Pháp luật

Màn 'xé rào' trong điều hành ngân hàng của ông Phạm Công Danh

Tái cấu trúc ngân hàng đang lỗ mấy nghìn tỷ một năm thành ngân hàng mới bằng chiêu kêu gọi gửi tiền với lãi suất vượt trần, ông Danh còn ký các hợp đồng khống để rút tiền trái phép... gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng.

Chiều 21/7, bước sang ngày làm việc thứ ba TAND TP HCM mới công bố xong bản cáo trạng truy tố ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 đồng phạm.

Là người đầu tiên được xét hỏi, Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên tổng giám đốc VNCB) đồng ý việc bị truy tố về 2 tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, bị cáo cho rằng việc giao dịch với bà Trần Ngọc Bích đã được giải ngân trước đó 5.190 tỷ đồng và giao dịch này không có chữ ký.

Nguyên tổng giám đốc VNCB cho biết, sau khi học chuyên ngành kiến trúc và quản trị kinh doanh tại Đức, đầu năm 2000 ông về Việt Nam làm giám đốc cho một số doanh nghiệp trong nước. Đến năm 2005, làm giám đốc của VPBank. Ông cũng từng làm Tổng thư ký hiệp hội BĐSVN. Đến tháng 2/2013 mới chính thức làm việc tại Ngân hàng Đại Tín (Trust Bank - tiền thân của VNCB).

man-xe-rao-trong-dieu-hanh-ngan-hang-cua-ong-pham-cong-danh

Quá trình xét xử, sức khỏe ông Danh không được tốt nên được bố trí đội ngũ y, bác sĩ chăm sóc. Ảnh: X. D. 

Mai khai quen ông Danh cuối 2011, được ông mời viết đề án tái cơ cấu Ngân hàng Đại Tín. Danh đề xuất ý tưởng liên kết các tổ chức xây dựng thành lập một ngân hàng chuyên ngành hỗ trợ cho lĩnh vực bất động sản. Để viết đề án này, Mai mất một năm, đến tháng 5/2013 mới hoàn chỉnh.  

Ông Danh cho Mai biết rõ tình hình tài chính của Ngân hàng Đại Tín lúc này lỗ lũy kế khoảng 8.000 tỷ đồng, vốn khoảng 2.000 tỷ. Số dư nợ khoảng 11.000 tỷ trong đó 95% không có khả năng thu hồi. Mỗi năm ngân hàng lỗ khoảng 2.000 đến 2.500 tỷ. Từ đó Mai gợi ý với ông Danh xây dựng sàn giao dịch vật liệu xây dựng, liên kết 4 nhà đầu tư, ngân hàng. Nâng số vốn đầu tư ban đầu, cộng thêm sử dụng nhóm cổ đông của Thiên Thanh để duy trì hoạt động và tái cơ cấu Đại Tín.

"Bị cáo chỉ viết đề án, không tham gia vào các khoản tài chính. Ông Danh trả cho bị cáo khoảng 3,2 tỷ đồng tiền công ", Mai khai và cho biết "rất sốc khi bắt tay vào tái cơ cấu Đại Tín là một ngân hàng 0 đồng".

Để thu hút khách hàng, ông Danh và Mai đã nâng lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bị cáo Mai cho rằng đây là tình trạng chung của một số ngân hàng yếu kém tại thời điểm đó. Từ 8% lãi theo quy định, Đại Tín thỏa thuận với khách là trên 13% một năm. Khoản phí chăm sóc khách hàng được trả ngay khi gửi tiền và không cần có giấy tờ. Với cách thức này Đại Tín đã thu hút được vốn và có sự tăng trưởng hàng quý là 5%.

Toà hỏi vì sao biết rõ ông Danh không đủ khả năng chi trả, nắm rõ tài chính của Đại Tín... nhưng Mai vẫn hợp tác, và bắt đầu từ việc rút hơn 63 tỷ đồng của VNCB thông qua việc nâng cấp hệ thống Corebanking để lấy tiền chăm sóc khách hàng? Bị cáo Mai trả lời, khi mới về Đại Tín thì ngân hàng này chưa đặt vào tình trạng kiểm soạt đặc biệt.

Theo Mai, ngoài việc nâng lãi suất để thu hút khách hàng, ông Danh đã bỏ tiền túi để tiếp tục duy trì hoạt động của ngân hàng. Ông Danh yêu cầu tìm giải pháp đưa Đại Tín thoát khỏi tình trạng ngân hàng "0 đồng" nên Mai dùng giải pháp nâng cấp hệ thống Corebanking. Với cách này, nhóm của Danh đã che mắt được ban kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước được 2 tuần thì bị phát hiện. Mai và một số cấp dưới khuyên ông Danh dừng lại vì tiền chi chăm sóc khách hàng quá lớn.

"Tôi tiếc cho bị cáo vì được đào tạo bài bản ở nước ngoài với trình độ quản lý tầm cấp quốc gia, nhưng khi tham gia tái cấu trúc một ngân hàng 0 đồng phải thực hiện những hành vi trái pháp luật", chủ toạ nói và tiếp tục thẩm vấn Mai về việc chủ trương phát hành trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh.

man-xe-rao-trong-dieu-hanh-ngan-hang-cua-ong-pham-cong-danh-1

Bị cáo Mai là người đầu tiên được mời lên thẩm vấn. Ảnh: H. D.

Đối với việc ủy thác đầu tư cho 3 công ty của Quỹ Lộc Việt 900 tỷ mua 900 trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh, Mai nói do bị áp lực chăm sóc khách hàng, các khoản nợ xấu (trong đó nợ xấu của nhóm Phú Mỹ mỗi ngày lỗ 5-6 tỷ đồng) nên phải tìm ra các giải pháp để ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Việc dùng tiền của VNCB mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh là nhằm mục đích cuối cùng tiền phải trở về VNCB. Mai thừa nhận là người chỉ đạo chuyên môn, đưa ra các biện pháp chứ không trực tiếp thực hiện. 

Tương tự, các đồng phạm khác với ông Danh như Mai Hữu Khương (nguyên giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Nguyễn Quốc Viễn (nguyên trưởng ban kiểm soát VNCB), Hoàng Đình Quyết (nguyên phó giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn), Phan Minh Tùng (phụ trách tổ tài chính Tập đoàn Thiên Thanh)... đều thừa nhận thực hiện các hành vi sai phạm theo chỉ đạo của ông Danh.  

Là người cuối cùng được hỏi, bị cáo Trần Văn Bình (50 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Trung Dung) - bị cáo buộc về hành vi ký khống hợp đồng thuê mặt bằng với Ngân hàng Xây dựng giúp Danh rút hơn 400 tỷ đồng - vốn là tài xế cho các sếp Tập đoàn Thiên Thanh từ năm 2009. Bị cáo mới học hết lớp 7 nhưng sau này được ông Danh và lãnh đạo tập đoàn nhờ làm Giám đốc công ty Trung Dung.

Bị cáo nói rằng không biết vì sao mình được làm giám đốc, không biết những hoạt động cơ bản của công ty, chỉ làm theo chỉ đạo của sếp. Đến cuối năm 2012, ông mới hay mình làm tới chức Tổng giám đốc. "Bị cáo cũng không biết việc thuê mặt bằng mà bộ phận kế toán tài chính đưa cho ký. Bị cáo chỉ nhận và ký theo cấp trên, cũng không biết trong tài khoản của công ty do mình đứng tên có hơn 403 tỷ và sau này còn 201 tỷ", ông Bình khai và khẳng định không biết mình đã ký vào các lệnh chuyển tiền và hợp đồng nào.

Theo kết quả điều tra, Công ty Trung Dung là một trong số hàng chục công ty do Danh lập ra rồi thuê người làm giám đốc nhưng không hoạt động kinh doanh. Chủ yếu để cựu Chủ tịch VNCB sử dụng các pháp nhân hoạt động trái phép. 

Trong phạm vi vụ án này, ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc trong quá trình tham gia tái cấu trúc Ngân hàng Xây dựng đã thực hiện hàng loạt sai phạm gây thiệt hại số tiền 9.000 tỷ đồng. Ngoài ra, hành vi sai phạm của ông và các đồng phạm còn bị tách ra để xử lý trong một vụ án khác. 

Dự kiến phiên toà kéo dài trong một tháng. 

Hải Duyên 

VNExpress

Phạm Công Danh, Ngân hàng Xây dựng, cố ý làm trái, thiệt hại 9.000 tỷ đồng, đại án, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả


© 2021 FAP
  2,810,872       1/1,512