Pháp luật

Cách làm nhụt chí 'quan tham' của vua Minh Mạng

Dù Bộ hình xử án phạt đi đày với vị quan biển thủ hơn một lạng vàng, nhưng vua Minh Mạng ra lệnh chém bêu đầu ở chợ Đông Ba cho người khác thấy thế mà tự răn mình.

Lên ngôi năm 1820, vua Minh Mạng (1791-1841) tiến hành hàng loạt cải cách hành chính; thắt chặt các quy định pháp luật, xem nạn quan tham ô, tham nhũng là ẩn họa làm suy yếu đất nước.

cach-lam-nhut-chi-quan-tham-cua-vua-minh-mang

Tượng vua Minh Mạng được con cháu khắc để thờ tự. Ảnh: Võ Thạnh.

Theo Đại nam thực lục ghi chép, với nguyên tắc “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người để muôn người sợ mà tránh), vua Minh Mạng trị tội quan lại tham nhũng, đòi hối lộ và biển thủ công quỹ rất nặng, có khi vượt khung hình phạt. 

Tháng 5/1823, Thư lại Phủ Nội vụ là Lý Hữu Diệm lấy trộm hơn một lạng vàng và bị Bộ Hình xử tội đi đày. Nghe tấu trình, vua Minh Mạng cho rằng mức phạt này còn nhẹ, ông lệnh cho Bộ Hình đưa can phạm ra chợ Đông Ba chém đầu cho mọi người trông thấy.

Nhà vua cho rằng: "Khoảng năm Gia Long, bọn Nguyễn Đăng Được thông đồng với thợ bạc đúc trộm ấn giả để trộm đổi ấn ở kho đã bị xử chém. Nay Hữu Diệm ở đấy cân vàng mà còn dám công nhiên lấy trộm, huống chi của kho thì sao? Thế là trong mắt hắn không có pháp luật".

cach-lam-nhut-chi-quan-tham-cua-vua-minh-mang-1

Hình ảnh tù nhân dưới triều Nguyễn. Ảnh: tư liệu

Năm 1834, trước việc thuyền công ở tỉnh Quảng Yên mục nát, sau khi cho người tra xét, vua Minh Mạng được biết tuần phủ Lê Đạo Quảng đã để của công bị hủy hoại. Hộ phủ Vũ Tuấn che giấu việc này, còn Án sát Doãn Văn Xuân thì không can ngăn.

Vua Minh Mạng liền cách chức Vũ Tuấn và đưa về kinh nghị tội, Án sát Doãn Văn Xuân bị cách chức, Tuần phủ Lê Đạo Quảng bị giáng 2 cấp.

Vua dụ Nội các rằng: Vũ Tuấn vốn là một chức quan nhỏ, được thăng chức lớn quá mau thế mà không lo cố gắng báo đáp, trong sạch giữ mình, lại mượn việc công để mưu lợi riêng..., không còn một chút tư cách quan tư. Lập tức cách chức, giao bộ Hình nghị tội.

Vào năm 1834, vua Minh Mạng thấy gỗ trong bộ Công sao nhanh hết trong khi không có công trình lớn nào xây dựng liền sai bộ Hộ và Viện Đô sát tra xét kỹ xem có chi lạm, ăn bớt.

Kết quả cho thấy Quản mộc thương Hồ Văn Hạ thông đồng với thợ thuyền để "xẻo xén" đến hơn 300 lạng. Lập tức, vua ra lệnh xử chém.

Liên quan trách nhiệm, Đốc công Trần Văn Hiệu không để ý quản lý sát sao cũng bị cách chức, bắt làm việc chuộc tội...

Theo sách Đại nam thực lục, mùa hạ tháng 4/1835, tỉnh Gia Định quyên góp được 109.200 quan nhưng các quan quản lý đã phân phát không đúng, sử dụng gần hết. Vua Minh Mạng liền truy xét, phát hiện có kẻ khai man đội tên để nhận, có kẻ sai người lĩnh thay và cũng có chuyện "tư túi"... liền cách chức Bố chính Hoàng Văn Đản, Phủ huyện Nguyễn Khắc Biểu. Riêng Án sát Hoàng Văn Minh cũng bị cách lưu vì không làm hết trách nhiệm.

Sách sử kể lại rằng, vua Minh Mạng luôn xử nghiêm với quan tham dù giá trị kinh tế của tài sản thất thoát không lớn. Đây cũng là một trong những cách để làm trong sạch bộ máy, làm yên lòng dân. 

Võ Thạnh

>>Chuyện thi hành án tử hình dưới triều Nguyễn 

>>Hai vụ án nổi tiếng của triều Nguyễn qua sách cổ 

VNExpress

Minh Mạng, Huế, triều Nguyễn, vua Minh Mạng, tham ô, tham nhũng


© 2021 FAP
  3,195,240       2/828