Đỗ ba đại học, chỉ một lần nghe lời bạn rủ làm giả giấy tờ, thi hộ, Phú rơi vào vòng tù tội. Nhờ tình yêu chân thành của người phụ nữ, Phú đã làm lại cuộc đời từ bàn tay trắng.
Phạm Văn Phú sinh ra trong một gia có hoàn cảnh khó khăn ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Vì muốn con không phải quanh năm chân lấm, tay bùn, lao động vất vả nên bố mẹ Phú luôn khuyên nhủ con phải cố gắng học tập. Nhờ tố chất thông minh và siêng năng học tập nên từ lớp 1 đến lớp 12, Phú luôn là học sinh xuất sắc và đoạt được nhiều giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi huyện, tỉnh. Phú đỗ trường ĐH Bách khoa, Kinh tế quốc dân và Kiến trúc ngay năm đầu tiên không làm ai ngạc nhiên cả. Cậu đã theo đuổi nghề kiến trúc sư.
Vì gia đình khó khăn nên chỉ vài tháng sau, Phú đã phải vừa học vừa đi phụ hồ, làm gia sư để trụ lại học ở thành phố. Công việc không ổn định, thu nhập thì bấp bênh nên có khi Phú phải ăn mì tôm hàng tuần và uống nước lã cầm hơi… Tuy hoàn cảnh khó khăn vậy nhưng Phú cũng kiên cường để vượt qua để học tập tốt. Phú luôn đứng nhất lớp và là sinh viên xuất sắc của trường.
Nhưng thật nghiệt ngã, Phú đã không đủ bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ, cái nghèo đã làm Phú thay đổi. Trong thời gian ấy tình trạng thi hộ diễn ra phổ biến. Phú là mục tiêu mà một người đàn ông tên Thành, chủ đường dây thi hộ lớn ở Hà Nội nhắm đến.
![]() |
Cơ sở sản xuất của vợ chồng Phú đã giúp 700 người khác có thu nhập. |
Thành đã tìm cách tiếp cận, làm quen rồi dụ dỗ Phú vào đường dây thi hộ của chúng. Trong một chầu nhậu tại một quán ăn sang trọng, Thành đặt thẳng vấn đề: “Biết chú khó khăn, anh có công việc hay muốn giới thiệu chú làm. Công việc hết sức nhẹ nhàng, thời gian ngắn, chỉ mấy ngày chú có thể kiếm được vài chục triệu ngay. Bọn anh đang cần những sinh viên giỏi như chú để giải bài và thi hộ. Anh làm chuyên nghiệp, có sự tiếp tay của các cán bộ coi thi nên không bao giờ bị lộ…”.
Lúc đầu Phú không đồng ý, nhưng nhìn thấy Thành tiêu tiền như nước, dùng toàn hàng hiệu, trong khi đó mình thường phải chịu những cơn đói kéo dài, chưa có tiền trả phòng trọ… Rồi Phú cũng lưỡng lự: “Người ta làm nhiều năm mà không bị phát hiện, mình làm 1-2 vụ kiếm chút tiền rồi nghỉ, chắc không sao" nên đã nhận lời.
Thời gian đầu Phú được Thành giao cho việc làm giả thẻ dự thi của các trường cao đẳng, đại học, làm giả chứng minh nhân dân cho các đối tượng thi hộ. Mỗi trường hợp thành công Phú được trả thù lao 3-4 triệu đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc làm giả giấy tờ, để kiếm tiền nhanh, mỗi lần thiếu người thi hộ thì Phú sẵn sàng thế chân. Trong một lần trực tiếp thi hộ cho một thí sinh vào trường Cao đẳng Bắc Giang, Phú bị bắt. Đường dây thi hộ bị triệt phá. Cánh cửa đại học khép lại, cánh của nhà tù mở ra đón Phú.
Phú buồn bã kể về những lỗi lầm: “Khi bị bắt, tôi nghĩ thế là hết, tôi đã tự tay đánh mất tương lai, cuộc sống giờ không có định hướng. Tôi cứ dằn vặt bởi hình ảnh bố mẹ vất vả kiếm tiền nuôi tôi và các em ăn học. Liệu ở quê bố mẹ sẽ sống ra sao đây. Tôi trách mình sao lại ngu thế để rồi đánh mất tất cả sự nghiệp học hành, đánh mất niềm tin, sự kỳ vọng của gia đình, dòng họ, xóm làng và thầy cô bạn bè… Tâm lý bị xáo trộn ghê gớm, nhiều lần nghĩ tôi đã nghĩ đến cái chết nhưng…”.
Tình yêu đã níu kéo Phú. Cô sinh viên cao đẳng kinh tế khi đó giờ là người bạn đời Nguyễn Thanh Trà đã không bỏ Phú những lúc khó khăn. Trà đều đặn lên thăm người yêu, khuyên nhủ Phú cải tạo tốt để sớm về với xã hội.
Trà tốt nghiệp cũng là lúc Phú mãn hạn tù. Khi Trà tới đón người yêu, Phú đã ra trại và bặt tin. Đến một hôm, có người bạn của Phú cho Trà biết anh đang làm lơ xe ở Sài Gòn. Trà mừng lắm, vội vàng “Nam tiến” tìm người yêu khắp các bến xe Sài Gòn và cuối cùng cô đã tìm thấy Phú. Hai người đã ôm chầm lấy nhau, những hàng nước mắt hạnh phúc cứ nối nhau tuôn rơi.
Phú chia sẻ: “Hết hạn tù, tôi cũng trở về quê nhưng mặc cảm tội lỗi, tôi chỉ dám về trong đêm đứng nhìn cha mẹ và các em rồi lặng lẽ ra đi. Tôi rất yêu Trà nhưng sợ em theo tôi sẽ khổ nên cứ lẳng lặng ra đi và mong thời gian có thể làm cô ấy quên tôi và tìm được hạnh phúc mới. Nhưng, khi thấy Trà lặn lội các bến xe ở Sài Gòn tìm tôi, tôi đã tự nhủ sẽ không bao giờ rời xa cô ấy nữa...”.
Sau khi kết hôn, hai vợ chồng Phú trở về quê hương Yên Thành sinh sống bằng nghề làm ruộng. Phú không nề hà làm bất cứ việc gì kể cả phụ hồ, bốc vác đá thuê để kiếm thêm thu nhập. Vùng đất Yên Thành nhiều tre, nứa, luồng nên Trà đã nghĩ đến nghề tăm, hương truyền thống ở quê mình nên khuyên chồng cùng làm.
Để nâng cao chất lượng, Phú khăn gói đi đến làng nghề gốc để học kỹ thuật chẻ, phơi và phết màu. Trở về anh mạnh dạn vay 10 triệu đồng để đầu tư mua máy cắt, chẻ. Lần này sản phẩm làm ra được các cơ sở sản xuất hương trên địa bàn ưa chuộng. Mức tiêu thụ càng ngày càng nhiều nên các cơ sở sản xuất tăm hương tự tìm đến nhà Phú để lấy. Do công việc nhiều nên anh đã thuê người làm và tập huấn kỹ thuật cho bà con xóm làng và trả lương theo sản phẩm cho họ. Dần dần sản phẩm tăm, hương của cơ sở anh chiếm lĩnh thị trường khu vực Bắc miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Hiện nay cơ sở sản xuất tăm hương của người đàn ông 35 tuổi này đã tạo công ăn việc làm cho hơn 700 nhân công trong và ngoài xã.
Theo An ninh thủ đô
Nẻo về của người đàn ông vướng lao lý - VnExpress