Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhắc nhở cơ quan thi hành án không được nể nang, mỗi chấp hành viên phải có bản lĩnh bởi với mục tiêu cuối cùng là "công lý phải được thực thi".
Ngày 16/6 tại Hà Nội, làm việc với Bộ Tư pháp, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao những công việc bộ này thực hiện trong thời gian qua. Ngành tư pháp được ghi nhận đã chủ động tham mưu giúp Chính phủ, Quốc hội xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật, về cơ bản các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có luật điều chỉnh.
Về thi hành án dân sự, Phó thủ tướng cho rằng Bộ Tư pháp ần có kế hoạch giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc kéo dài, đặc biệt là án tham nhũng hay liên quan tín dụng ngân hàng.
Ông Bình cho rằng trong thi hành án dân sự cần làm rõ bản án nào tuyên chưa rõ ràng để họp liên ngành bàn cách tháo gỡ. Nếu không, việc không thi hành được thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án.
Đề cập đến các lý do chậm thi hành án, Phó thủ tướng cho hay: "Trước đây tôi từng biết ở TP HCM có bản án đã rõ rành rành nhưng không thi hành chỉ vì cú điện thoại, thư tay nào đó".
Ông nhắc nhở, cơ quan thi hành án không được nể nang, mỗi chấp hành viên phải có bản lĩnh, bởi với mục tiêu cuối cùng là "công lý phải được thực thi".
Nguồn: Tổng cục thi hành án dân sự |
Báo cáo với Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long thừa nhận kết quả thi hành án chưa đạt như mong muốn, đặt biệt trong thu hồi tiền tại những vụ án tham nhũng lớn. Chẳng hạn, vụ siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như phải thi hành án tới 14.000 tỷ đồng nhưng giờ mới thu được 40-50 tỷ mà "rất khó khăn".
"Án tham nhũng liên quan đến cơ quan này cơ quan kia, yếu tố này yếu tố kia nên cần phối hợp rất chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Tư pháp với Bộ Công an, TAND, VKSND”, Bộ trưởng Long nói.
Bá Đô
Xem thêm
* Những đại án nghìn tỷ khó thu được tiền bồi hoàn
* Hơn 1.000 tỷ đồng bồi thường từ vụ án Vinashin chưa thể thu hồi
Thi hành án bị cản trở bởi 'thư tay, gọi điện thoại' - VnExpress