Pháp luật

Chồng ngoại tình, kiện thế nào?

"Tôi muốn kiện anh ta và cô gái kia vì muốn pháp luật xử lý sai phạm của họ, chẳng lẽ cứ phải im lặng chấp nhận bạo hành tinh thần như vậy trong khi mình sống đúng đạo đức và pháp luật?", chị Hoa bức xúc.

Trong thư gửi về VnExpress, chị Hoa tâm sự sau 3 năm kết hôn thấy chồng lạnh nhạt, thường đi làm về muộn, ít chia sẻ. Mới đầu ngỡ do công việc kinh doanh bận rộn nên chị cảm thông, nhưng thấy thái độ của chồng ngày càng tệ hơn. Tìm hiểu, chị phát hiện chồng ngoại tình. Anh có con với người này, mua nhà cho hai mẹ con.

Từ khi chuyện vỡ lở, anh công khai việc có "bà hai", thờ ơ với cuộc sống gia đình... Chị Hoa bảo: "Tôi kiện anh ta và cô gái kia là vì muốn pháp luật xử lý sai phạm của họ cho thoả đáng, chẳng lẽ cứ phải im lặng chấp nhận bạo hành tinh thần như vậy trong khi mình sống đúng đạo đức và pháp luật?".

Cùng cảnh như chị Hoa, chị Lan biết nơi chồng và nhân tình thường hẹn hò. Nhiều lần muốn xông vào bắt quả tang để có chứng cứ tố cáo hành vi "ăn vụng" này nhưng lại phân vân không biết làm thế nào để mình không vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Phạm Bích Hảo, Luật Hôn nhân & gia đình 2000 quy định người đang có vợ, có chồng mà quan hệ với người khác và có con riêng là vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Cụ thể: "Cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác".

Ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính ở mức 1-3 triệu đồng. Trường hợp tái phạm hoặc hành vi ngoại tình gây hậu quả nghiêm trọng thì người bị phản bội có quyền đề nghị cơ quan công an xử lý vi phạm của bạn đời. Theo điều 147 Bộ luật Hình sự, mức phạt với người bị kết tội Vi phạm chế độ một vợ, một chồng có khung từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 3 năm tù.

Luật sư Vũ Tiến Vinh bổ sung, theo quy định tại điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự, ngoại tình không thuộc một trong 6 tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

"Nói cách khác một bên không thể khởi kiện bên kia ra tòa để yêu cầu giải quyết việc ngoại tình. Nếu thấy việc ngoại tình dẫn đến việc vợ chồng mâu thuẫn, hạnh phúc không còn thì chỉ có thể khởi kiện xin ly hôn", luật sư Vinh tư vấn.

Theo luật sư, trên thực tế khi giải quyết các vụ việc ly hôn do một bên ngoại tình, tòa án không yêu cầu đương sự phải cung cấp các chứng cứ về việc ngoại tình mà chỉ dựa trên lời khai và các tài liệu, chứng cứ khác do tòa thu thập được trong quá trình giải quyết vụ việc. Do vậy, khi bắt quả tang việc vợ/chồng ngoại tình, đương sự cần hết sức tỉnh táo để lựa chọn cách giải quyết hiệu quả, đúng pháp luật.  

Ở khía cạnh tài sản, theo luật sư Hảo, ngôi nhà chồng mua cho người tình, chị Hoa có có quyền khởi kiện để đòi lại. Bởi theo điều 27 Luật Hôn nhân & Gia đình, tài sản chung của vợ chồng bao gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận...

"Nếu chứng minh được số tiền dùng để mua nhà nằm trong khối tài sản chung của hai vợ chồng, chị Hoa có quyền yêu cầu tòa án tuyên giao dịch vô hiệu", luật sư Hảo nói. Đơn kiện nộp tại tòa án nơi có ngôi nhà chồng chị mua cho người tình.

Lường Toán

VNExpress

Chồng ngoại tình, kiện thế nào? - VnExpress


© 2021 FAP
  3,666,425       1/648