Giáo dục

Phương pháp dạy học 'lạ đời' của cựu CEO FPT

Ông Nguyễn Thành Nam - nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, người sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX tin rằng, khi giáo viên không dạy gì, sinh viên tự biết cách hỏi và học đúng hướng.

Sau khi rời vị trí CEO của FPT, ông Nam thử sức ở lĩnh vực giáo dục với vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT, sau đó thành lập Đại học trực tuyến FUNiX với nhiều hình thức học mới lạ. Khác với cách học truyền thống, giảng viên tại trường được gọi là mentor (người hướng dẫn), chỉ hỗ trợ và đưa ra hướng đi đúng cho sinh viên, còn lại các bạn phải tự học.

Người sáng lập đại học trực tuyến đầu tiên luôn trăn trở, thay vì lúc nào cũng bàn cách dạy như thế nào cho tốt hơn, tại sao không thử bỏ việc dạy. Khi đó, sinh viên không thể làm gì khác ngoài cách tự học, làm việc.

Ông cho rằng, giáo viên hiện nay mải truyền đạt kiến thức mà quên sinh viên đang cần gì. Đó là cách dạy học xa rời thực tế. Nhiều trường luôn đề cao sinh viên là trọng tâm nhưng đa phần các bài giảng đều do giáo viên tự nói.

Từ lâu, người đứng đầu FUNiX không tin rằng, sinh viên không thích tự học mà do phương pháp dạy chưa phù hợp với sở thích, nhu cầu của họ. Với phương pháp dạy truyền thống, phần lý thuyết đã chiếm gần hết thời gian học, sinh viên không có điều kiện để đưa ra quan điểm của mình, đồng thời, giáo viên cũng không thể hiểu người học cần và mong muốn gì.

"Khi thầy giáo không nói gì, dành thời gian lắng nghe, sinh viên mới có thể là chia sẻ những gì mình muốn. Vậy tại sao không bỏ việc dạy để sinh viên tự học, nghiên cứu còn thầy giáo chỉ là người hướng dẫn", ông Nam nói.

phuong-phap-day-hoc-la-doi-cua-cuu-ceo-fpt

Ông Nguyễn Thành Nam - Người sáng lập Đại học trực tuyến FUNiX.

Hiện, FUNiX cũng thử nghiệm một môn không dạy gì để sinh viên tự học, miễn sao có thể nộp đủ bài tập và thi đúng là nhà trường sẽ công nhận kết quả. Thay vì truyền dạy kiến thức, mentor sẽ tìm cách để sinh viên tự học và định hướng theo cách đúng nhất.

Mỗi giờ giảng đều không quá 10 phút và sinh viên là người bắt đầu. Mô hình này sẽ giúp sinh viên chủ động trong việc học và không ngại hỏi những gì mình không biết. Về cách đánh giá chất lượng, trường vẫn sử dụng cách thi, kiểm tra thông thường rồi cuối cùng mới đến có làm được việc không. Cách làm này sẽ góp phần đánh giá đúng thực lực cho sinh viên đồng thời khơi dậy niềm yêu thích. 

"Mặc dù chưa có kết quả cụ thể đánh giá cụ thể nhưng đa phần sinh viên tại FUNiX đều hào hứng với mô hình này. Nhiều năm làm việc ở FSoft, tôi hiểu cách dạy nào là đúng nhất nên giờ mình chỉ làm sao để rút ngắn chương trình học để sinh viên học nhanh, kiếm tiền sớm", ông Nam chia sẻ thêm.

Nhiều người đánh giá phương pháp này khá "dị" nhưng theo ông Nam, mô hình này đã được áp dụng ở nhiều nước có nền giáo dục phát triển. Tiêu biểu, một giáo sư của Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) của Mỹ cũng đề xuất thành lập trường đại học mới mà không có bất cứ giờ giảng nào. Mỗi sinh viên khi vào trường sẽ được giao ngay một dự án tùy năng lực, khi nào làm xong, trường sẽ đánh giá kết quả. Giáo viên của trường chỉ là người hướng dẫn, hỗ trợ học sinh.

"Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng tôi tin rằng, tương lai của ngành giáo dục sẽ như vậy. Người học sẽ trở thành trọng tâm và người thầy nên hạ vai trò của mình xuống để sinh viên tăng cường tính chủ động", người sáng lập FUNiX cho biết.

Huệ Chi

VNExpress

cựu CEO FPT, Nguyễn Thành Nam, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT, Đại học trực tuyến FUNiX


© 2021 FAP
  1,119,305       3/1,048