Nhận thấy việc đình chỉ bị can đối với hai nông dân ở Bình Thuận tội Nhận hối lộ chưa hợp lý, VKSND Tối cao đã chỉ đạo điều tra lại.
Ngày 15/11, đại tá Nguyễn Văn Nhiều - Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã thu hồi quyết định đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Thành Nam và Nguyễn Thanh Tuấn (cùng ở thôn Lò To, xã Hàm Cần); đồng thời phục hồi điều tra hai người này về tội Nhận hối lộ.
"Động thái này được đưa ra sau khi Viện kiểm sát Tối cao yêu cầu hủy quyết định đình chỉ bị can vì không hợp lý để điều tra đúng trình tự, quy định của pháp luật", đại tá Nhiều nói.
Trao đổi với VnExpress, ông Nam và ông Tuấn đều rất bất ngờ với quyết định của cơ quan điều tra. "Hôm qua, công an mời chúng tôi lên để hủy quyết định đình chỉ bị can, phục hồi điều tra mà không giải thích rõ ràng. Hiện tại chúng tôi cũng không biết làm sao, nhưng vẫn tin rằng mình bị oan", ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn (trái) và Nguyễn Thành Nambất ngờ khi nhận được quyết định phục hồi điều tra tội Nhận hối lộ của Công an huyện Hàm Thuận Nam. Ảnh: Phước Tuấn. |
Theo hồ sơ, tháng 4/2011, ông Nguyễn Thành Nam (45 tuổi, Trưởng thôn Lò To, xã Hàm Cần) cùng ông Nguyễn Thanh Tuấn (33 tuổi, Công an thôn) được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Hàm Thuận Nam hợp đồng làm trưởng và phó tổ tiết kiệm vay vốn do Hội Nông dân xã Hàm Cần quản lý. Trong quá trình hoạt động, cơ quan chức năng nhận được đơn tố cáo của người dân về việc phải đưa tiền cho hai cán bộ thôn này mới được vay vốn.
Sau nhiều lần bị mời lên làm việc, tháng 3/2015, ông Tuấn bị Công an huyện Hàm Thuận Nam bắt giữ về hành vi Nhận hối lộ, với số tiền 12,8 triệu đồng của 12 người. Ông Nam được cho đã nhận của tổ phó hơn một triệu đồng và từng "gợi ý" người dân bồi dưỡng tiền xăng xe, card điện thoại cho ông Tuấn trong cuộc họp nên cũng bị cáo buộc đồng phạm.
Tháng 8/2015, tòa sơ thẩm nhận định hai bị cáo đã cố ý vi phạm, làm ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của Ngân hàng Chính sách và chủ trương chính sách của Nhà nước trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo. Số tiền nhận hối lộ chiếm tỷ lệ khá cao so với khoản vay (2-8%). Với các tình tiết tăng nặng như: "phạm tội nhiều lần", "đòi hối lộ và tiền hối lộ trên mười triệu đồng", HĐXX tuyên phạt ông Tuấn 8 năm và ông Nam 7 năm tù giam.
Cho rằng số tiền mình nhận là người dân tự nguyện bồi dưỡng, chứ không hề ép buộc hay "gợi ý" như VKS cáo buộc, ông Nam và ông Tuấn đã kháng cáo. Tháng 12/2015, tòa phúc thẩm nhận thấy hồ sơ vụ án có nhiều thiếu sót, mâu thuẫn nên đã bác toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra lại.
Tám tháng sau, ngày 9/8, Công an huyện Hàm Thuận Nam ra quyết định đình chỉ bị can với hai nông dân trên theo khoản 1 điều 25 Bộ luật Hình sự (do chuyển biến tình hình). "Bị can khai báo thành khẩn, tích cực khắc phục hậu quả do mình làm sai, trật tự hoạt động vay vốn trong khu vực đã được ổn định, sai phạm của bị can không còn gây nguy hiểm cho xã hội", quyết định nêu.
Ông Tuấn và ông Nam sau đó liên tục có đơn từ gửi đến các cơ quan chức năng kêu oan.
Phước Tuấn
truy tố hai nông nhân, hai nông dân Nhận hối lộ, Công an Hàm Thuận Nam