Giáo dục

Công nghệ cơ thể người 3D giành giải tri thức trẻ vì giáo dục

Nhóm tác giả thuộc Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã hoàn thiện hệ thống mô phỏng 3D về cấu tạo cơ thể người gồm hệ xương, cơ, thần kinh, tiêu hóa… phục vụ cho giảng dạy của sinh viên ngành y.

Tối 14/11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao giải "Tri thức trẻ vì giáo dục" cho các công trình, sáng kiến hay phục vụ giảng dạy, học tập. Qua vòng sơ loại, 16 công trình, sáng kiến của các tác giả vào vòng chung khảo.

cong-nghe-co-the-nguoi-3d-gianh-giai-tri-thuc-tre-vi-giao-duc

Các tác giả có công trình nhận giải thưởng 100 triệu nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi. Ảnh: P.X.

Ba công trình có khả năng ứng dụng rộng rãi trong dạy học nhận giải thưởng 100 triệu đồng, gồm: ứng dụng công nghệ mô phỏng thực tại ảo 3D xây dựng hệ thống hỗ trợ công tác giảng dạy, học tập, nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên khối ngành khoa học sức khỏe của nhóm tác giả Lê Văn Chung, Trịnh Hiệp Hòa, Lê Khắc Triều Hưng, Nguyễn Minh Đức và Nguyễn Lương Thọ đến từ Đại học Duy Tân (Đà Nẵng); sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trường học của cô giáo Lê Thị Bé Nhung, Trường THPT Phan Ngọc Tòng (Bến Tre); và thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học Vật lý ở trường phổ thông của tác giả Nguyễn Quốc Huy, Đại học Sư phạm Hà Nội.

Sáng kiến dùng công nghệ 3D mô phỏng cơ thể người phục vụ cho dạy học y khoa của nhóm tác giả đến từ Đại học Duy Tân được đánh giá cao về tính khả thi. Công trình hoàn thiện hệ thống mô phỏng 3D về các hệ trong cơ thể người, như xương, cơ, thần kinh, tiêu hóa… và cơ thể người gồm đầy đủ các hệ chạy trên thiết bị di dộng để phục vụ giảng dạy, tra cứu thông tin.

cong-nghe-co-the-nguoi-3d-gianh-giai-tri-thuc-tre-vi-giao-duc-1

Các mạch máu được mô phỏng 3D. Ảnh: Nhóm tác giả.

Trong dạy học, mô hình này sử dụng dưới hai hình thức: học 2D trong các phòng máy tính của trường, mỗi sinh viên một máy và tự nghiên cứu dưới sự hỗ trợ của giảng viên; học 3D trực quan tại phòng studio có trang bị hệ thống chiếu 3D; giảng viên dùng air- mouse để giảng còn sinh viên được trang bị kính 3D.

Thạc sĩ Lê Văn Chung, chủ nhiệm đề tài cho biết, giải phẫu là môn học mô tả các chi tiết cấu tạo cơ thể nên cần nhiều phương tiện hỗ trợ như xác, xương rời, tiêu bản, tranh, mô hình…, song mô hình, tranh luôn thiếu bởi chi phí quá đắt, các phòng thực hành giải phẫu cũng luôn quá tải. Xác người là phương tiện trực quan tốt nhất song khó kiếm vì hiến xác liên quan đến tình cảm, phong tục, tâm linh muốn "mồ yên mả đẹp" của người Việt. Ứng dụng 3D có giúp sinh viên ngành y được quan sát những chi tiết trên cơ thể người trực quan, sinh động nhất dù là ảo.

Khi thực hiện công trình, nhóm gặp nhiều khó khăn, cần sự thẩm định đúng đắn của các giáo sư đầu ngành nên đã tìm tới Đại học Y dược Huế. "Rất may là nhiều thầy tâm huyết, thích thú với đề tài này nên một hội đồng chuyên khoa của Đại học Y dược Huế được thành lập, thẩm định độ chính xác của công trình và chấp nhận đưa vào thực tế giảng dạy", anh Chung cho hay.

Thời gian tới, kỳ vọng của cả nhóm là mở rộng xây dựng bệnh nhân ảo, tình huống về bệnh hay gặp ở Việt Nam, phát triển nội soi ảo, phẫu thuật ảo trên cơ thể ảo để luyện nghề, cho sinh viên quan sát, học hỏi trước khi trải nghiệm thực tế.

cong-nghe-co-the-nguoi-3d-gianh-giai-tri-thuc-tre-vi-giao-duc-2

Hệ thần kinh, mạch máu và hệ tiêu hóa được mô phỏng bằng công nghệ 3D. Ảnh: Nhóm tác giả.

GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, đề tài rất hấp dẫn, nên nghiên cứu thêm để có thể ứng dụng giảng dạy môn Sinh học trong trường phổ thông chứ không chỉ phục vụ sinh viên khối ngành Y dược.

Đánh giá các đề tài, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân - thành viên ban giám khảo cho biết chất lượng các công trình tương xứng với kỳ vọng của hội đồng. "Chúng tôi trao đổi kỹ với nhóm tác giả và thấy rằng họ đầu tư rất bài bản. Chất lượng công trình cũng đa dạng, có sản phẩm chỉ ở mức ý tưởng hay nhưng có tác phẩm đã được khảo nghiệm nhiều nơi", ông nói.

Chương trình "Tri thức trẻ vì giáo dục" do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và báo Tuổi trẻ triển khai trong giai đoạn 2016-2020 nhằm cổ vũ, khuyến khích thanh niên, trí thức trẻ đóng góp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo thông qua các công trình, sáng kiến. Qua 5 tháng triển khai, chương trình tiếp nhận 267 sáng kiến, trong đó có 108 công trình đổi mới phương pháp dạy học, 92 sáng kiến chế tạo công cụ dạy học mới, 67 công trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Tác giả nhỏ nhất 12 tuổi, có tác giả gửi 10 sáng kiến dự thi.

Hoàng Phương

VNExpress

tri thức trẻ vì giáo dục, công nghệ 3D, giải phẫu, sinh viên y học, hiến xác.


© 2021 FAP
  1,125,377       4/1,007