Pháp luật

Thêm 10 sếp ngân hàng bị truy tố trong đại án Huyền Như

Liên quan đến việc Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng, 10 lãnh đạo ngân hàng Navibank bị truy tố vì thông qua nhân viên gửi trái phép hơn 1.500 tỷ đồng vào Vietinbank.

Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố 10 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ Ngân hàng Navibank (Nay là Ngân hàng TMCP Nam Việt) về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

them-10-sep-ngan-hang-bi-truy-to-trong-dai-an-huyen-nhu

Liên quan đến việc ủy quyền cho nhân viên mang tiền sang Vietinbank gửi để Huyền Như chiếm đoạt, 10 sếp Navibank bị truy tố. Ảnh: Hải Duyên.

Là người giữ vai trò cầm đầu vụ án, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank chi nhánh TP HCM) và Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè) vẫn bị giữ nguyên truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra xác định, tháng 4/2011, ông Lê Quang Trí (nguyên tổng giám đốc Navibank) chủ trì cuộc họp thống nhất chủ trương lách luật để cho các nhân viên đứng tên gửi hơn 1.500 tỷ đồng vào Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP HCM. Ngân hàng này đã nhận gần 76 tỷ đồng tiền lãi (với lãi suất 14% một năm). Trong đó, 15 tỷ đồng tiền lãi chênh lệch ngoài hợp đồng Navibank giao cho ông Huỳnh Vĩnh Phát (nguyên trưởng phòng kế toán Navibank) mở tài khoản riêng quản lý. Số tiền này được Navibank mở sổ sách theo dõi và chuyển cho 47 cá nhân vay để tất toán lãi vay khi đến hạn.

Sau khi tiền được chuyển vào các tài khoản của nhân viên Navibank mở tại Vietinbank, Huyền Như đã giả lệnh chi trích chuyển cho các chủ nợ hoặc làm giả các sổ tiết kiệm mang đi vay tiền Navibank. Đến thời điểm vụ án bị phát hiện, Huyền Như tất toán nhiều hợp đồng tiền gửi, còn lại khoảng 200 tỷ đồng Như chiếm đoạt.

Liên quan đến hành vi sai phạm của Huyền Như trong việc chiếm đoạt gần 4.000 tỷ đồng của khách hàng trong thời gian làm việc tại Vietinbank, ngày 7/1/2015, TAND Tối cao tại TP HCM đã xử phúc thẩm, hủy một phần bản án sơ thẩm điều tra lại đối với Huyền Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt tiền của hàng loạt công ty. Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi của Huyền Như và đồng phạm có dấu hiện tội Tham ô tài sản.

Song, kết quả điều tra lại vẫn xác định bản chất hành vi phạm tội và quá trình phạm tội của Huyền Như đủ yếu tố cấu thành tội Lừa đảo.

Cụ thể, do cần tiền trả nợ vì đầu tư chứng khoán và bất động sản thua lỗ, khi biết các công ty nói trên có tiền muốn gửi ngân hàng, Như lợi dụng danh nghĩa quyền trưởng phòng giao dịch, huy động vốn cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Chị ta tự thỏa thuận với các nhân viên, lãnh đạo các công ty sẽ chi lãi suất và chi ngoài cao đến 36% một năm.

Sau đó, Như làm giả hợp đồng tiền gửi giữa các công ty này với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Vì có chủ trương gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao trái quy định của pháp luật, ngay từ đầu, các công ty này đã buông lỏng quản lý tài khoản, tạo điều kiện để Như lợi dụng giả chữ ký, hồ sơ chuyển tiền và chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng.

Ngoài ra, liên quan đến việc để Như chiếm đoạt hơn 1.400 tỷ đồng của 4 đơn vị là Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Nam Việt, Công ty CP chứng khoán Phương Đông, Công ty CP đầu tư và thương mại An Lộc, TAND Tối cao cũng kiến nghị điều tra, xem xét trách nhiệm của các lãnh đạo Vietinbank chi nhánh TP HCM gồm ông Nguyễn Văn Sẽ (nguyên giám đốc), Trương Minh Hoàng và Nguyễn Thị Minh Hương (đều là nguyên phó giám đốc). 

Tuy nhiên, kết quả điều tra lại xác định, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và Vietinbank, những người này không có trách nhiệm phải kiểm tra từng nghiệp vụ phát sinh tại phòng giao dịch. Ông Sẽ, ông Hoàng và bà Hương đã thực hiện đúng theo quy định của ngân hàng nên chưa đủ căn cứ vững chắc để quy kết về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

"Tuy nhiên, là lãnh đạo của Vietinbank thì phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn vật tư, tài sản, tiền vốn, con người, nhưng lãnh đạo ngân hàng này đã không quản lý chặt chẽ cán bộ dưới quyền, để một số cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng nên cần xử lý nghiêm về hành chính", kết quả điều tra lại nêu.

Với cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng, đầu năm 2014, TAND TP HCM xử sơ thẩm, tuyên phạt Huỳnh Thị Huyền Như mức án tù chung thân về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức. Một năm sau, TAND Tối cao tại TP HCM xử phúc thẩm, tuyên hủy một phần bản án về tội lừa đảo, điều tra lại về tội Tham ô đối với Như. Dự kiến trong thời gian tới Như và đồng phạm bị đưa ra xét xử trong giai đoạn 2 của vụ án.

>> Bản án 2 lần xử trước đó trong vụ Huyền Như:

Tên bị cáo Tội danh Án sơ thẩm Án phúc thẩm
Huỳnh Thị Huyền Như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức Chung thân Hủy một phần tội danh.
Võ Anh Tuấn Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 20 năm Y án 20 năm
Huỳnh Mỹ Hạnh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 14 năm Y án 14 năm
Nguyễn Thị Lành Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng 9 năm Không kháng cáo
Trần Thị Tố Quyên Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 14 năm Y án 14 năm
Đào Thị Tuyết Dung Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cho vay lãi nặng 12 năm Tăng án 15 năm
Phạm Anh Tuấn Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ 14 năm 11 năm
Trần Thanh Thanh Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 10 năm 9 năm
Phạm Thị Tuyết Anh Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 15 năm 15 năm
Tống Nguyên Dũng Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 15 năm 5 năm
Bùi Ngọc Quyên Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng 14 năm 13 năm
Hoàng Hương Giang Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 8 năm Y án 8 năm
Đòan Lê Du Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 17 năm Y án 17 năm
Vũ Nguyễn Xuân Tiên Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 11 năm 9 năm
Huỳnh Trung Chí Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 15 năm 7 năm
Nguyễn Thị Phúc Ngân Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 15 năm 10 năm
Huỳnh Hữu Danh Vi phạm các quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng 17 năm Giảm án còn 14 năm
Lương Thị Việt Yên Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 7 năm 6 năm
Hồ Hải Sỹ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 6 năm 5 năm
Lê Thị Ngọc Lợi Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng 4 năm 3 năm cho hưởng án treo
Nguyễn Thiên Lý Cho vay lãi nặng

2 năm

Tổng hợp hình phạt bản án trước đó là 6 năm

Y án 2 năm

Tổng hợp hình phạt bản án trước đó là 6 năm

Hùng Mỹ Phương Cho vay lãi nặng 2 năm 2 tháng 10 ngày tù, trả tự do Không kháng cáo
Phạm Văn Chí Cho vay lãi nặng 1 năm tù cho hưởng án treo Không kháng cáo

Hải Duyên 

VNExpress

Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng, đại án Huỳnh Thị Huyền Như, 10 sếp ngân hàng bị truy tố


© 2021 FAP
  2,709,862       1/790