm bài kiểm tra định kỳ Tiếng Việt, Toán giữa học kỳ 1 và giữa học kỳ 2, tổng cộng 4 bài. Học sinh lớp 5 thi kiểm tra định kỳ cuối năm, tổ chuyên môn nhà trường ra đề, khi coi và chấm thi sẽ có sự tham gia của giáo viên trường THCS trên địa bàn.

Đề kiểm tra định kỳ được thiết kế theo 4 mức từ 1 đến 4. Mức 1 là nhận biết, nhắc lại được kiến thức, kỹ năng đã học. Mức 2 là hiểu kiến thức, kỹ năng đã học, trình bày, giải thích được kiến thức theo cách hiểu của cá nhân. Mức 3 là biết vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết những vấn đề quen thuộc, tương tự trong học tập, cuộc sống. Mức 4 là vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập, cuộc sống một cách linh hoạt.

Giáo viên sửa lỗi, nhận xét và cho điểm bài kiểm tra theo thang điểm 10, không cho điểm không, không cho điểm thập phân. Bài kiểm tra được trả lại cho học sinh, song điểm định kỳ không được dùng để so sánh học sinh với nhau. Nếu kết quả kiểm tra có bất thường so với đánh giá thường xuyên, giáo viên đề xuất với nhà trường có thể cho học sinh làm bài kiểm tra khác để đánh giá đúng kết quả.

Năng lực, phẩm chất của học sinh được đánh giá theo 3 mức. Mức tốt là đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục, biểu hiện rõ và thường xuyên. Mức đạt là đáp ứng được yêu cầu giáo dục, biểu hiện nhưng chưa thường xuyên. Mức cần cố gắng là chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu giáo dục, biểu hiện chưa rõ.

Giảm tải sổ sách cho giáo viên

Thông tư sửa đổi bỏ Sổ theo dõi chất lượng giáo dục, hồ sơ đánh giá học sinh chỉ còn Học bạ và Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Giữa và cuối kỳ, giáo viên ghi kết quả đánh giá vào Bảng tổng hợp, giữ tại trường. Cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả của học sinh vào Học bạ, lưu lại trường suốt 5 năm tiểu học và giao lại khi học sinh chuyển trường hoặc chuyển cấp.

Học sinh được xác nhận hoàn thành chương trình lớp học phải đạt điều kiện: học tập phải đạt đánh giá hoàn thành tốt hoặc hoàn thành; năng lực, phẩm chất cuối năm phải loại tốt hoặc đạt; bài kiểm tra cuối năm các môn phải từ 5 điểm trở lên. Học sinh chưa hoàn thành chương trình được giáo viên hướng dẫn, đánh giá bổ sung cho đạt.

Khen thưởng rõ ràng

Việc khen thưởng cuối năm dành cho học sinh có kết quả học tập đạt Hoàn thành tốt; năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kỳ cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên; học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận. Ngoài ra, học sinh có thành tích đột xuất trong năm học thì được khen thưởng đột xuất.

Thông tư 30 quy định bỏ chấm điểm thường xuyên học sinh tiểu học ra đời năm 2014. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học. 

Nội dung đánh giá gồm: quá trình học tập, sự tiến bộ và kết quả học tập của học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng từng môn học và hoạt động giáo dục khác trong chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học; sự hình thành và phát triển một số năng lực của học sinh...

Ngay khi ban hành, văn bản này đã gặp sự phản đối mạnh mẽ của giáo viên và phụ huynh. Giáo viên cho rằng có quá nhiều sổ sách phải nhận xét, tạo thêm áp lực cho họ; phụ huynh thì không đánh giá được con mình học hành ra sao, tiến bộ thế nào bởi cách nhận xét chung chung của thầy cô.

Phương Hòa

VNExpress

thông tư 30, sửa đổi, đánh giá học sinh tiểu học.


© 2021 FAP
  1,091,660       1/878