Công nghệ - Sản phẩm

Những cột trụ nền tảng tạo nên Google

Xuất phát từ một công ty tìm kiếm trực tuyến, đế chế Google giờ đây đã bao trùm mọi hoạt động trên Internet của người dùng nhờ sức mạnh của máy tìm kiếm và hệ sinh thái phong phú tạo nên từ Gmail, trình duyệt Chrome, nền tảng Android cho di động, và cả Chrome OS cho PC.

Google là một công trình nghiên cứu từ năm 1996 bởi Larry Page và Sergey Brin, hai nghiên cứu sinh tại Đại học Stanford (Mỹ). Ban đầu, dịch vụ được gọi là BackRub, và chính thức mang tên Google từ năm 1997 cùng với tên miền www.google.com được đăng ký. Công ty Google, Inc. chính thức được thành lập vào năm 1998. Những năm đầu, Google chuyên tâm vào lĩnh vực tìm kiếm trực tuyến còn chưa mấy phát triển và nhanh chóng trở thành cỗ máy tìm kiếm khổng lồ, tạo bệ phóng cho hệ sinh thái của Google từng bước được mở rộng, phủ khắp nơi trong thời đại Internet.

Dấu ấn đầu tiên phải kể đến dịch vụ email trên nền web, Gmail (Google Mail), ra mắt năm 2004 được người dùng ủng hộ nhờ lợi thế tìm kiếm thư của Google cùng công nghệ lọc thư rác hiệu quả, và đặc biệt là dung lượng lưu trữ miễn phí lớn (1 GB), gấp 20 lần so với các dịch vụ webmail khác vào thời bấy giờ. Gmail hiện là dịch vụ email lớn nhất thế giới với hơn nửa tỷ tài khoản hoạt động, cùng các dịch vụ khác được tích hợp xung quanh, như Google+, Drive, Search, Play, Calendar, Photos, máy dịch Tranlslate tạo nên một hệ sinh thái trọn vẹn phục vụ người dùng dựa trên nền tảng công cụ của Google. Gmail lên di động khá sớm, và đã cán mốc 1 tỷ lượt cài đặt.

Đăng nhập một lần với tài khoản Google, truy cập mọi sản phẩm của Google.
 


Năm 2006, Google mua lại Youtube, bắt đầu cung cấp dịch vụ giải trí truyền thông và trở thành đế chế giải trí trực tuyến. YouTube là lựa chọn hàng đầu cho người dùng tải video lên để chia sẻ, quảng bá hình ảnh cũng như tìm kiếm các nội dung video yêu thích. Thông tin trên trang YouTube cho biết, có hơn 1 tỷ người dùng truy cập YouTube mỗi tháng để xem hơn 6 tỷ giờ video. Cứ mỗi phút lại có hơn 100 giờ video được tải lên YouTube.

Google thuở ban đầu.

Google phát hành trình duyệt Google Chrome vào năm 2008, tới tháng 3 vừa qua, Chrome đã chiếm vị trí đầu bảng với 43% thị trường trình duyệt thế giới.

Thế lực của Google thực sự được mở rộng khi ra mắt nền tảng di động Android vào năm 2007, cùng với Liên minh thiết bị cầm tay mở (Open Handset Alliance) được thành lập bao gồm Google và nhiều nhà sản xuất thiết bị, chipset và mạng viễn thông với mục tiêu đẩy mạnh các tiêu chuẩn mở cho các thiết bị di động. Kho ứng dụng Android Market được mở ra cho các nhà phát triển. Mã nguồn mở Android đã lôi kéo các nhà sản xuất thiết bị, mạng viễn thông di động và lập trình viên trên toàn thế giới, làm bùng nổ cuộc đua smartphone và máy tính bảng, đưa cả thế giới bước vào kỷ nguyên di động.

Chưa dừng lại ở đó, Google tiếp tục tung ra hệ điều hành đám mây Chrome OS vào năm 2009 với tham vọng thay đổi cách người dùng máy tính truyền thống ở thời điện toán đám mây lên ngôi, làm việc, giải trí mọi lúc mọi nơi. Mới đây nhất là Android Wear, một nhánh của hệ điều hành Android, được Google giới thiệu cho mảng thiết bị đeo, đón đầu kỷ nguyên IoT (Internet kết nối vạn vật) đang đến.

Cho đến nay, mỗi bước đi của Google đều xoay quanh mảng kinh doanh quảng cáo dựa trên cỗ máy tìm kiếm khổng lồ làm cốt lõi. Những cột trụ nền tảng phát triển nhanh, bền vững cùng các hệ sinh thái phong phú tạo nên một guồng máy khổng lồ cuốn theo các nhà sản xuất thiết bị, phát triển phần mềm, các doanh nghiệp cho tới người dùng cuối.

Từ máy tìm kiếm khổng lồ
Google nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dùng Internet từ khi ra đời nhờ ở tính đơn giản mà hiệu quả, vượt hẳn các công cụ tìm kiếm khác. Chỉ sau 2 năm vận hành, từ năm 2000, Google bắt đầu bán quảng cáo bằng từ khóa để đem lại kết quả thích hợp hơn cho người dùng. Google luôn trả về chính xác những gì bạn muốn chỉ với vài phần mười của giây, phạm vi tìm kiếm từ mọi ngóc ngách của các trang web trên thế giới. “Cái gì không biết ta tra Google” trở thành kim chỉ nam của cư dân mạng.

Để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm, cũng là cách giữ chân người dùng, các nhà cung cấp dịch vụ trên Internet đua nhau đặt thanh tìm kiếm Google mặc định trên trang web của mình. Tới đầu năm 2004, cỗ máy tìm kiếm Google đạt “đỉnh”, xử lý trên 80% số lượng tìm kiếm trên Internet. Con số này chỉ tụt xuống sau khi Yahoo bỏ Google để dùng kỹ thuật tìm kiếm riêng. Dù vậy cỗ máy tìm kiếm Google vẫn chiếm hơn nửa thị phần tìm kiếm trực tuyến.

Google đã liên kết với hàng tỷ trang web, tổ chức lại thông tin, dùng công nghệ tìm kiếm của mình kết hợp các từ khóa và toán tử, tìm cả hình ảnh (Image Search), kết hợp bản đồ (Google Maps) đáp ứng mọi nhu cầu tìm kiếm thông tin của người dùng Internet. Ước tính công ty dùng hơn một triệu máy chủ (tính đến năm 2007) đặt trong các trung tâm dữ liệu trên khắp thế giới để xử lý hơn một tỷ yêu cầu tìm kiếm và khoảng 24 triệu Gigabyte dữ liệu người dùng tạo ra mỗi ngày (tính đến năm 2009), theo Wikipedia. Google.com là website có lượt truy cập lớn nhất thế giới trong nhiều năm qua.

Vào tháng 5/2011, lượng người truy cập hàng tháng tới Google.com lần đầu tiên vượt con số một tỷ, theo ComScore. Tháng 1/2013, Google thông báo đã kiếm được 50 tỷ USD doanh thu trong năm 2012.

Bộ máy tìm kiếm khổng lồ của Google trở thành bộ não nhân tạo của con người, với đủ cấp độ tìm kiếm: nhanh, chuyên sâu, theo thời gian thực, cá nhân hóa, dựa trên địa điểm, để đưa ra những kết quả phù hợp nhất với ngữ cảnh, không gian, thời gian và những thói quen của người dùng.

Với sự phát triển ồ ạt của các thiết bị cầm tay, đạo quân Android tràn ngập khắp nơi là cơ hội để cỗ máy tìm kiếm Google tiếp tục bành trướng. Dù vậy, theo hãng nghiên cứu BI Intelligence, sử dụng web không phải là phương thức duy nhất để tìm kiếm thông tin trên thiết bị di động. Những ứng dụng tìm kiếm đang được dùng nhiều trên smartphone và máy tính bảng. Tìm kiếm thông qua mạng xã hội cũng đang phát triển nhanh chóng. Vấn đề là ở chất lượng tìm kiếm, nhất là với những thông tin đặc trưng. Chẳng hạn, ứng dụng di động Kayak thường được dùng để tra cứu thông tin du lịch; người dùng smartphone ở Việt Nam hay dùng Foody để tìm địa điểm ăn uống.

Theo hãng nghiên cứu eMarketer, Google chiếm tới 49% doanh thu ngành quảng cáo di động trong năm 2013, nhưng đã bị mất 4% so với năm 2012. eMarketer ước tính trong năm 2014 Google sẽ đạt doanh thu 14,7 tỷ USD, gấp đôi số tiền Facebook kiếm được, nhưng khoảng cách lại đang thu hẹp nhanh chóng qua từng năm.

Tới hành trình chinh phục thế giới di động
Theo IDC, Android chiếm gần 79% tổng số smartphone và 61% máy tính bảng bán ra trong năm 2013. 6 năm trước, khó ai có thể hình dung được cái ngày đạo quân Android tràn ngập khắp nơi. Năm 2008, khi chú robot xanh mới chập chững bước ra thị trường cùng chiếc HTC Dream thì BlackBerry của RIM (nay đã được đổi tên thành công ty BlackBerry), Symbian của Nokia, WebOS của Palm, Windows Mobile của Microsoft  đang là những nền tảng sáng giá, và iPhone của Apple đang gây sốt trên thị trường tiêu dùng.

HTC Dream do nhà mạng T-Mobile của Mỹ phân phối mang tên G1 trông khá thô, Android đời đầu cài trong máy vẫn còn sơ khai, chưa hỗ trợ màn hình cảm ứng đa điểm, không có bàn phím ảo, thiếu kho ứng dụng, nhưng có ưu thế rõ rệt là tích hợp chặt chẽ với Gmail để gửi/nhận email trên thiết bị di động. Android 2.0 ra đời sau 1 năm cùng chiếc Motorola Droid của nhà mạng Verizon mới thực sự đem lại những trải nghiệm người dùng đáng ghi nhận, mở ra bước ngoặt để Android lớn mạnh không ngừng. Qua mỗi lần Android được nâng cấp, Google lại bổ sung nhiều tính năng, hỗ trợ nhiều kiểu thiết bị với cấu hình ngày càng cao hơn, xuất hiện nhiều mẫu điện thoại mang tính đột phá từ các nhà sản xuất Motorola, Samsung, HTC, LG, Sony.  Kho ứng dụng Google Play phát triển nhanh chóng nhờ đông đảo giới lập trình viên tham gia viết ứng dụng cho nền tảng mở để mở rộng chức năng của thiết bị.

Mã nguồn mở của Android cùng giấy phép ít ràng buộc đã tạo cơ hội cho các nhà sản xuất thiết bị, mạng viễn thông di động và các lập trình viên chỉnh sửa và phân phối Android một cách tự do. Kết quả, Android trở thành nền tảng di động phổ biến nhất thế giới. Sau 5 năm “chào hàng”, Adroid đã có mặt trên 1 tỷ thiết bị di động, và Google đang hướng đến một thị trường rộng lớn với hàng tỷ người dùng smartphone Android trong nay mai. Không những vậy, Android còn vượt ra ngoài smartphone và máy tính bảng, xuất hiện trên cả TV, máy chơi game và nhiều thiết bị điện tử khác. Đem lại trải nghiệm người dùng phong phú, được sự ủng hộ của nhiều đối tác, sản phẩm hỗ trợ trải rộng trên nhiều phân khúc đã tạo bệ phóng cho Android cất cánh.

Vấn đề của Android là quá phân mảnh. Mỗi lần phiên bản mới xuất hiện các nhà sản xuất lại phải tốn công nâng cấp phần mềm cho thiết bị của họ. Với người dùng, điều khó chịu là nhiều smartphone và máy tính bảng dù dùng chưa lâu vẫn không thể nâng cấp lên hệ điều mới nhất. Phiên bản Android 4.4 KitKat không đòi hỏi thiết bị cấu hình cao cho thấy Google đang nỗ lực giải quyết điều đó. Việc hợp nhất hai phiên bản Android cho smartphone và máy tính bảng làm một kể từ Android 4.0 Ice Cream Sandwich tạo thuận lợi lâu dài cho việc phát triển hệ sinh thái Android.

Theo Canalys, trong quý 1/2014, Android chiếm ưu thế tuyệt đối với 81% số smartphone được bán ra, iOS với thị phần iPhone đã co lại còn 16%. Windows Phone mới có vỏn vẹn 3% thị phần. Cho đến nay Symbian, WebOS đã rời sân chơi di động. Ông hoàng smartphone BlackBerry chỉ còn dưới 1% thị phần, gần như bị loại. Nhưng đã xuất hiện những đối thủ tiềm năng của Android: Ubuntu, Firefox OS, Tizen đều là những hệ điều hành nguồn mở, không đòi hỏi thiết bị có cấu hình cao, phù hợp cho phân khúc smartphone giá rẻ bán tốt ở các thị trường mới nổi. Tizen đang được Samsung đặt cửa hy vọng thoát khỏi cái bóng quá lớn của Google.

Câu hỏi lớn là ai có thể hãm đà tiến của Android. Hay Android sẽ hướng tới mục tiêu chiếm trên 90% thị trường smartphone để thành nền tảng thống trị tuyệt đối thế giới di động như Windows đã làm được trong ngành công nghiệp PC.

Có lẽ kẻ cản đường tiềm năng nhất của Google là Facebook, mạng xã hội đã có hơn 1 tỷ người dùng, và vẫn tiếp tục tăng trưởng. Rất có thể phương thức tìm kiếm truyền thống sẽ dịch chuyển sang môi trường mạng xã hội, bởi dữ liệu liên quan đến người tìm kiếm sẽ quyết định kết quả tìm kiếm, và khi đó thế mạnh cốt lõi của Google sẽ không còn nữa. Mọi điều đều có thể xảy ra.
 

PC World VN, 07/2015
 

PCWorld

Đế chế google, Google


© 2021 FAP
  3,464,095       1/1,029