Bà Hứa Thị Phấn cùng một số người bị TAND TP HCM cho là có nhiều sai phạm, gây thiệt hại cho Ngân hàng Đại Tín (Trustbank - tiền thân của VNCB) trước khi giao cho ông Phạm Công Danh tiếp quản.
Chiều 9/9, sau khi tuyên án ông Phạm Công Danh (52 tuổi, cựu Chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam – VNCB) và đồng phạm vì làm thất thoát 9.000 tỷ đồng, TAND TP HCM công bố quyết định khởi tố vụ án, điều tra trách nhiệm của bà Hứa Thị Phấn (cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín).
HĐXX cho rằng bà Phấn có nhiều hành vi sai phạm dẫn đến nhà băng này bị âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.600 tỷ. Trước khi bị cáo Danh tiếp quản ngân hàng, bà Phấn được cho đã sử dụng 29 cá nhân vay tiền có thế chấp hoặc không thế chấp để lấy tiền Ngân hàng Đại Tín mà mình có vốn cổ phần.
Toà cũng công bố quyết định khởi tố vụ án về những sai phạm của Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín, thời điểm trước khi chuyển giao cho ông Danh. Theo HĐXX, Hội đồng tín dụng trước đây gồm ông Hoàng Văn Toàn và các thành viên đã cấp tín dụng cho vay trái quy định gây thất thoát hơn 600 tỷ đồng thông qua hai hồ sơ của Công ty Đại Hoàng Phương và Công ty Thịnh Quốc.
Bà Hứa Thị Phấn. Ảnh: Q. T. |
Cùng bị cho là có dấu hiệu phạm tội, toà khởi tố vụ án liên quan đến hành vi củaPhạm Thị Trang (Trang Phố Núi). Người đàn bà này giúp sức tích cực cho ông Danh vay tiền của nhóm Trần Ngọc Bích (Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát). Trình bày với toà trong quá trình xét xử ông Danh, bà Bích cũng thừa nhận các giao dịch vay mượn đều thực hiện với bà Trang.
Trang còn được cho là giúp ông Danh làm hồ sơ nâng cấp hệ thống Corebanking để rút ruột 63 tỷ đồng. Toà cho hành vi này có dấu hiệu hình sự.
Ngoài ra, liên quan đến vụ án, HĐXX cũng kiến nghị Bộ Công an, VKSND Tối cao điều tra sai phạm của một loạt cá nhân, trong đó có ông Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc Công ty Quỹ Lộc Việt).
Dù trước đó VKS đã rút kiến nghị khởi tố vụ án đối với ông Hà nhưng HĐXX cho ông này biết việc ông Danh vừa là Chủ tịch hội đồng VNCB và Chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh, biết tập đoàn này không có điều kiện phát hành trái phiếu nhưng vẫn giúp ông Danh rút 900 tỷ đồng của VNCB - thông quan việc nhận ủy thác đầu tư mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh.
Ông Hà Văn Thắm - cựu Chủ tịch Ngân hàng Đại Dương cũng bị kiến nghị điều tra hành vi nhận 500 tỷ đồng của ông Danh lúc giúp mua lại Ngân hàng Đại Tín.
Tổ giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng bị cho là có sai phạm, bởi biết ông Danh và Phan Thành Mai không đủ tiêu chuẩn làm Chủ tịch và Tổng giám đốc VNCB nhưng tham mưu cho các bị cáo tái cơ cấu ngân hàng, gây thiệt hại nghiêm trọng.
HĐXX cũng kiến nghị điều tra làm rõ việc Ngân hàng BIDV cho các công ty con của ông Danh vay tiền không đúng quy định. Một loạt các cá nhân khác có dấu hiệu sai phạm cũng bị kiến nghị điều tra, làm rõ.
Đại án Phạm Công Danh và đồng phạm là vụ án kinh tế gây thiệt hại lớn nhất từ trước đến nay. Ông Danh tiếp quản ngân hàng Đại Tín khi nó thua lỗ nghiêm trọng nhưng HĐXX không xem đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm bởi ông Danh "hoàn toàn biết khả năng tài chính của mình không đủ để tham gia tái cơ cấu ngân hàng".
Hải Duyên
khởi tố tại tòa, kiến nghị khởi tố, đại án 9.000 tỷ đồng, cố ý làm trái, Ngân hàng xây dựng, Ngân hàng Đại Tín