Pháp luật

Nạn móc túi hoành hành tại đền chùa dịp cuối năm

Hầu như không ngày nào quét dọn chùa, chị Thoa không nhặt được ví bị kẻ gian vứt vào những ngóc ngách trong ban thờ sau móc sạch tiền. Có tháng chị "thu" tới 30 chiếc.

Những ngày cuối năm Quý Tỵ, chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội) khá đông người đến làm lễ. Các điểm trông giữ xe bên ngoài vỉa hè liên tục mời chào, còn bãi trong chùa luôn trong tình trạng “cháy vé”. Để tránh ùn tắc, chùa đã mở thêm một cổng phụ phía sau nhưng tình trạng xô đẩy, chen lấn giành lối đi vẫn xảy ra.

a-c-7244-1390541413.jpg

Chùa Phúc Khánh những ngày cuối năm luôn tấp nhập. Ảnh Lường Toán

Đang loay hoay sắp lễ trước ban thờ Tam Bảo, chị Hương (24 tuổi) suýt làm đổ khay lễ vì bị xô đẩy từ phía sau. Nghĩ đông người nên vậy, chị không để ý, nhưng đến lúc mở túi lấy tiền đặt lễ, chị hoảng hốt vì chiếc ví đã không cánh mà bay.

Sau khi trình báo với tổ bảo vệ chùa, ghi lại tên tuổi, địa chỉ, chị buồn bã ra về. Trao đổi với VnExpress, chị cho biết chỉ hy vọng kẻ gian lấy hết tiền thì bỏ lại giấy tờ trong ví. “Tiền mất thì đành chịu chứ giấy tờ thì rắc rối lắm”, chị than.

Chị Nguyễn Thị Bích Điệp (30 tuổi) cũng bị thợ “hai ngón” móc ví khi đi lễ. Chị đã đề phòng mất cắp nên chỉ mang để ra túi áo ngoài ít tiền lẻ để đặt lễ. Túi xách chị đeo ra đằng trước, luôn cảnh giác. “Khi mở túi lấy tiền trả vé xe, em mới biết bị móc mất ví. Tiền bên trong không có nhưng chỉ tiếc toàn bộ giấy tờ quan trọng đã không còn”, chị nói.

May mắn cho chị, kẻ gian sau đó đã quẳng ví vào thùng rác. Người quét dọn ở chùa nhìn thấy và đã liên lạc để khổ chủ đến nhận lại

Ông Nguyễn Xuân Phụng (tổ trưởng bảo vệ chùa Phúc Khánh) cho hay tình trạng mất cắp liên tục xảy ra. Kẻ gian lợi dụng lúc người đi lễ đang mải khấn vái hay sắp đồ cúng để rạch túi hoặc mở khóa lấy ví, điện thoại. "Chúng thường hoạt động theo nhóm, từ 2 đến 3 người, khi không may bị nghi ngờ chúng sẽ chuyển tang vật cho đồng bọn nên chúng tôi rất khó phát hiện”, ông Phụng cho biết.

Hiện Ban quản lý đã dán thông báo lưu ý khách lễ chùa về tình trạng trộm cắp, tăng cường lực lượng bảo vệ giám sát tại các lối ra vào, nơi đặt lễ, viết sớ và nhắc nhở trực tiếp.

a-2-2475-1390541413.gif

Các biển cảnh báo được Ban quản lý các chùa dán ở khắp các lối đi. Ảnh: Lường Toán

Chị Phạm Thị Thoa, người làm công quả tại chùa Phúc Khánh đã hơn 10 năm, cho hay kẻ gian chỉ quan tâm đến tiền, khi lấy xong chúng thường vứt lại ví và giấy tờ vào thùng rác hoặc ở các ngóc ngách chỗ vắng người. “Khi quét dọn, tôi thường xuyên nhặt được ví, hầu hết bên trong chỉ còn giấy tờ, nhiều cái chỉ là ví rỗng”, chị nói.

Chị không nhớ nổi đã bao nhiều lần nhặt được ví trả lại cho người bị mất, càng vào dịp Tết số lượng nhặt được càng nhiều có khi lên tới 30 chiếc.

Tại Phủ Tây Hồ, trong những ngày cuối năm, lượng người đổ về đây cầu an không ngớt, chật kín lối đi. Ông Trương Tiến Hồi (Phó ban quản lý) cho biết vào dịp lễ mỗi ngày có hàng nghìn người. Trước tình trạng mất cắp liên tục xảy ra, ban quản lý đã tăng cường thêm lực lượng bảo vệ. Công an phường, quận cũng cử đến.

“Ngoài hệ thống camera, chúng tôi còn liên tục nhắc nhở trên loa để mọi người đề phòng trộm cắp”, ông Hồi cho hay.

Theo một công an quận Tây Hồ làm nhiệm vụ tại Phủ, ngoài lực lượng cố định, công an còn cải trang theo dõi những kẻ tình nghi. Tổng quân số lên tới vài chục người. Anh nhận thấy tài sản bị móc đa phần là ví tiền, điện thoại, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ mang theo túi xách. Trong lúc họ khấn vái, kẻ gian vờ xô đẩy để tạo điều kiện cho đồng bọn móc trộm ví hay rạch túi...

Anh khuyến cáo người dân không nên mang theo nhiều tài sản có giá trị khi đến những nơi đông người. Điện thoại, ví cất cẩn thận, không để hớ hênh. Ở những nơi đặt lễ nếu thấy đông thì nên chờ hoặc tìm chỗ vắng hơn.

Lường Toán

VNExpress

Nạn móc túi hoành hành tại đền chùa dịp cuối năm - VnExpress


© 2021 FAP
  3,650,918       1/1,519