Bị cáo buộc lừa đảo hàng trăm tỷ đồng, giám đốc doanh nghiệp ở miền Tây còn bị phát hiện sở hữu nhiều vật dụng của ngành công an, trong đó có cặp quân hàm trung tướng.
Ngày 14/10, đại tá Bùi Trọng Thế - Phó giám đốc Công an TP Cần Thơ - chủ trì họp báo thông tin tiếp theo vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Cần Thơ.
Động thái này nhằm chỉ rõ những cơ sở pháp lý của việc khởi tố, bắt tạm giam Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (34 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông thủy sản Tây Nam) và và Phạm Tường Thi (Giám đốc Công ty TNHH Tân Tiến) hồi giữa tháng 6, sau khi có thông tin Công an Cần Thơ hình sự hóa vụ án kinh tế.
Theo Công an Cần Thơ, các bước tố tụng được tiến hành sau khi công ty của Nhân phát sinh nợ xấu tại ngân hàng, không còn khả năng thực hiện dự án. Trong số 258 tỷ đồng đã giải ngân cho Nhân có đến gần 200 tỷ đồng nằm trong diện sai phạm; dùng vào mục đích gửi ngược lại ngân hàng để chiếm đoạt lãi suất; mua bất động sản và chi xài cá nhân.
Khám xét nơi ở và làm việc của Nhân, ngoài nhiều tài liệu, chứng cứ trực tiếp, cơ quan an ninh điều tra còn thu giữ bộ cảnh phục an ninh nhân dân, hai cặp cành tùng cấp tá, tướng; hai cặp quân hàm trung tá và trung tướng... Nguồn gốc của các đồ vật này cũng như mục đích sử dụng đang được xác minh.
Khi nhà chức trách công bố lệnh bắt, Nhân cho rằng mình bị bắt oan, thậm chí xé biên bản trao quyết định khởi tố và lệnh bắt tạm giam.
Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân cùng dự án "đóng băng" của mình. Ảnh: Cửu Long |
Cơ quan điều tra khẳng định, Công ty Tây Nam không phải là đối tượng được vay hưởng ưu đãi lãi suất 0% theo Quyết định 63 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Các công ty cung cấp thiết bị chưa ký hợp đồng với chủ đầu tư. Trong khi đó chủ đầu tư là Công ty Tây Nam và đơn vị thi công là Công ty Tân Tiến thực chất chỉ là một, do Nhân chỉ đạo lập ra và nhờ bạn học Phạm Tường Thi đứng tên.
Nhân còn bị cho là thành lập 7 công ty con khác, thuê người làm giám đốc và chỉ đạo nâng khống tài sản để thế chấp để vay tiền ngân hàng chuyển cho Nhân chiếm đoạt.
Theo đại tá Bùi Trọng Thế, hiện số tiền sai phạm mà cơ quan điều tra chứng minh được rất lớn chứ không dừng lại ở 258 tỷ đồng đã được giải ngân và số tiền lãi trên 100 tỷ đồng, liên quan đến nhiều cá nhân. Do sai phạm lớn, tình tiết phức tạp nên vụ án được gia hạn thời gian điều tra và tạm giam các bị can.
Cơ quan điều tra cáo buộc, năm 2012, Công ty Tây Nam làm hồ sơ vay gói tín dụng ưu đãi (lãi suất hai năm đầu 0% và năm thứ 3 trở đi được ưu đãi 50% mỗi năm). Nhân dùng siêu thị Citimart ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, thế chấp và được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Chi nhánh Cần Thơ cho vay 289 tỷ đồng (đã giải ngân gần 258 tỷ đồng).
Số tiền này được giải ngân cho Công ty Tân Tiến do ông Phạm Tường Thi làm đại diện. Đây là một trong những đơn vị liên doanh với Công ty Tây Nam.
Có tiền, Công ty Tân Tiến gửi ngược 190 tỷ đồng cho chính ngân hàng này để hưởng lãi suất chênh lệch, chiếm đoạt hơn 60 tỷ đồng. Sau khi phát hiện sai phạm, Ngân hàng đã tổ chức thu hồi lại số tiền trên, đồng thời chuyển gói vay ưu đãi lãi suất 0% sang gói vay thương mại để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên đến nay ông Nhân chỉ mới "khắc phục" được 2 tỷ đồng.
Cửu Long
Giám đốc, lừa đảo, 'sở hữu', cặp quân hàm, trung tướng, công an