Công nghệ - Sản phẩm

10 cách tăng tính bảo mật cho smartphone

Với vài thủ thuật sau, bạn có thể làm cho smartphone an toàn hơn, bảo vệ những tin nhắn và hình ảnh cá nhân quan trọng không lọt vào tay kẻ xấu ngay cả khi bị mất điện thoại.

Chiếc smartphone là một vật bất ly thân đối với đa số người dùng ngày nay, chứa đựng nhiều thông tin cá nhân không kém phần quan trọng so với máy tính để bàn hay laptop. Việc bảo vệ thông tin trên thiết bị di động bằng các giải pháp bảo mật hiện nay chẳng hạn như vân tay, mật mã 4 chữ số hay mật mã bằng hình ảnh dường như vẫn chưa đủ an toàn. Nếu muốn có một chút an toàn hơn cho chiếc điện thoại di động của mình, hãy thực hiện 10 thao tác đơn giản dưới đây.

1. Cập nhật phần mềm

Cho dù đang sử dụng thiết bị iOS, Android hay Windows Phone, điều mà người dùng luôn được khuyến cáo là nên cập nhật phiên bản hệ điều hành mới nhất nếu có thể. Quá trình này có lẽ hơi khó khăn đối với những người dùng Android vì cần phải liên hệ với nhà sản xuất. Nhưng dù sao đó cũng là điều đáng làm để chiếc smartphone của bạn an toàn hơn. Hầu hết các nhà sản xuất đều cho phép người dùng thiết lập để điện thoại tự động kiểm tra các bản cập nhật một cách tự động, vì vậy bạn luôn cần đánh dấu để kích hoạt tính năng này.

2. Sử dụng khóa màn hình

Khóa màn hình bằng hình ảnh trên điện thoại Android.
Điều mà người dùng cần làm để bảo vệ thiết bị của mình trước tiên là phải đặt khóa màn hình. Cách khóa màn hình cơ bản nhất là khóa bằng mật mã 4 chữ số. Mẫu iPhone 5S vừa ra mắt của Apple nổi bật nhờ tính năng bảo mật bằng vân tay. Trong khi đó, thiết bị chạy hệ điều hành Android còn có thêm tính năng khóa bằng khuôn mặt. Dù đây không phải là những giải pháp bảo mật an toàn tuyệt đối nhất, nhưng dù sao cũng là lựa chọn cho bạn. Một lưu ý là bạn nên bỏ chọn hộp đánh dấu “make passwords visible” (không hiển thị mật mã) mỗi khi nhập mật mã để tránh sự dòm ngó không cần thiết. Hơn nữa, người dùng cũng được khuyến cáo cần thường xuyên thay đổi mật mã.

3. Cài chương trình chống virus

Một trong những mối đe dọa lớn nhất dễ dẫn đến việc rò rỉ thông tin cá nhân chính là bị nhiễm virus. Vấn đề này ở thiết bị di động tuy không phổ biến như trên máy tính nhưng cũng là một lưu ý đáng để mắt. Các hãng bảo mật lớn như McAfee, AVG và Lookout hiện đều có phiên bản phần mềm bảo mật trên các cửa hàng trực tuyến Apple App Store và Google Play Store. Tuy nhiên, người dùng rõ ràng nên cẩn thận với bất kỳ ứng dụng bảo mật đáng ngờ khác. Bạn có thể kiểm tra bằng cách truy xuất thông tin chi tiết của các ứng dụng này trên trang web chính thức của nhà cung cấp.

4. Không root, jailbreak hay cài phần mềm không đáng tin

Nhiều người vẫn thích tải và cài những ứng dụng không có mặt trên Apple App Store và Google Play Store, vốn ít an toàn hơn những ứng dụng chính thức, bằng cách bẻ khóa thiết bị của họ. Việc bẻ khóa thiết bị bằng cách root smartphone Android hay jailbreak iPhone có thể nguy hiểm, đặc biệt nếu bạn không nắm vững kỹ thuật. Quá trình bẻ khóa sẽ xâm nhập sâu vào hệ điều hành và cho phép người dùng truy xuất các mã cơ bản. Chính lúc đó các đoạn mã độc có thể nhiễm vào và làm thay đổi hệ thống dễ dàng hơn.

5. Sử dụng ứng dụng khóa mã

Bên cạnh cách sử dụng khóa màn hình cơ bản mà nhà sản xuất cung cấp, bạn cũng có thể thêm một lớp bảo mật thứ hai cho smartphone bằng cách cài đặt một ứng dụng đặc biệt. Các ứng dụng này sẽ giúp bảo vệ tập tin của bạn an toàn hơn bằng cách tạo một vùng lưu trữ riêng trên thiết bị hay trên thẻ nhớ SD, đồng thời có thể xóa dữ liệu nếu có người cố gắng đăng nhập trái phép nhiều lần.

6. Sử dụng chế độ Guest/Kid

Thiết lập chế độ Guest/Kid dành cho khách hay trẻ em sử dụng cũng là một giải pháp bảo vệ thông tin riêng tư. Thiết bị di động Android, iOS và Windows hiện đều hỗ trợ chế độ này với các ứng dụng tải về từ kho trực tuyến. Tuy nhiên, cần lưu ý là đôi khi người dùng hay con cái của bạn quên mật khẩu đăng nhập vào chế độ này.

7. Kích hoạt tính năng Location

Định vị điện thoại Android từ trang web Google Play.
Đây không chỉ liên quan đến việc bảo mật mà còn nhằm bảo vệ thiết bị cũng như dữ liệu trong trường hợp thiết bị của bạn bị đánh cắp. Thiết bị iOS hiện có ứng dụng ‘Find my iPhone’ giúp người dùng dễ dàng định vị điện thoại của mình đang ở đâu qua Internet. Ứng dụng này cũng có thể hoạt động với cả iPad và iPod Touch. Trong khi đó, nền tảng Android không đòi hỏi phải cài đặt ứng dụng, chỉ cần truy xuất Google Play qua trình duyệt web, nhấn chọn nút Settings ở góc trên bên phải và chọn ‘Android Device Manager’. Từ đây bạn có thể định vị, đổ chuông, khóa hay xóa dữ liệu trên thiết bị của mình nếu cần thiết. Đối với người dùng Windows Phone, hãy đăng nhập vào trang web WindowsPhone.com để định vị thiết bị trên bản đồ, đổ chuông, hiển thị tin nhắn hay xóa toàn bộ dữ liệu trên thiết bị. Nếu đang sử dụng điện thoại BlackBerry, bạn có thể sử dụng công cụ BlackBerry Protect để có các tính năng tương tự (tuy nhiên cần phải thiết lập trước trên thiết bị).

8. Dùng thiết bị công nghệ đeo

Các thiết bị đeo như đồng hồ thông minh Sony SmartWatch 2 hay Samsung Galaxy Gear 2 sẽ giúp bạn tương tác với smartphone trong khi vẫn để điện thoại an toàn trong túi, tránh trường hợp cướp giật hoặc khi đang chạy bộ tập thể dục. Đồng hồ kết nối với smartphone bằng Bluetooth, nếu bạn đi ra khỏi tầm kết nối thì thiết bị sẽ báo động để bạn biết. Thử tưởng tượng bạn để quên chiếc điện thoại dưới ghế sofa, hãy dùng tính năng báo động này để dễ dàng tìm lại smartphone.

9. Khóa mã SIM

Khóa mã SIM để tăng cường bảo mật cho smartphone.
Một trong những cách bảo vệ smartphone được nhiều người sử dụng là dùng giải pháp khóa mã SIM. Khóa mã SIM đặc biệt quan trọng nếu bạn sử dụng thuê bao trả sau. Khi kích hoạt chế độ này, bạn cần phải nhập một mã PIN trước khi thực hiện cuộc gọi hay gửi tin nhắn. Do đó, nếu vô tình người khác có được điện thoại của bạn thì vẫn không thể sử dụng để gọi hay nhắn tin bằng SIM đã khóa mã này.

10. Không lưu tập tin nhạy cảm trên điện thoại

Cho dù chiếc smartphone luôn bên bạn cả ngày, không có lý do gì để lưu những tập tin quan trọng trong điện thoại mà hãy lưu vào một nơi an toàn hơn trong máy tính hay ổ lưu trữ gắn ngoài. Một số model điện thoại như HTC One, Samsung Galaxy S4 hay iPhone 5S đều hỗ trợ kết nối ổ lưu trữ USB thông qua loại cáp riêng. Vì vậy, bạn có thể mang theo thông tin cá nhân trong ổ USB và gắn vào điện thoại mỗi khi cần làm việc.

PCWorld

bảo mật di động, Smartphone


© 2021 FAP
  3,468,747       1/828