Giáo dục

Giáo viên lội sình đến lớp ở xã đảo nghèo

Cô Phạm Thị Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Khánh Bình Tây 2 từng phải men theo bờ chuối, bờ sậy để đến nhà vận động các em đi học.

Gần 20 năm trước, với chỉ hai bộ quần áo, từ quê nhà Nam Định, cô gái 19 tuổi Phạm Thị Nhung theo anh trai lặn lội đến vùng đất mũi Cà Mau lập nghiệp. Sau thời gian vượt qua những khó khăn vì nhớ nhà, Nhung đã nỗ lực học tập để trở thành giáo viên như mơ ước thuở nhỏ.

giao-vien-loi-sinh-den-lop-o-xa-dao-ngheo

Lớp học ở Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau.

Những ngày đầu tiên đứng trên bục giảng, cô Nhung phải tìm cách thay đổi chất giọng đặc trưng miền Bắc và nói chậm lại, để nhiều em học sinh người dân tộc Khmer chưa rành tiếng Kinh ở đảo có thể hiểu bài giảng.

Cũng trong những ngày đầu tiên đó, cô Nhung nhiều đêm mất ngủ khi thấy cảnh học trò ở xã đảo nghèo phải nghỉ học. Thương học trò, cô Nhung và đồng nghiệp lội sình lầy thường xuyên đến nhà học trò vận động các em đến lớp. "Ngày ấy đường sá không có, nên tôi và đồng nghiệp phải men theo bờ chuối, bờ sậy để đến nhà vận động các em đi học. Có hôm khi đến nơi, tôi mới nhận ra là vắt đã bò đến cổ", cô Nhung kể.

Trong những năm tháng khó khăn của ngày đầu dạy học ở xã đảo, điều khiến cô Nhung xót xa nhất là có em học sinh phải lả đi vì chịu đói đến lớp. "Tôi và các đồng nghiệp phải pha nước đường và nấu mì tôm cho em ăn đỡ đói", cô Nhung cho biết.

Giờ đây, gần 20 năm gắn bó với học sinh xã đảo nghèo Khánh Bình Tây (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), cô giáo Phạm Thị Nhung vui mừng vì phụ huynh ngày càng quan tâm đến việc học tập của con cái, thay vì cho rằng “chữ không ăn được” như trước đây.

Trong số những học trò thời “ăn không no” của cô Nhung, nhiều em nay đã trở thành đồng nghiệp. Cô giáo Trần Thị Loan - học trò cũ của cô Nhung cho biết: "Tôi học với cô Nhung từ năm lớp 3. Tuy nhiên, đến nay, tôi vẫn nhớ đến sự tận tâm và nhiệt tình của cô. Chính cô là người đầu tiên vun đắp ước mơ trở thành một giáo viên của tôi".

giao-vien-loi-sinh-den-lop-o-xa-dao-ngheo-1

Sau 10 năm dạy học, cô Nhung mới có món quà 20/11 đầu tiên.

Học trò Trần Thị Loan cũng là học sinh đầu tiên tặng một bông hoa hồng cho cô Nhung trong ngày 20/11. Cô Nhung chia sẻ: "Sau 10 năm dạy học ở nơi đây, tôi được em Trần Thị Loan ôm chầm lấy mình và tặng một bông hoa. Ở một nơi ăn không đủ no như xã đảo này, bông hoa sau 10 năm dạy học đó là món quà vô giá".

Dù đã đứng trên bục giảng gần 20 năm với nhiều kinh nghiệm, nhưng cô Nhung vẫn say sưa tìm tòi thêm nhiều phương pháp mới và miệt mài tìm kiếm các ý tưởng thiết kế bài học cho phù hợp với đặc thù của học sinh xã đảo Khánh Bình Tây. Đặc biệt, cô Nhung còn có nhiều phương pháp hay trong việc giúp các em học sinh yếu học tập tốt hơn.

Theo cô Trương Xuân Đào, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Bình Tây 2, nhờ các phương pháp dạy của cô Nhung, nhiều năm qua Trường Tiểu học 2 Khánh Bình Tây không có học sinh lưu ban. Đồng thời, cô Nhung cũng tự chế nhiều đồ dụng học tập hiệu quả, trong đó đáng chú ý nhất là mô hình “Chiếc đồng hồ thông minh” phục vụ môn Toán lẫn môn Văn cho các em học sinh.

Cô Phạm Thị Nhung là một trong những gương mặt giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô 2016" năm nay.

Hưng Thịnh

Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô 2016" do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức, nhằm tuyên dương các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn, nhưng vẫn hết lòng đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. Năm nay, chương trình tuyên dương 42 giáo viên vùng biển đảo. Mỗi thầy cô nhận sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng.

Theo Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, ngoài giá trị tinh thần, về mặt vật chất thì sự chia sẻ hiện nay của xã hội đối với thầy cô biển đảo vẫn còn nhiều hạn chế. Đây cũng là một trong những lý do tại sao đối tượng mà chương trình chọn trong năm nay là các thầy cô đang công tác tại vùng biển đảo. Chương trình mong muốn sẽ cùng truyền tải những câu chuyện về nghị lực của các thầy cô để xã hội thấu hiểu. Từ đó, những chia sẻ của cộng đồng đất liền đối với thầy cô về mặt vật chất sẽ ngày càng cụ thể, thiết thực và thường xuyên hơn.

VNExpress

Cà Mau, Chương trình ", Chia sẻ cùng thầy cô 2016", Tập đoàn Thiên Long


© 2021 FAP
  737,623       1/805