Công nghệ - Sản phẩm

Google - Những mảnh ghép chưa hoàn thiện

Google không còn là công ty tìm kiếm trực tuyến nữa, với tiềm lực tài chính mạnh mẽ công ty đã đầu tư tham gia hầu hết lĩnh vực công nghệ và khoa học. Thành công của Google tương đối rõ ràng nhưng vẫn còn đó quá nhiều mảnh ghép công nghệ mà mãi vẫn chưa thể thành hình.

Thời điểm hiện tại Google đã có hơn 100 sản phẩm ứng dụng đang hoạt động nhưng không phải tất cả đều được người dùng đón chào. Ngoài ra còn hàng loạt sản phẩm khác đã bị hãng tìm kiếm loại bỏ bởi nhiều lý do trong đó phần lớn là không đủ sức cạnh tranh với đối thủ. Google trang bị cho mình hẳn một trung tâm nghiên cứu và phát triển do Giám đốc công nghệ của mình Sergey Brin đứng đầu nhưng thành công đến từ đấy lại quá ít so với tầm vóc.

Những mảnh ghép bỏ dở
Thất bại đầu tiên đáng chú ý nhất của Google đến từ sự tự tin thái quá với người dùng. Vào năm 2002, Google tạo ra cộng đồng hỏi đáp trực tuyến được các chuyên gia đánh giá hữu ích và tích cực về nội dung. Nhưng để nhận được câu trả lời của các chuyên gia tự do thì người hỏi phải mất từ 2 - 200 USD, chi phí này quá quá đắt đỏ trong thế giới đang mở. Ngoài ra người dùng đã mất tiền còn không được thông báo khi có câu trả lời. Cuối cùng Google đã phải đóng cửa sản phẩm của mình vào năm 2006 trong thời gian đó, đối thủ của họ là "Yahoo! Answers" miễn phí đã có tới 60 triệu người sử dụng.

Google Answers

Còn sản phẩm bị khai tử nhanh nhất và không có lời giải thích nào cụ thể là Google X. Dự án này ra mắt vào ngày 15/3/2005 và đóng cửa ngay sau đó 1 ngày. Google X có thanh tìm kiếm truyền thống của Google nhưng cách kết hợp tùy biến trên đó tương tự như hệ thống Dock của Mac OS. Đây là mảnh ghép bị bỏ dở bí ẩn nhất của Google đối với người dùng.

Công cụ tìm kiếm dường như là sân chơi độc tôn của Google và sự thành công cũng không thể nhấn chìm được các thất bại từ chính sách cho đến công nghệ. Việc công cụ tìm kiếm này thất bại tại thị trường Trung Quốc năm 2010 bởi bức tường lửa Giáp Vàng cũng cho thấy Internet có thể bị kiểm soát.  Thất bại về chính sách thì có thể hiểu nhưng thất bại về ứng dụng bổ sung cho công cụ tìm kiếm thì khó có thể chấp nhận. Đầu tiên là SearchMash - sản phẩm thú vị cho phép người dùng sắp xếp kết quả tìm nhưng Google quá tham lam khi gắn thêm vào đó nhiều quảng cáo. Năm 2008 thì công cụ này chấm dứt hoạt động sau 1 năm xuất hiện và người thay thế là SearchWiki cũng chỉ tồn tại đến năm 2010. Tiếp theo đó là hàng loạt công cụ tìm kiếm khác như Real Time,  Zeitgeist hay Google Code Search đóng cửa năm 2012.

Năm 20013 cũng đánh dấu chấm hết một loạt ứng dụng mà Google luôn kì vọng. Dịch vụ cá nhân hóa trang tìm kiếm iGoogle ngưng hoạt động hoàn toàn vào 11/2013. iGoogle cho phép người dùng tùy chọn các tiện ích của hãng như Tin tức, Feed, Chat hay Game... Ứng dụng này khi mới bắt đầu đã không lường trước được sự phát triển của ứng dụng di động và đóng cửa là điều tất yếu. Trái ngược hoàn toàn với Google Reader khi bị đóng  do không tạo ra lợi nhuận.
 


Những mảnh ghép chưa thành
Mảnh ghép tốn kém nhất mãi chưa thành hình đó chính là mạng xã hội Google. Hãng tìm kiếm này đã bỏ khá nhiều tiền và công sức phát triển từ những năm 2005 đến nay vẫn chưa mang lại thành công như mong đợi. Đầu tiên phải nhắc đến việc mua mạng xã hội di động  Dodgeball cùng thời điểm sát nhập Android. Sau vài năm thì Android trở thành ngôi sao sáng còn Dodgeball bị đóng cửa vào năm 2009 và bị thay thế bởi Latitude. Google thất bại vì chính sự thờ ơ của mình đối với sản phẩm, thời điểm đó họ quá coi thường các mạng xã hội để rồi cha đẻ của Dodgeball vì quá thất vọng nên bỏ đi và thành lập nên Foursquare thành công- biến công cụ check-in Latitude của hãng trở nên tẻ nhạt với người dùng.

Mạng xã hội khác của Google là Jaiku cũng không sáng sủa gì cho lắm khi bị loại bỏ vào năm 2011. Jaiku khi đang còn ở Phần Lan đã bắt đầu gây được tiếng vang và được Google mua lại vào năm 2007 -  thời điểm đó mạng xã hội này được đánh giá cao hơn Twitter nhiều. Nhưng sau 2 năm thì Twitter đã dẫn đầu thị trường còn Jaiku chìm trong bất đồng nội bộ và bị Google coi là đứa con lạc loài.

Việc Google không thực sự coi trọng các mạng xã hội cũng có thể bắt nguồn từ chính ông chủ của mình- Larry Page. Người đứng đầu Google chỉ coi mạng xã hội là trào lưu và không có tính bền vững cho nên những sản phẩm chính mình tạo ra như Google Buzz cũng chẳng đi đến đâu khi đóng cửa vào năm 2011. Sản phẩm này gặp vấn đề về tính riêng tư cá nhân và gây phiền toái với người dùng khi bị ép sử dụng trong hộp thư Gmail. Và đến nay thì mạng xã hội Google+ cũng đang được xem là sự thất vọng lớn nhất của hãng tìm kiếm này.

Một trong những thành công lớn nhất của Google chính là hệ điều hành di động Android.  Phần còn lại là Chrome OS và Google TV thì hiện tại chỉ nằm ở diện tiềm năng trong tương lai. Chrome OS đang được kì vọng thế chân hệ điều hành Windows XP nhưng việc thay đổi thói quen người dùng không phải là nhiệm vụ dễ dàng trong thời điểm này. Google đang cố gắng xây dựng nền tảng trên máy tính để bàn với các công cụ như trình duyệt Chrome, Driver, Maps hay Gmail... đang có những thành tựu đáng nể trong việc định hình tuy nhiên vẫn còn nhiều mảng ghép còn quá lu mờ trước các đối thủ như Picasa, Wallet...

Google Nexus Q
 

Trong lĩnh vực giải trí gia đình cũng không mang đến một thành tựu nào đáng nể khi Google TV còn quá xa lạ sau 4 năm xuất hiện. Một kì vọng mới tại Google I/O vừa qua là nền tảng Android TV mới với nhiều tính năng hiện đại và miếng ghép này đang chờ thời gian để hoàn thiện. Trước đó Google cũng giới thiệu các công cụ hỗ trợ giải trí như Nexus Q hay Chromecast nhưng cuối cùng thì các sản phẩm đã bị bỏ rơi bởi không được người dùng đón nhận. Những mảnh ghép mơ hồ như Xe không người lái, Google Glass hay Google Contact Lens cần khá nhiều thời gian hoàn thiện và khó có thể đảm bảo được thành công.
 

PC World VN, 07/2014

PCWorld

Đế chế google, Google


© 2021 FAP
  3,464,091       1/1,029