Giáo dục

Việt Nam thiếu trung tâm khảo thí năng lực ngoại ngữ quốc gia

Cả nước có 10 cơ sở thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được công nhận năng lực khảo thí ngoại ngữ, cấp giấy chứng nhận cho người học, nhưng chưa có đơn vị giám sát đảm bảo chất lượng các cơ sở đó.

Hội nghị quốc tế về khảo thí ngoại ngữ New Directions 2016 do Hội đồng Anh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Ban quản lý Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đồng tổ chức đã diễn ra ngày 13-14/10 tại Hà Nội. Diễn giả đến từ 14 quốc gia và hàng trăm đại biểu tham dự đã đưa ra những quan điểm, cách nhìn nhận về hoạt động khảo thí, đánh giá năng lực ngoại ngữ trên thế giới và ở Việt Nam.

Nhiều đại biểu khẳng định khảo thí ngoại ngữ chính xác và hiệu quả sẽ tác động trực tiếp đến quá trình dạy và học. Nhưng ở Việt Nam, hoạt động này không được quan tâm ngay từ đầu. Vai trò của khảo thí ngoại ngữ chỉ được đặt đúng vị trí từ năm 2007, khi chuẩn bị cho Đề án ngoại ngữ 2020.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Trung tâm khảo thí Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận xét kể từ khi có Đề án ngoại ngữ 2020, hoạt động khảo thí được quan tâm hơn, nhưng cũng phải đến năm 2014 Bộ Giáo dục mới ban hành khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam dựa trên Khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của châu Âu CEFR. Đây chỉ là bước đi đầu tiên tiến đến khảo thí ngoại ngữ theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Bà Hà Nguyễn, nghiên cứu sinh của Đại học bang Bắc Carolina (Mỹ) đã có cuộc khảo sát nhỏ với sinh viên Việt Nam và nhận thấy khi học năm nhất, khả năng ngoại ngữ của nhiều sinh viên đạt trình độ B1, B2, nhưng sau 4-5 năm học đại học, mục đích đạt tới trình độ C1 của các em chưa hoàn thành. Điều này cho thấy việc khảo thí và đánh giá năng lực ngoại ngữ ở nhiều trường đại học chưa đạt hiệu quả.

Mặt khác, Việt Nam hiện chỉ có 10 đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo được công nhận năng lực khảo thí ngoại ngữ, đủ khả năng kiểm tra, đánh giá, rà soát năng lực ngoại ngữ và cấp giấy chứng nhận cho người học. Tuy nhiên, chưa có đơn vị nào giám sát nhằm đảm bảo chất lượng đánh giá năng lực ngoại ngữ của 10 đơn vị đó. Trước thực tế đó, nhiều đại biểu cho rằng Việt Nam cần có một trung tâm khảo thí cấp quốc gia và có những chính sách phù hợp trong việc đảm bảo chất lượng trong đánh giá năng lực ngoại ngữ.

viet-nam-thieu-trung-tam-khao-thi-nang-luc-ngoai-ngu-quoc-gia

Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga phát biểu tại hội nghị.

Chưa thể đảm bảo chất lượng là một trong những nguyên nhân khiến chứng chỉ ngoại ngữ do các đơn vị cấp chưa được thế giới công nhận. Đây là rào cản lớn trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. “Khi năng lực ngoại ngữ được đánh giá trên các tiêu chuẩn quốc tế, lao động Việt Nam mới có thể cạnh tranh hơn trên thị trường lao động, có nhiều cơ hội việc làm trong bối cảnh dịch chuyển lao động tự do giữa các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN”, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Để nâng cao chất lượng đánh giá năng lực ngoại ngữ, các trường đại học, cao đẳng cần xây dựng chương trình dạy và học ngoại ngữ cho phù hợp với các tiêu chí đánh giá năng lực. Bà Ngọc Quỳnh nhận định việc áp dụng khung tham chiếu trình độ chung châu Âu CEFR không chỉ dừng lại ở khảo thí mà phải được đưa vào chương trình.

Bà Quỳnh khẳng định ở Việt Nam hiện nay, duy nhất Đại học Ngoại ngữ xây dựng hoàn thiện chương trình dạy và học áp dụng tiêu chí của khung năng lực ngoại ngữ, đặt ra những yêu cầu cụ thể cho sinh viên theo từng kỳ học sao cho đến khi ra trường có khả năng sử dụng ngoại ngữ ở trình độ C1. Trên thực tế, từ năm 2016, tất cả sinh viên Đại học Ngoại ngữ phải có chứng chỉ C1 mới đủ điều kiện tốt nghiệp.

Ông Bùi Văn Ga cho biết, để hướng tới việc chứng chỉ ngoại ngữ do các đơn vị của Việt Nam cấp được công nhận rộng rãi trong khu vực và trên giới, Bộ đang rất quan tâm đến việc hoàn thành cải cách khảo thí giáo dục. "Chúng tôi đang chú trọng hơn đến khảo thí ngoại ngữ - công cụ quan trọng trong dạy và học ngoại ngữ. Nó được xem là công cụ đánh giá hữu hiệu, thể hiện được năng lực ngoại ngữ của học sinh", ông Ga khẳng định và cho hay nhu cầu xây dựng một trung tâm khảo thí chất lượng quốc tế đang là vấn đề được Bộ đặt ra.

Đại sứ Anh Giles Lever cho rằng việc Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban quản lý Đề án ngoại ngữ 2020 là đối tác đồng tổ chức New Directions với Hội đồng Anh phản ánh cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc phát triển và xây dựng một Trung tâm khảo thí năng lực ngoại ngữ quốc gia. Ông cũng khẳng định Vương quốc Anh sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ với Bộ để thiết kế, hình thành và đưa vào hoạt động trung tâm này.

Thanh Tâm

VNExpress

khảo thí, ngoại ngữ, Việt Nam, tiếng Anh, CEFR, Thứ trưởng Bùi Văn Ga


© 2021 FAP
  1,136,630       3/1,166