Công nghệ - Sản phẩm

Thiết bị đeo: Đeo lắm, lộ nhiều

Sử dụng thiết bị thông minh đeo trên người đang được cổ vũ như là một xu hướng tiêu dùng mới, cũng đồng thời làm nổi lên câu hỏi lớn về sự riêng tư.

Trong bối cảnh rủi ro an ninh thường xuyên đe dọa người dùng trực tuyến, giờ đây lại thấy xuất hiện những hiểm họa mới khi các thiết bị kết nối Internet thường trực trên người ngày càng nhiều. Liệu sự riêng tư của mỗi cá nhân có còn được đảm bảo trong thế giới Interner rộng lớn ngày nay khi thiết bị đeo trở thành xu hướng tiêu dùng mới.

Tiện có thể đem lại phiền
Trong những ngày này, một người đeo kính thông minh Google Glass xuất hiện nơi công cộng có thể khiến những người xung quanh cảm thấy kỳ dị, thiếu thiện cảm. Nhưng về lâu dài, hình ảnh này sẽ trở thành quen thuộc khi kính được bán nhiều và trở nên phổ biến hơn. Vấn đề gây tranh cãi là nỗi lo về việc vi phạm quyền riêng tư từ chức năng quay video của Glass. Phía chỉ trích cho rằng chức năng này biến những người đeo Glass thành những trạm theo dõi di động bất kể ở đâu.
Nhưng đó chủ yếu là xuất phát từ cảm tính trực quan. Trong khi nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân nhạy cảm ngày càng nhiều với người đeo thiết bị thông minh có nhiều chức năng mà có thể họ không hay biết.
Để tăng tiện ích và đem lại trải nghiệm mới cho người dùng, các nhà sản xuất ngày càng tích hợp cho thiết bị đeo nhiều cảm biến tự động để thu thập một lượng lớn dữ liệu về chính bản thân người dùng. Các cảm biến theo dõi nhịp tim, nồng độ oxy trong máu, thân nhiệt, chất lượng giấc ngủ, chuyển động trong phòng hay ở ngoài… nói chung là vô số dữ liệu mà một người có thể tạo ra. Điều đó cũng cho thấy ngành công nghiệp đang tìm đủ cách để theo dõi sát mọi hoạt động của người dùng và những gì đang xảy ra quanh họ. Những tiện ích có được từ các thiết bị nhờ vậy ngày càng phong phú thông qua việc kết hợp với các dữ liệu trực tuyến khác của cá nhân người dùng. Các chuyên gia bảo mật gần đây đã phải lên tiếng cảnh báo thông tin cá nhân nhạy cảm rất dễ bị xâm phạm.


Chẳng hạn như, vòng đeo tay Fibit theo dõi sức khỏe phục vụ cho mục đích rèn luyện thể lực. Mỗi bước chân của người đeo đều được ghi nhận và cập nhật lên hệ thống trực tuyến thông qua tính năng GPS, nghĩa là mọi hoạt động di chuyển hàng ngày rất có thể bị ai đó thu thập cho mục đích xấu. Vòng đeo tay hay đồng hồ thông minh có thể đo nhịp tim, huyết áp của người sử dụng suốt cả ngày để sớm đưa ra cảnh báo cho nhiều căn bệnh phổ biến, và cung cấp cho bác sĩ điều trị hình ảnh đầy đủ hơn về sức khỏe của bệnh nhân. Nhưng những thông tin nhạy cảm này cũng sẽ có nguy cơ bị rò rỉ trong bối cảnh thông tin nhạy cảm của người dùng trực tuyến thường xuyên bị rình rập.
Một số thiết bị đeo thông minh có thể kiểm soát chất lượng giấc ngủ của người dùng thông qua dữ liệu thu thập về chu kỳ hơi thở, nhịp tim, tiếng ngáy và các cử động trở mình. Thiết bị còn có thể đồng bộ với smartphone và trích xuất thông tin bởi ứng dụng hay có thể theo dõi thông tin trực tuyến theo thời gian thực. Nghe ra có vẻ hấp dẫn, nhưng thử hình dung về những hoạt động yêu đương của những cặp đôi cũng có thể bị thu thập bởi công nghệ hướng tới “canh giấc ngủ đêm”. Dĩ nhiên thông tin nhạy cảm này là điều không ai muốn chia sẻ.
Ẩn họa về một tương lai người dùng luôn bị theo dõi vì lúc nào cũng dính trên người thiết bị đeo thông minh không chỉ là tưởng tượng. Vụ bê bối hồi năm trước, khi cựu nhân viên hợp đồng Edward Snowden tố cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) tổ chức nghe lén trên diện rộng, vẫn còn nguyên sức nóng. Một lượng dữ liệu đồ sộ của rất nhiều người cho dù có các giải pháp bảo mật và an toàn cho việc truyền dữ liệu trên Internet vẫn bị NSA thu thập, giám sát mọi cuộc gọi đi và đến và những hoạt động của mọi người trong thế giới ảo.
Dù vậy, ngành công nghiệp triển vọng này và những người ủng hộ lại lờ đi mặt trái của công nghệ có thể gây hại cho người dùng. Shawn DuBravac, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội điện tử tiêu dùng Mỹ (CEA - Consumer Electronics Association), cho rằng những tiết lộ của Snowden hầu như không ảnh hưởng đến thị trường thiết bị đeo cũng như sản phẩm công nghệ cao nói chung. Theo ông, những mối quan tâm tới sự riêng tư cũng xảy ra với một số ngành công nghiệp khác, nhưng người tiêu dùng sẵn sàng hy sinh sự riêng tư nếu nhận được một dịch vụ tốt hơn hoặc một trải nghiệm phong phú hơn.
Nhưng những tiết lộ từ Snowden cho thấy việc thu thập dữ liệu về người tiêu dùng của các công ty công nghệ cao đem lại khả năng cho các cơ quan an ninh quốc gia tiếp cận thông tin nhạy cảm của công dân. Những dữ liệu thu thập tổng hợp được sẽ là kho tàng quí giá cho các nhà tiếp thị và chính phủ khai thác.
Và thực tế diễn ra không hẳn theo chiều như quan điểm của Shawn. Đã có những dấu hiệu cho thấy những tiết lộ của Snowden thực sự ảnh hưởng tới thị trường. Chẳng hạn, Cisco gần đây đã lên tiếng về việc doanh số bán hàng của công ty đã ảnh hưởng bởi vụ NSA nghe lén bị phanh phui. Gần đây đang có hiện tượng những người trẻ tuổi, đối tượng yêu thích công nghệ cao, xa lánh dần Facebook cũng là để bảo vệ quyền riêng tư.

Và những phản ứng tiêu cực
Kể từ khi Google bán Glass trong chương trình thử nghiệm “Explorer”, nhiều người đã lo ngại bị xâm phạm sự riêng tư khi gặp những người đeo kính có khả năng ghi hình này. Sự thường trực của kính trên mắt người đeo khiến không một ai đối diện cảm thấy thoải mái. Đã có một số nơi dân chúng biểu tình đòi ngăn chặn sự xuất hiện của Google Glass.

Google Glass gây nhiều tranh cãi về sự riêng tư.


Tại Mỹ, một số nhà hàng đã cấm cửa người đeo Glass để những khách hàng khác của họ không cảm thấy bị làm phiền. Đáng lưu ý là không hề có dấu hiệu nào cho biết camera tích hợp trên kính đang hoạt động. Điều này dẫn tới những phản ứng tiêu cực vì cho rằng người đeo kính có thể lén ghi lại hình ảnh người đối diện khi chưa được phép.
Mới đây phóng viên trẻ Russell của trang công nghệ Business Insider đã bị một phụ nữ tấn công trên đường phố San Francisco (Mỹ) khi bắt gặp anh này đeo Glass. Russell bỏ chạy nhưng người phụ nữ đuổi kịp và giật kính khỏi mặt anh, dận dữ ném mạnh xuống đất để phá hủy. Đây không phải là lần đầu người đeo Glass bị tấn công. Một vụ tương tự đã xảy ra hồi cuối tháng 2 với biên tập viên Sarah Slocum của trang Newsdad, cũng trên đường phố San Francisco.
Với vòng đeo tay và đồng hồ thông minh, người dùng có thể bị hấp dẫn bởi những tính năng hữu ích và những trải nghiệm phong phú mà quên đi quyền riêng tư có thể bị xâm phạm. Nhưng một khi nhận thức được những rủi ro có thể đến thì không rõ họ có sẵn lòng mua chúng hay không.

PC World VN, 05/2014
 

PCWorld

thiết bị đeo, trang phục công nghệ, Wearable


© 2021 FAP
  3,466,809       1/826