Pháp luật

Bộ Tư pháp: Quy định nhập ôtô phải có ủy quyền là trái luật

Quy định "giấy phép con" khi nhập khẩu ôtô của Bộ Công thương bị Bộ Tư pháp nhiều lần nêu ý kiến vì vi phạm một số luật hiện hành nhưng không được tiếp thu.

Ngày 7/7, liên quan việc Bộ Công thương quy định từ ngày 26/6 các đơn vị nhập khẩu ôtô phải có giấy chứng nhận của cơ quan ngoại giao, giấy ủy quyền hoặc hợp đồng đại lý, đại diện Vụ pháp luật dân sự - Kinh tế (Bộ tư pháp) cho rằng hay trong nhiều cuộc họp, Bộ Tư pháp đã chỉ ra những bất hợp lý của quy định này khi vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ.

"Tuy nhiên ban soạn thảo không tiếp thu", vị đại diện Vụ pháp luật dân sự - Kinh tế nói. Quy định này hiện bị cho là sẽ khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh ôtô đứng trước nguy cơ phải đóng cửa.

Tại cuộc họp Chính phủ mới đây, Bộ Tư pháp đã nhắc lại vấn đề này và giữ nguyên quan điểm. Tuy nhiên đến nay Bộ vẫn chưa nhận được Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ Công thương. "Nếu chưa loại bỏ, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục đề cập", đại diện Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế nhấn mạnh.

Ông Trần Tiến Dũng (Thứ trưởng, người phát ngôn Bộ Tư pháp) cho biết 6 tháng qua Bộ đã thẩm định 115 dự thảo và 61 điều ước quốc tế, hoàn thành thẩm định 50 nghị định về đầu tư kinh doanh cùng hàng nghìn văn bản quy phạm khác...

Qua đó, Bộ phát hiện 58 văn bản sai cả về nội dung lẫn thẩm quyền, trong đó có 22 văn bản của bộ và cơ quan ngang bộ; 36 văn bản của địa phương. Hiện, 9 văn bản đã được xử lý, 16 đã có hướng xử lý và 33 văn bản đang xử lý.

"Nhiều văn bản sai sót đến mức không thể chấp nhận được như soạn thảo Nghị định lại viện dẫn theo Thông tư", ông Đồng Ngọc Ba (Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật) nói.

Hiện, Bộ Tư pháp đã thành lập các đoàn công tác liên ngành kiểm tra xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật tại các bộ, ngành, địa phương và đề nghị đình chỉ nhiều văn bản có dấu hiệu trái pháp luật với quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Bá Đô

VNExpress

văn bản, bộ ban ngành, địa phương, pháp luật, thẩm quyền, nội dung, Bộ tư pháp


© 2021 FAP
  2,813,560       1/1,524