Pháp luật

Lần chiếm đoạt 5.490 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh

Bằng 124 sổ tiết kiệm của khách hàng, ông Danh chỉ đạo mang cầm cố cho chính ngân hàng của mình vay gần 5.500 tỷ đồng rồi chuyển lòng vòng cho nhiều người.

Ngày 27/7, phiên xử ông Phạm Công Danh (51 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tiếp tục với phần xét hỏi.

Do một số người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án không có mặt tại tòa thường xuyên, những ngày qua HĐXX và VKS mất khá nhiều thời gian để quay lại xét hỏi các lãnh đạo của VNCB cũng như những người liên quan nhằm làm rõ việc rút 5.490 tỷ đồng ra khỏi VNCB dẫn đến thất thoát.

Kết quả điều tra xác định, trong ngày 21/8/2013, bà Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát) thay mặt nhóm cá nhân gồm 9 người thân, nhân viên Tập đoàn Tân Hiệp Phát (gọi là nhóm Trần Ngọc Bích) cầm cố 124 sổ tiết kiệm vay 3.100 tỷ đồng của VNCB. Hồ sơ vay được thực hiện đúng thủ tục với đầy đủ các chữ ký của 9 cá nhân.

Sau khi tiền chuyển vào tài khoản của bà Bích, ông Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết làm thủ tục chuyển hết vào tài khoản của mình. Việc chuyển tiền này không có chữ ký của bà Bích.

Trong ngày, ông Danh chuyển vào tài khoản của ông Trần Quý Thanh (bố bà Bích) số tiền hơn 3.160 tỷ đồng (trong đó 60 tỷ được cho là trả lãi) để trả cho khoản vay 3.100 tỷ đồng ông Danh đã vay của nhóm bà Bích ngày 21/6/2013.

Cũng với hình thức tương tự, ngày 26/8/2013, nhóm bà Bích làm thủ tục vay của VNCB 2.090 tỷ đồng thông qua việc thế chấp sổ tiết kiệm. Số tiền này sau đó được ông Danh chỉ đạo chuyển từ tài khoản của Bích sang 2 tài khoản của cấp dưới, tiếp đó chuyển cho ông Thanh (bố bà Bích) để trả các khoản vay trước đó giữa ông Danh và nhóm Trần Ngọc Bích.

Ngoài ra, trong ngày 20-21/12/2013, ông Danh chỉ đạo Mai Hữu Khương – Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn - sử dụng 6 sổ tiết kiệm của nhóm Trần Ngọc Bích vay 300 tỷ đồng của VNCB nhưng không có hồ sơ chứng từ.

lan-chiem-doat-5490-ty-dong-cua-ong-pham-cong-danh

Vụ đại án thất thoát 9.000 tỷ được xét xử trong một tháng. Ảnh: X.D. 

Trả lời thẩm vấn của HĐXX về việc có hay không biết số tiền này được chuyển từ tài khoản của mình sang tài khoản của ông Danh, bà Bích khẳng định "hoàn toàn không biết mà do VNCB tự ý chuyển". Chỉ đến khi cơ quan điều tra mời lên làm việc (sau khi vụ án được khởi tố), bà mới biết số tiền trong tài khoản của mình bị ông Danh chỉ đạo cấp dưới làm thủ tục chuyển đi.

Tuy nhiên, được gọi lên thẩm vấn ngay sau đó, bị cáo Hoàng Đình Quyết khẳng định, việc chuyển tiền này đã được sự đồng ý của bà Bích và bà đã thỏa thuận với ông Danh trước đó. Do bà Bích là khách hàng VIP nên được ngân hàng ưu tiên trong các giao dịch, tiền thường được chuyển đi trước sau đó với hoàn thành thủ tục giấy tờ. Ông Quyết cho rằng, hồ sơ chuyển tiền đi đã được đưa cho Bích nhưng bà cố tình không cung cấp hồ sơ này.

Trả lời VKS, bà Bích cho biết, bắt đầu gửi tiền tại VNCB từ tháng 6/2012 (lúc đó là Ngân hàng Đại Tín) với lãi xuất 9-10% mỗi năm. Đến tháng 12/2012 do có nhu cầu đầu tư nên đã cầm cố các sổ tiết kiệm vay lại với lãi cao hơn 0,5% một năm. Mục đích vay 3.100 tỷ đồng năm 2013 là để “làm kinh tế gia đình”. "Lúc đó tôi và các cộng sự hợp tác dự án đầu tư nhà máy, tất cả đều thỏa thuận miệng, lúc nào đi vào hoạt động thì mới có chuyện phân chia lợi nhuận", Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát nói.

"Làm kinh tế gì mà vay hơn 3.000 tỷ đồng để đó không sử dụng, vài ngày sau lại vay thêm 2.090 tỷ để trong tài khoản. Đến năm 2014 cơ quan điều tra mời lên mới biết tiền trong tài khoản bị ông Danh chỉ đạo chuyển đi?", VKS truy vấn. Bà Bích cho rằng, do hoạt động kinh doanh của gia đình cần phải có nguồn vốn lưu động để dễ lấy ra sử dụng.

Bị cáo Quyết khai, thực chất việc bà Bích vay tiền là để lấy các khoản vay sau trả cho khoản vay trước, và chuyển cho ông Danh vay lại. Giám đốc Tân Hiệp Phát phủ nhận điều này, cho rằng đến tháng 8/2013 nhóm bà còn hơn 6.000 tỷ đồng gửi tại VNCB. Nếu muốn trả các khoản vay trước đó thì bà sẽ sử dụng các sổ tiết kiệm đang gửi tại đây để tất toán rồi mới vay tiếp, chứ không phải cầm cố sổ tiết kiệm để vay mới trả nợ cũ.

VKS sau đó truy vấn bà Bích vì sao không sử dụng số tiền đang gửi trong tài khoản tại VNCB mà lại đem sổ tiết kiệm đi cầm cố vay tổng cộng 5.190 tỷ đồng cho hai hợp đồng.

Bà Bích bảo, nguồn vốn sử dụng là vốn lưu động, nếu đem gửi không kỳ hạn thì lãi suất chỉ 1%/năm, còn khi gửi có kỳ hạn là hơn 10%. Nếu đem cầm cố vay so với lãi suất gửi vào cao hơn chỉ 0,5% thì bà vẫn có lợi. Tiền gửi lại ngân hàng là tiền của ông Thanh, bà chỉ là người trực tiếp quản lý dòng tiền. Vì vậy tiền phải nằm trong sổ tiết kiệm bằng việc gửi dài hạn và vay ngắn hạn.

Được thẩm vấn liên quan đến khoản vay 300 tỷ đồng thông qua việc cầm số 6 sổ tiết kiệm của nhóm bà Bích nhưng không có hồ sơ, bị cáo Mai Hữu Khương trả lời VKS rằng, thực tế khoản vay đã được Công ty Tân Hiệp Phát đề nghị vay vốn. Điều này còn thể hiện trong bản fax gửi qua cho VNCB ngày 10/2/2014. Tuy nhiên, bà Bích phủ nhận việc này.

Liên quan việc dòng tiền chuyển lòng vòng từ VNCB sang tài khoản của bà Bích rồi chuyển sang tài khoản của ông Phạm Công Danh và sau đó được Chủ tịch Danh chuyển vào tài khoản của bố bà Bích vẫn đang được HĐXX tiếp tục thẩm vấn.

Theo nội dung vụ án, trong quá trình tham gia tái cơ cấu VNCB, ông Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện hàng loạt sai phạm gây thiệt hại 9.000 tỷ đồng. Vụ việc được đưa ra xét từ ngày 19/7 và dự kiến kéo dài một tháng. Ngoài ra, hành vi sai phạm của ông Danh và các đồng phạm còn bị tách ra để xử lý trong một vụ án khác.

Hải Duyên 

VNExpress

Phạm Công Danh, ngân hàng xây dựng, đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng, cố ý làm trái


© 2021 FAP
  2,806,018       3/1,470