Pháp luật

Ông Phạm Công Danh bị đề nghị 30 năm tù

Nhận định hành vi gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của ông Phạm Công Danh là đặc biệt nghiêm trọng, gây mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng đến nền kinh tế… VKS đề nghị tuyên phạt khung hình phạt cao nhất của hai tội danh.

Ngày 16/8, phiên xử Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng VNCB, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Thanh) và 35 đồng phạm về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng bước sang tuần làm việc thứ 5.

Trước khi bước sang phần tranh luận, đại diện VKS phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Danh mức án 20 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 20 năm về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Tổng hợp hình phạt, ông Danh bị đề nghị tối đa 30 năm tù.

ong-pham-cong-danh-bi-de-nghi-30-nam-tu

Ông Danh bị đề nghị tổng cộng 30 năm tù. Ảnh: Hải Duyên. 

Cũng bị cáo buộc về hai tội danh trên, VKS đề nghị tuyên phạt Phan Thành Mai (45 tuổi, nguyên tổng giám đốc VNCB) mức án 24-26 năm tù, Mai Hữu Khương (33 tuổi, nguyên Giám đốc VNCB Chi nhánh Sài Gòn) từ 22-24 năm tù, Hoàng Đình Quyết (33 tuổi, nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB Chi nhánh Lâm Giang) mức án 20-22 năm tù. 32 bị cáo còn lại bị đề nghị mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 16 năm tù. 

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị buộc ông Danh, Tập đoàn Thiên thanh và 12 công ty của ông Danh đã vay tiền của VNCB phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho ngân hàng xây dựng. Thu hồi thu số tiền 5.190 tỷ cho nhóm Trần Ngọc Bích (giám đốc điều hành Tân Hiệp Phát) vay cùng 124 số tiết kiệm cho VNCB và 500 tỷ mà ông Danh đã dùng tiền của VNCB để trả nợ cho bà Bích. Tịch thu 851 tỷ đồng từ bà Hứa Thị Phấn, 3 tỷ đồng từ ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Quỹ Lộc Việt)… là tiền mà ông Danh rút từ VNCB chuyển cho những người này.

Liên quan đến vụ án, căn cứ vào hồ sơ và kết quả thẩm vấn tại tòa, VKS kiến nghị HĐXX khởi tố ngay tại tòa, điều tra xử lý đối với một số cá nhân có hành vi phạm tội. Trong đó, VKS kiến nghị khởi tố đối với Nguyễn Việt Hà, người đã ký hợp đồng nhận ủy thác đầu tư với VNCB để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh. Trong khi Tập đoàn Thiên Thanh không được phép phát hành trái phiếu nhưng ông Hà vẫn thông qua Phan Thành Mai giúp ông Danh rút tiền từ VNCB ra gây thất thoát 903 tỷ đồng.

Đối với Phạm Thùy Trang (còn gọi là Trang phố núi) là người giúp ông Danh huy động tiền từ các khách hàng lớn về VNCB, trong đó có Trần Ngọc Bích. Tại tòa bà Bích cũng chỉ thừa nhận giao dịch với Trang và người này tự giới thiệu là phó giám đốc VNCB. Trang cũng là người giới thiệu cho ông Danh ký hợp đồng nâng cấp khống Corebanking của VNCB để rút 63 tỷ đồng. Do đó, cần khởi tố hành vi Cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng đối với Trang.

Đối với nhóm Phú Mỹ, do bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín – Trustbank) làm đại diện đã bán lại ngân hàng này cho Phạm Công Danh trong tình trạng vốn chủ sở hữu bị âm hơn 2.800 tỷ đồng. Đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do bà Phấn đại diện và một số người quản lý gây ra trong thời gian điều hành ngân hàng Đại Tín.

Trong quá trình kiểm sát việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm liên quan đến hành vi của nhóm Phú Mỹ, VKS phát hiện có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về cho vay trong việc sử dụng 29 cá nhân đứng ra vay tiền của VNCB bằng hợp đồng thế chấp hoặc không thế chấp tài sản để lấy tiền góp vốn vào ngân hàng, mua bán nhà vòng vòng không nộp thuế cho nhà nước… nên đề nghị HĐXX khởi tố vụ án tại tòa để điều tra, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong nhóm này.

VKS cũng đề nghị khởi tố đối với một số cá nhân thuộc Hội đồng tín dụng của VNCB vì có hành vi ký các giấy tờ giúp ông Danh phạm tội. Một số hành vi sai phạm của cá nhân giúp ông Danh tham gia quá trình tái cơ cấu VNCB cũng được tách ra để xử lý sau.

Theo VKS, đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất từ trước đến nay. Tại tòa, một số bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên căn cứ vào hồ sơ vụ án và lời khai có đủ căn cứ cho thấy ông Danh và các đồng phạm đã thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Trong vụ án này, ông Danh là người ra chủ trương và chỉ đạo cho các nhân viên dưới quyền cùng những người làm thuê tại Thiên Thanh trong thời gian dài với thủ đoạn tinh vi rút tiền của VNCB bằng các hình thức ký hợp đồng khống, cho vay không đúng quy định, ủy thác đầu tư rút trái phép và gây thiệt hại hơn 9.100 tỷ đồng.

Hành vi của các bị cáo vi phạm đến hoạt động kế toán, tài chính ngân hàng, gây mất niềm tin của khách hàng và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của nền kinh tế.

Ông Danh và gia đình có công với cách mạng, mua lại Ngân hàng Đại Tín khi ngân hàng thua lỗ không có khả năng thanh khoản... Tuy nhiên, số tiền thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải áp dụng khung hình phạt cao nhất.

Các bị cáo Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương… đã giúp sức tích cực cho ông Danh rút tiền. Tuy nhiên, bản thân những người này nhân thân tốt, gia đình có công với cách mạng nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt. Những người còn lại đều là nhân viên tập đoàn Thiên Thanh, học thức không cao, một số người là nhân viên rửa xe, bảo vệ… nhận thức có phần hạn chế, thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải do đó cần xem xét giảm nhẹ đáng kể hình phạt. 

Hải Duyên 

VNExpress

ông Phạm Công Danh, đại án thất thoát 9.000 tỷ đồng, 30 năm tù


© 2021 FAP
  2,788,637       3/868