Tại thời điểm này, máy ảnh trên di động đã thực sự phổ biến và chưa bao giờ người dùng phổ thông lại tiếp cận bộ môn nhiếp ảnh dễ dàng đến như vậy. Chỉ hơn 10 năm phát triển, máy ảnh trên di động đã có những bước chuyển mình với xu thế và công nghệ.
Điện thoại di động tích hợp máy ảnh đầu tiên trên thị trường là Kyocera Visual Phone VP-210 từ Nhật Bản, được phát hành vào tháng 5/1999. Kyocera VP-210 cũng được biến đến là sản phẩm thương mại đầu tiên trang bị khả năng quay video. Máy có màn hình TFT 2 inch, 65 nghìn màu, có thể truyền tải video với 2fps, chụp và lưu trữ 20 hình ảnh tĩnh trên bộ nhớ. Trong khoảng thời gian này thì điện thoại di động có khả năng kích hoạt bằng giọng nói hay tin nhắn SMS được coi là một trong nhiều tính năng nổi bật. Để nhìn thấy khuôn mặt của người nghe, Kyocera VP-210 được tích hợp khả năng quay phim và truyền dữ liệu trực tiếp.
Hãng Kyocera đã có những nghiên cứu về công nghệ lẫn tâm lý người dùng một thời gian khá dài rồi mới trình làng sản phẩm VP-210. Dựa vào tính năng mạnh nhất của điện thoại di động là sự linh hoạt, Kyocera nhận ra cơ hội ứng dụng dành cho máy ảnh tích hợp. Động cơ ban đầu chỉ đơn giản là việc mang theo một album ảnh “không trọng lượng” và có thể khoe với mọi bạn bè. Và sau đó, một thế giới di động giải trí mới dành cho người dùng đã được mở ra.
Chiếc điện thoại VP-210 này nhanh chóng thành công tại Nhật Bản và là khởi đầu cho sự thay đổi văn hóa sử dụng thiết bị di động. Vào cuối năm 2003, điện thoại có máy ảnh thực sự cất cánh tại Mỹ và hơn 80 triệu thiết bị đã được bán ra trên toàn thế giới.
Hiện nay có trên 2,5 tỷ người trên toàn thế giới trang bị máy ảnh số, trong đó phần lớn là camera phone (smartphone tích hợp máy ảnh). Sự ra đời của kỹ thuật số đã thay đổi máy ảnh truyền thống, nhưng điểm tạo ra cuộc cách mạng ảnh số chính là sự ra đời của camera phone.
Việc đưa camera vào điện thoại di động thực sự không dễ dàng chút nào. Saburi- trưởng dự án của Kyocera cho biết: “chúng tôi đã thảo luận với nhân viên nghiên cứu phát triển, các cấp quản lý hàng ngàn lần về một vấn đề liên quan đến việc tích hợp máy ảnh vào điện thoại. Đại loại những câu hỏi như ống kính rộng bao nhiêu là vừa, làm thế nào để giảm độ trễ của việc truyền dữ liệu, các câu hỏi về chất lượng hình ảnh, về pin... Thời điểm đó thì những vấn đề được nêu ra là thách thức mà chưa ai gặp phải.”
Từ năm 2003 đến năm 2007, thị trường xuất hiện nhiều cú hích lịch sử của camera phone. Việc dẫn đầu thị trường camera phone của Nokia vào cuối năm 2004 là một ví dụ. Điện thoại Nokia N90 trang bị ống kính Carl Zeiss, đèn flash LED và khả năng tự động lấy nét, ngoài ra còn phải nhắc đến Sony Ericsson K800i hay N95 những sản phẩm đình đám về công nghệ thời điểm đó.
Đỉnh cao và khởi nguồn của xu hướng sử dụng camera phone rộng rãi trên toàn thế giới chính là việc Apple ra mắt iPhone hỗ trợ màn hình cảm ứng. Thiết bị này không có máy ảnh tốt nhất so với rất nhiều điện thoại di động thời điểm đó, nhưng iPhone lại là sản phẩm phổ biến nhất. Các trang web như Flickr,Photobucket hay mạng xã hội Facebook, Twitter bị chi phối bởi hình ảnh được chụp và chia sẻ thông qua iPhone.
Vào năm 2003, tờ Guardian đã đánh giá số phận camera phone không thực sự dài lâu, vì không biết rõ mục đích của nó và cho rằng đây chỉ là phần dùng để đánh bóng thương hiệu. Tác giả bài báo cho rằng, camera phone thuộc về nửa không may mắn của giới công nghệ, như Sinclair C5s, Securi-Gnome,... và các công nghệ tích hợp.
Ngày nay, ý tưởng về một điện thoại di động mà không có máy ảnh hoặc tính năng video nghe có vẻ vô lý. Các bước tiến về kết nối, lưu trữ chia sẻ, đường truyền internet tốc độ cao... đã góp phần vào việc phát triển xu hướng chụp ảnh điện thoại.
Trở lại với thời kì đầu của điện thoại tích hợp máy ảnh tại Nhật Bản. Cuộc cạnh tranh Internet trên thiết bị di động dựa trên dịch vụ GPRS, sau này là mạng 3G đã tạo nên hệ thống tin nhắn đa phương tiện MMS và Sha-Mail. Cơ sở hạ tầng chia sẻ là một trong những nền tảng quan trọng và giải thích cho sự thành công của các nhà sản xuất điện thoại máy ảnh đầu tiên như J-Phone, DoCoMo ở Nhật Bản, Sprint, và các hãng khác trên thế giới.
Camera phone thương mại đầu tiên được trang bị hoàn chỉnh dịch vụ chia sẻ là J-SH04 của Sharp. Thiết bị này được trang bị cảm biến CCD và tính năng Sha-Mail (tin nhắn hình ảnh). Những chiếc điện thoại máy ảnh được triển khai ở Bắc Mỹ vào năm 2004 cũng trang bị hệ thống nền tảng tương tự. Hơn 1 triệu điện thoại máy ảnh được sản xuất bởi Sanyo chiếm lĩnh thị trường và kèm theo đó là dịch vụ PictureMail (Sha-Mail bằng tiếng Anh) được phát triển và quản lý LightSurf. MMS là dịch vụ chia sẻ hình ảnh phổ biến trước khi OTT, mạng xã hội hay các kho lưu trữ trực tuyến bùng nổ.
Bây giờ công nghệ di động đã bước sang một bước tiến mới màn hình cảm biến, độ phân giải 2k, máy ảnh 41Mp, cơ sở hạ tầng không đơn thuần chỉ GRPS mà đã đã đạt tới thế hệ truyền không dây thứ 5, lưu trữ đám mây... Đây đang là thời đại của Internet of Thing. Số lượng người dùng camera phone đã vượt xa lượng người dùng máy ảnh truyền thống, đến năm 2011 chỉ còn khoảng 1% người dùng máy ảnh analog. Hay một phép so sánh rõ ràng hơn là 40 nghìn nhân viên của Kodak ngày nào bây giờ chỉ tương đương với 12 người làm việc tại Instagram.
iPhone năm 2007 tạo ra sự thay đổi mới trong xu hướng sử dụng máy ảnh điện thoại.
Camera phone có khả năng đưa ra một hình ảnh kĩ thuật số trong đó chứa được hầu hết thông tin mà người dùng muốn truyền tải từ tốc độ chia sẻ cho đến địa điểm. Những lý do công nghệ ảnh hưởng đến sự phát triển của camera phone ngày nay bao gồm:
Mạng dữ liệu: Khả năng truy cập bất cứ mọi nơi và mọi thời điểm là lợi thế lớn nhất của thế giới di động. Việc chia sẻ thông tin hình ảnh thông qua các tính năng của mạng xã hội như tweet/Facebook/chia sẻ là yếu tố quan trọng nhất ở đây. Đây là lý do tại sao tính năng Wi-Fi trên máy ảnh số không thuyết phục được người dùng.
Gắn thẻ địa lý: Dữ liệu GPS cũng như thông tin liên quan được cập nhật tự động gắn vào hình ảnh. Điều này khiến việc tìm kiếm những hình ảnh mới mà người dùng quan tâm trở nên dễ dàng hơn. Tìm kiếm dựa vào địa điểm được gắn trên hình ảnh đã được tích hợp vào cả hai công cụ tìm kiếm Google và Bing.
Ứng dụng chỉnh sửa nhanh gọn: Các ứng dụng chụp ảnh trên smartphone hiện nay gần như đáp ứng được đầy đủ nhu cầu về chỉnh sửa hình ảnh của người dùng. Người dùng có nhiều chọn lựa hơn để cho ra bức ảnh tốt nhất, phù hợp với tâm lý, thẩm mỹ của họ.
Cập nhật địa điểm thời gian thực: Hình ảnh được chia sẻ luôn được cập nhật địa điểm một cách nhanh chóng, cho khả năng tương tác với người theo dõi.
Các ứng dụng trợ giúp: Người dùng sử dụng máy ảnh điện thoại sẽ luôn được hỗ trợ từ bản đồ đến dự báo thời tiết trong các chuyến đi.
Hành vi của người dùng đã thay đổi do camera phone
Tháng 5/1997, Philippe Kahn chia sẻ ngay lập tức những hình ảnh đầu tiên của cô con gái Sophie vừa được sinh ra với hơn 2.000 người thân, bạn bè trên toàn thế giới. Ông đến bệnh viện với máy tính xách tay, điện thoại di động và máy ảnh số. Kahn như thường lệ bắt đầu chụp ảnh rồi chuyển vào máy tính, đưa lên một trang lưu trữ trên mạng sau đó email cho bạn bè của mình. Sau một chuỗi thao tác mất thời gian như vậy, Kahn chỉ muốn chụp một bức ảnh và ấn nút để có thể tự động tải lên Web. Và phần mềm chia sẻ hình ảnh không dây của Kahn và máy ảnh được tích hợp vào điện thoại di động đã được tạo ra sau đó không bao lâu. Và những hình ảnh về cô con gái là một trong những hình ảnh được chia sẻ công khai đầu tiên thông qua thiết bị di động.
Nhu cầu của Kahn của 17 năm về trước không khác gì với nhu cầu của người dùng hiện tại. Đó là chụp ảnh, lưu trữ và chia sẻ trong thời gian thực.
Hiện tại, chúng ta cũng không quên đi các tính năng cơ bản của điện thoại di động đó là giao tiếp với bất kì ai, mọi nơi mọi lúc. Đấy chính là tính năng mạnh nhất của điện thoại di động, còn các tính năng đa phương tiện như chụp ảnh, quay video chỉ mang tính hỗ trợ cho cuộc sống, công việc. Chụp ảnh từ di động cho phép người dùng lưu trữ kỉ niệm, dễ dàng duy trì các mối quan hệ xã hội cũng như thể hiện bản sắc cá nhân. Có hơn 350 triệu bức ảnh được tải lên mạng xã hội Facebook mỗi ngày và con số đó trên Instagram là 55 triệu. Và đến năm 2022 sẽ có hơn 7 nghìn tỷ hình ảnh sẽ được đăng tải lên Internet.
Bức ảnh đầu tiên chụp bằng điện thoại di động được chia sẻ trên internet.
Không dừng tại đó, đi kèm với sự phát triên của Internet thì camera phone còn là một công cụ truyền thông hữu dụng. Tháng 11/2006 việc tử hình cựu tổng thống Iraq Saddam Hussein đã được ghi lại bằng điện thoại di động và lan truyền trên Internet, chứng thực cho việc các cơ quan truyền thông đưa tin không giống những gì đã xảy ra.
Trào lưu ảnh “tự sướng- selfie” được phổ biến bởi tâm lý muốn chia sẻ hình ảnh cá nhân với mọi người. Từ selfie được cho là xuất hiện đầu tiên trên một diễn đàn điện tử của Tập đoàn Truyền hình Úc (ABC) vào tháng 9/2002. Khi một sinh viên đã tự chụp bức ảnh khuôn mặt bị tai nạn của mình rồi đưa lên ABC với lời chú thích đây là “ảnh selfie”. Và đến nay, “selfie” đã được đưa vào từ điển Oxford và là “từ ngữ của năm 2013” do số lượt dùng tăng vọt đến 17.000% trong vòng 12 tháng. Đồng thời, selfie cũng chính là xu hướng chụp ảnh thịnh hành nhất hiện nay, để người dùng thể hiện mình là ai, để thế giới biết đến họ đang làm gì và ở đâu.
Năm 2013 vừa qua cũng là tâm điểm của việc chụp ảnh selfie với sự tham gia của những người nổi tiếng. Đình đám nhất phải kể đến Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt cùng nhau “selfie” bằng điện thoại di động tại lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Hay vào đầu năm 2014 với sự kiện dàn sao Hollywood chụp ảnh selfie cùng nhau tại Lễ trao giải Oscar và lan truyền với tốc độ rất nhanh trên mạng xã hội...
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và Thủ tướng Đan Mạch Helle Thorning-Schmidt cùng nhau “selfie” bằng điện thoại di động tại lễ tang cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela
Đã có nhiều vấn đề này sinh khi xu hướng sử dụng máy ảnh điện thoại phát triển . Đó là hệ quả của tương tác không biên giới giữa điện thoại và Internet.
Nạn nhân đầu tiên của máy ảnh di động chính là máy ảnh du lịch PnS. Cách đây vài năm, nhiếp ảnh gia chân dung nổi tiếng Annie Leibovitz đã nhận định rằng iPhone là "máy ảnh chụp nhanh của ngày hôm nay ". Mặc dù chất lượng ảnh của smartphone không thể so sánh được với cả máy ảnh PnS, đặc biệt là khi in ấn, nhưng điều mà dòng thiết bị này vượt qua chính là khả năng kết nối và chia sẻ.
Facebook đã trở thành nơi chia sẻ nội dung và hình ảnh lớn nhất, có tới 350 triệu bức ảnh tải lên FB mỗi ngày.
Nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng smartphone để chụp ảnh hằng ngày có thể tạo nên các hiệu ứng tâm lý nguy hiểm như suy giảm trí nhớ. Điều này có nghĩa là nếu chúng ta có một bức ảnh phong cảnh khi đi du lịch thì khả năng ghi nhớ về địa điểm đó một cách chi tiết sẽ giảm đi rất nhiều.
Mọi người thích chụp ảnh món ăn và khoe nó, thích chụp ảnh Mona Lisa hơn là nhìn ngắm bức tranh đó. Đó là một trong nhiều hệ quả mà máy ảnh điện thoại thay đổi đời sống của chúng ta.
PC World VN, 06/2014
camera phone, camera trên điện thoại, Chụp ảnh với smartphone