Mạng xã hội này hứa hẹn sẽ cẩn thận hơn về nội dung các cuộc nghiên cứu người dùng với sự tham gia đánh giá của dàn lãnh đạo cấp cao.
Tuy nhiên, Facebook lại không cho biết có mời các nhà nghiên cứu bên ngoài hay không cũng như chi tiết các qui định về qui trình đánh giá ra sao. Cũng không rõ là Facebook sẽ làm thế nào để xác định các cuộc nghiên cứu có liên quan về đạo đức. Đồng thời, cũng không nói rằng trong những trường hợp nào họ sẽ thông báo cho những người dùng có liên quan đến một cuộc nghiên cứu.
Giám đốc công nghệ của mạng xã hội này cho biết, một qui trình đánh giá cải tiến sẽ được tiến hành trước khi cuộc nghiên cứu diễn ra. Đồng thời, nếu nghiên cứu có liên quan đến việc hợp tác với những ai thuộc cộng đồng khoa học thì phải trải qua thêm nhiều khâu đánh giá nữa.
Facebook sẽ cải thiện hoạt động nghiên cứu người dùng. |
Facebook đã đối mặt với những phản ứng dữ dội từ người dùng và gây ra một cuộc tranh cãi đầu năm nay từ một nghiên cứu được bí mật thực hiện hồi năm 2012. Theo báo cáo của Facebook, có khoảng 689.003 News feed (nội dung cập nhật mới) của người dùng sử dụng tiếng Anh đã được thay đổi nội dung nhằm “xem liệu việc tiếp xúc với những cảm xúc khác nhau có khiến mọi người thay đổi hành vi gửi bài riêng của họ hay không".
Cuộc thử nghiệm này phát hiện ra rằng, trên thực tế những News feed "tích cực" xuất hiện trên tường của người dùng sẽ thực sự truyền cảm hứng cho họ để có những bài viết tích cực. Tuy nhiên, nhiều người mô tả nghiên cứu này giống như Facebook đang đùa giỡn với cảm xúc và đã xâm phạm quyền riêng tư của họ. Xét về một khía cạnh nào đó thì những kết quả mà cuộc thí nghiệm này mang lại có thể thú vị vì nó hoàn toàn đúng trong cuộc sống đời thường. Song, mặt đáng lo ngại của cuộc nghiên cứu này chính là không ai trong số người được thử nghiệm được thông báo một cách rõ ràng rằng họ sẽ là một phần trong đó.
Facebook, nghiên cứu người dùng, tính riêng tư