Pháp luật

Tòa án xin lỗi cụ ông mang thân phận tử tù hơn 40 năm

“Mong ông Thêm thông cảm và chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng đã làm oan cho ông", Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tuân nói sáng nay với ông Trần Văn Thêm.

Sáng nay tại hội trường trung tâm huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, đại diện TAND Cấp cao tại Hà Nội, VKSND Cấp cao tại Hà Nội, Bộ Công an đã tổ chức xin lỗi ông Trần Văn Thêm, người mang thân phận tử tù suốt hơn 40 năm, và công bố quyết định đình chỉ bị can.

Từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã đổ về hội trường. Được con cháu dìu vào, ông Thêm bảo mong mỏi ngày này từ rất lâu, rồi rưng rưng khóc nhớ người vợ quá cố đã đồng cam cộng khổ đằng đẵng đi kêu oan với mình.

toa-an-xin-loi-cu-ong-mang-than-phan-tu-tu-suot-hon-40-nam

Ông Thêm nhận quyết định đình chỉ điều tra bị can.

Công bố nội dung vụ án, đại diện Bộ Công an cho hay năm 1970 ông Thêm bị cáo buộc sát hại ông Nguyễn Khắc Văn tại huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (cũ). Sau hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, ông Thêm bị tuyên phạt tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản. Ngày 26/1/1976, ông Thêm được trả tự do vì cơ quan điều tra xác định được thủ phạm của vụ án. Trước đó, hai bản án kết tội đã được Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao tuyên hủy để điều tra lại từ đầu.

Với thủ phạm sát hại ông Nguyễn Khắc Văn, do bối cảnh đất nước sau chiến tranh nên nhà chức trách chưa đưa ra xét xử. Đầu những năm 1980 nghi phạm đã chết. Bộ Công an cho rằng đây là "lý do vụ án bị kéo dài đến nay và ông Thêm chưa được cơ quan có thẩm quyền nào xác định vô tội". Từ tháng 4/2015, vụ án của ông Thêm được lật lại.

Sau khi thiếu tướng Vũ Quang Hưng (Phó thủ trưởng cơ quan điều tra, Bộ Công an) đọc quyết định đình chỉ điều tra với ông Thêm, Phó Chánh án TAND Tối cao Trần Văn Tuân thay mặt cơ quan tố tụng nói lời xin lỗi.

Ông Hưng nhận đây là lỗi của các cơ quan tiến hành tố tụng, trực tiếp điều tra, truy tố, xét xử sơ và phúc thẩm vụ án vào giai đoạn năm 1970. "Đây là bài học đắt giá. TAND Cấp cao tại Hà Nội chân thành xin lỗi ông và xin rút kinh nghiệm", ông Hưng nói và mong "ông Thêm thông cảm, chấp nhận".

Đáp lời, ông Thêm ghi nhận việc xin lỗi và "xin bà con làng xã quê hương và gia đình ông Văn thông cảm nỗi oan ức hàng chục năm qua". Ông mong tình cảm hai gia đình lại gắn kết như xưa.


 

Luật sư Kiều Anh Vũ cho rằng vụ án liên quan ông Thêm xảy ra vào giai đoạn năm 1970-1976 khi các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện. Đến năm 1985, nhà nước mới ban hành Bộ luật Hình sự đầu tiên với thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng chỉ 15 năm. "Rất khó có căn cứ pháp lý phù hợp để xử lý sai phạm của những người gây oan sai (nếu có) và đến nay thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự cũng không còn", luật sư Vũ nêu quan điểm.

Theo luật sư, dù thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết nhưng trách nhiệm bồi thường oan sai của những người liên quan vẫn được thực thi theo Luật Trách nhiệm bồi thường nhà nước.

Vụ án của ông Thêm đã được xét xử qua phúc thẩm nên tòa án cấp phúc thẩm (TAND tỉnh Vĩnh Phú cũ) là cơ quan cuối cùng gây oan sai và phải bồi thường thiệt hại. 

Tỉnh Vĩnh Phú giờ không còn, song theo điểm a khoản 2 Điều 14 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, khi cơ quan quản lý người thi hành công vụ đã được chia tách, sáp nhập, hợp nhất hoặc bị giải thể thì cơ quan kế thừa chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó là cơ quan có trách nhiệm bồi thường. 

Thiệt hại được bồi thường gồm tất cả các thiệt hại đã xảy ra như: thu nhập bị mất hoặc giảm sút, tổn hại sức khỏe, thậm chí là tiền đã bỏ ra để thực hiện kêu oan…

Hoàng Việt - Phan Xâm

Xem thêm

>> Ông Nguyễn Thanh Chấn 10 năm đi tù oan, mang tội giết thiếu phụ

VNExpress

Xin lỗi, công khai, cụ ông, thân phận tử tù, toà án, đình chỉ, bị can


© 2021 FAP
  2,792,024       1/875